Mục tiêu hoàn thành CPH DN Nhà nước vào 2010 không còn phù hợp
Ông Phạm Viết Muôn – Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp: 6 tháng đầu năm, cả nước cổ phần hoá được 30 doanh nghiệp Nhà nước. Nếu chúng ta cứ theo đuổi mục tiêu cổ phần hoá đã đề ra là không thực tế.
Tại buổi họp báo sáng nay (10/7), ông Phạm Viết Muôn – Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, cổ phần hoá diễn ra rất chậm. Tiến trình này chậm là hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội thời gian qua. Nếu chúng ta cứ theo đuổi mục tiêu cổ phần hoá đã đề ra là không thực tế.
Tuy nhiên, phần lớn DNNN hiện nay nằm trong diện cổ phần hoá vào năm 2008 đang xúc tiến các bước để chuẩn bị cổ phần hoá vào 6 tháng cuối năm và các năm 2009-2010.
Những con số biết nói
Theo ông Muôn, 6 tháng đầu năm, cả nước đã sắp xếp lại 62 doanh nghiệp theo các hình thức: chuyển thành công ty TNHH một thành viên (17), thành lập mới (1), cổ phần hoá (30), giao 3, bán (3), thuê, khoán (1), giải thể (1), chuyển cơ quan quản lý (1). Như vậy, tổng số DNNN cổ phần hoá tính đến nay là 3.786 doanh nghiệp.
Ông Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính phân tích: “Trong 6 tháng qua, thị trường chứng khoán có những điểm chưa thuận lợi cho nên các doanh nghiệp ngại IPO. Đến nay, thị trường chứng khoán có dấu hiệu phục tốt cho IPO (tuy nhiên vẫn phải tiếp tục theo dõi). Bản thân doanh nghiệp cũng cần phải có tính toán chặt chẽ để đảm bảo IPO thành công”.
Đến nay, cả nước còn 1720 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được tổ chức dưới hình thức tập đoàn kinh tế (7), tổng công ty Nhà nước (86), và công ty nhà nước độc lập (1099). Ngoài ra, có 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, 6 Tổng công ty Nhà nước và 1 ngân hàng thương mại Nhà nước hoàn thành cổ phần hoá.
Nhà nước giữ cổ phần chi phối các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ ở 524 doanh nghiệp thành viên; giữ trên 50% vốn điều lệ ở 738 doanh nghiệp thành viên và dưới 50% vốn điều lệ ở 672 doanh nghiệp đã cổ phần hoá.
Các tập đoàn, tổng công ty đang giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất để Nhà nước điều tiết, định hướng kinh tế vĩ mô. Năm 2007, sản lượng giá trị hàng hoá, dịch vụ của các tập đoàn Tổng công ty chiếm tỷ trọng 40% GDP của cả nước và đóng góp 28,8% tổng thu nội địa (không kể dầu thô và thuế xuất nhập khẩu), góp phần ổn định nguồn thu.
Tổng hợp các báo cáo của 7 tập đoàn, 11 TCT 91 và 56 TCT 90 trong 6 tháng đầu năm 2008, cho thấy, tổng vốn Nhà nước là 402.815 tỷ đồng. Trong đó 18 tập đoàn, TCT 91 là 296.000 tỷ đồng.
Tổng doanh thu đạt 510.811 tỷ đồng, đạt 59,3% kế hoạch năm, tăng 50,8% so với cùng kỳ 2007, trong đó 18 tập đoàn, TCT 91 đạt 367.667 tỷ đồng, đạt 62% kế hoạch năm, tăng 55% so với cùng kỳ.
Những tập đoàn và TCT Nhà nước có doanh thu cao là: Tập đoàn Dầu khí, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, TCT Máy động lực và máy nông nghiệp, TCT hoá chất… Và một số TCT thua lỗ như: TCT xăng dầu, TCT Hàng không, TCT Chè, TCT thiết bị y tế…
Sau khi rà soát các dự án đầu tư, trong năm 2008, các Tập đoàn, TCT đã cắt giảm, đình hoãn 609 dự án với tổng số vốn 34.190 tỷ đồng. Các đơn vị cắt giảm đầu tư nhiều là: Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ 6.500 tỷ đồng, TCT Hàng Hải (6.179 tỷ đồng), Tập đoàn dầu khí (6000 tỷ đồng), TCT du lịch Sài Gòn (2.768 tỷ đồng), Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông (1880 tỷ đồng), Tập đoàn Điện lực (1802 tỷ đồng), TCT Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (794 tỷ đồng), TCT Thương mại Sài Gòn (674 tỷ đồng).
Nhiều tập đoàn kinh tế, TCT Nhà nước đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phấn đấu giảm giá thành sản phẩm, cắt giảm các chi phí hành chính. Những tập đoàn, TCT Nhà nước đã xây dựng kế hoạch cụ thể cắt giảm chi phí khá lớn là: Tập đoàn dầu khí (10%), TCT cơ điện xây dựng nông nghiệp và Thuỷ lợi (13-15%), Tập đoàn điện lực (5% chi phí vật liệu, dịch vụ mua ngoài, 10% chi phí sửa chữa lớn). Các TCT: Thương mại Hà Nội, Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh, Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam… đều cắt giảm 10%.
Đầu tư cho nghề tay trái là 7.370 tỷ đồng
Trong thời gian qua, cũng có một số tập đoàn, TCT đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bất động sản với số tiền là 7.370 tỷ đồng. Có 13 tập đoàn, TCT đầu tư vào các quỹ chứng khoán, quỹ đầu tư tài chính với tổng giá trị 1.061 tỷ đồng, bằng 0,31% vốn chủ sở hữu, và bằng 0,13% tổng giá trị tài sản.
Có 19 tập đoàn, TCT góp vốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần, với tổng giá trị đầu tư 4.426 tỷ đồng, bằng 1,3% vốn chủ sở hữu và bằng 0,55% tổng giá trị tài sản.
Có 13 tập đoàn, TCT góp vốn thành lập 15 công ty chứng khoán với tổng giá trị đầu tư 420 tỷ đồng. Có 18 tập đoàn, TCT góp vốn vào lĩnh vực bất động sản với tổng giá trị đầu tư 1.463 tỷ đồng.
Xét chung, tổng vốn đầu tư vào 3 lĩnh vực trên là con số không nhỏ nhưng không lớn so với vốn chủ sở hữu và tài sản doanh nghiệp (so với vốn chủ sở hữu chiếm 2,16%, so với tài sản doanh nghiệp chiếm 0,92%).
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến 31/12/2007, tổng vốn huy động, bao gồm vốn vay trong nước, vay nước ngoài, vay ngắn hạn, dài hạn và các khoản nợ phải trả khác) của 76 tập đoàn, TCT Nhà nước là 514.465 tỷ đồng, gấp 1,36 lần vốn chủ sở hữu. Trong điều kiện Nhà nước không cấp thêm vốn điều lệ cho các tập đoàn, TCT thì việc các tập đoàn, TCT vay vốn để kinh doanh là phù hợp.
Xét tổng thể, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu nói trên là không cao, vẫn bảo đảm an toàn tài chính doanh nghiệp.
CPH - vẫn còn “bình mới, rượu cũ”
Theo nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các DNNN đã được cổ phần hoá nhưng cách thức hoạt động và mọi cơ chế vẫn gần như trước đây.
Ông Phạm Viết Muôn thừa nhận đây là một thực tế. “Trong số 3780 doanh nghiệp đã được cổ phần hoá, đặc biệt là ở những doanh nghiệp Nhà nước giữ cổ phần chi phối thì vẫn giữ hình ảnh cũ. Bởi bộ máy lãnh đạo vẫn là những người trước đây đã lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước. Điều quan trọng hiện nay là các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm túc Luật Doanh nghiệp”.
Về việc có những can thiệp của các cơ quan hành chính vào Đại hội cổ đông, ông Muôn cho rằng điều đó là không đúng, mà là cơ quan hành chính tác động vào một thành viên tham gia đại hội cổ đông để có những can thiệp nhất định khi tiến hành đại hội. “Chúng ta đã có luật pháp điều chỉnh, nhưng nhiều khi những người thi hành lại có cách hành xử không phù hợp với pháp luật và rất phản cảm” – ông Muôn nói./.
vov
|