IPO doanh nghiệp dệt may: Hẹn đến cuối năm
Trao đổi với Báo ĐTCK về kế hoạch IPO các doanh nghiệp trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, đến thời điểm này Tập đoàn đã cơ bản hoàn thành phương án cổ phần hóa toàn bộ doanh nghiệp còn lại trong đơn vị, nhưng vì bối cảnh kinh tế có những khó khăn nhất định nên kế hoạch này phải dừng lại đến cuối năm 2008.
Trong số những doanh nghiệp đã hoàn thiện phương án IPO có Công ty Dệt kim Đông Phương và Công ty Tài chính dệt may (nếu theo đúng kế hoạch thì đã cổ phần hóa và bán cổ phần vào tháng 6/2008 hoặc có thể trước đó), nhưng đúng vào những thời điểm này, TTCK lại suy giảm mạnh nên không thể thực hiện được…
Thua lỗ không phải vì đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm?
Theo ông Ân, Tập đoàn hiện còn 6 doanh nghiệp có kế hoạch cổ phần hóa và đã hoàn thành thủ tục, chỉ còn chờ thời điểm để "bấm nút" tiến hành. "Dù thị trường có khó khăn nhưng từ giờ đến cuối năm 2008, những doanh nghiệp thuộc Tập đoàn cũng được cổ phần hóa hết. Việc cổ phần hóa Công ty mẹ theo ý kiến của Chính phủ cũng sẽ được thực hiện vào đầu năm 2009", ông Ân thông báo.
Mặc dù, khẳng định đại đa số doanh nghiệp trong Tập đoàn đều có kết quả hoạt động kinh doanh tốt sau 6 tháng đầu năm nhưng ông Ân cho biết, vẫn còn 4/60 doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ. Trao đổi với ĐTCK về vấn đề những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ này có phải là những doanh nghiệp đã đầu tư vào sang lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, bất động sản hay không; ông Ân khẳng định, 4 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn 6 tháng đầu năm chưa đạt được lợi nhuận như mong muốn không phải là do đầu tư vào bất động sản, vì nếu có đầu tư vào bất động sản thì bây giờ chưa thể lỗ được. Các doanh nghiệp trong ngành có đầu tư vào bất động sản nhưng là ngành kinh doanh hạ tầng… (chủ yếu đầu tư vào khu công nghiệp dệt may). Theo ông Ân, những doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh yếu kém là do cơ cấu tài chính và quản lý chưa tốt.
Còn khá nhiều khó khăn
Thống kê của Tập đoàn Dệt may cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2008, toàn đơn vị tăng trưởng 15% về xuất khẩu, lợi nhuận ước tính là 119 tỷ đồng nhưng so với kế hoạch 6 tháng đầu năm giảm 50%. Nguyên nhân của việc sụt giảm lợi nhuận so với kế hoạch là từ đầu năm 2008 đến nay giá bông xơ tăng đến 30 - 40%, giá nhiên liệu xăng dầu, than cũng tăng, trong khi giá thành các sản phẩm dệt may chưa thể tăng tương ứng. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong Tập đoàn cũng chịu áp lực rất lớn về lãi suất ngân hàng.
Đối với toàn ngành dệt may, kế hoạch năm 2008 cố gắng đạt kim ngạch xuất khẩu 9,5 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2008 kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 4,2 tỷ USD, bằng 44,21% kế hoạch đề ra của cả năm 2008 và tăng trưởng 20% so với cùng kỳ. Kế hoạch 6 tháng cuối năm của các doanh nghiệp cũng còn khá nặng nề với kim ngạch xuất khẩu phải đạt 5,3 tỷ USD.
Theo tính toán của Hiệp hội Dệt may, khối lượng công việc này nếu cố gắng các doanh nghiệp trong ngành vẫn có thể hoàn thành vì năm nay đơn đặt hàng khá nhiều. Tuy nhiên, vướng mắc về vốn và nhân công lại là vấn đề chính mà Hiệp hội đang phải nỗ lực phối hợp với các ngành khác giải quyết.
Ông Ân cho rằng, đối với các doanh nghiệp trong Tập đoàn thì không quá khó, nhưng hiện tại đối với khối doanh nghiệp dệt may có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu) thì nhân công đang là một bài toán nan giải. Từ đầu năm đến nay, rất nhiều cuộc đình công xảy ra khiến một số nhà đầu tư lao đao vì không thể giao hàng đúng tiến độ. Ngoài ra, theo giới chuyên môn trong ngành dệt may, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp nên chuẩn bị đối phó với kịch bản giá dầu thế giới tăng cao sẽ kéo theo giá sản phẩm tăng, việc tiêu thụ các sản phẩm dệt may cũng sẽ chậm lại.
Ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương cũng lưu ý, thị trường Mỹ tăng trưởng chậm, sức mua sụt giảm... đã ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu dệt may. Để đạt mục tiêu tăng trưởng, các doanh nghiệp nên tiếp tục tìm cách đa dạng hóa thị trường, tránh trước những ảnh hưởng không đáng có khi thị trường này thay đổi.
đtck
|