USD mất giá: Doanh nghiệp chấp nhận “chịu lép” ngân hàng
Đồng USD liên tục mất giá khiến XK bất lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến các DN thuộc các nhóm hàng chủ lực: dệt may, điện tử…. Để bán được hàng đã khó, làm sao đổi được đồng USD thu về ra VND “tiêu” cũng khó chẳng kém. Nhiều DN phàn nàn đã phải chật vật, thậm chí chịu lép ngân hàng miễn sao được việc.
“Để được việc phải chịu lép”
Mặc dù hoan nghênh việc nới rộng biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho DN chủ động hơn trong xuất - nhập khẩu, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) đang đau đầu khi phải đối mặt với bài toán cân đối giữa chi phí - lợi nhuận do tỷ giá biến động mạnh.
Ông Mai Văn Lượng, Trưởng phòng thương mại, Cty điện tử Hà Nội (Hanel) cho biết, trong giai đoạn này gần như những mặt hàng mà trước đây cty xuất khẩu (XK) khá ổn định thì đến nay đã phải tính toán, cân nhắc lại. Đặc biệt, có thể sẽ có một số mặt hàng sẽ phải thanh toán chậm lại nhằm giảm thiểu thiệt hại. Điều này theo ông Lượng sẽ càng khó khăn hơn khi bản thân DN rất khó, thậm chí không thể dự đoán được tỷ giá sẽ ở mức bao nhiêu sau một tháng, hai hay ba tháng.
Khó khăn khác cũng được một số DN như Hanel phản ánh là nỗi “chật vật” khi quy đổi USD sang VND để trang trải chi phí sản xuất khi thu hồi tiền về từ các hợp đồng XK. Với các lô hàng có giá trị lớn, USD thu hồi về chỉ riêng một lô đã lên tới 3 - 4 triệu USD nhưng để đổi được ra tiền VND trang trải, thanh toán lại vô cùng khó khăn.
Kể từ 10/3, biên độ giao động tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra là +/-1%, nhưng thực chất, trên thị trường tự do USD bán ra đã xuống thấp hơn mức khống chế trong biên độ này. Chi phí đầu vào tăng cao do giá cả nguyên vật liệu sản xuất đều đội lên chóng mặt, nhưng đồng USD thu về từ XK lại bán không được, hoặc bán với giá thấp đã khiến nhiều DN phải “khóc dở mếu dở”. Đặc biệt, đối với ngành được xem là “con át chủ bài” cho XK của VN năm 2008 như dệt may, các DN càng khốn đốn hơn.
Tổng giám đốc cty cổ phần may Hưng Yên, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, ở thời điểm tỷ giá USD đang ở mức 15.950đồng/USD, nhưng vì cần tiền để trả lương cho người lao động, DN phải chấp nhận bán USD trên thị trường tự do chỉ với giá 15.450đồng khi ngân hàng hạn chế mua vào theo số lượng nhỏ 1.000- 2.000USD/lần giao dịch.
Thời điểm này, hoạt động đổi USD tại các ngân dù đã có phần thông thoáng hơn, nhưng trên thực tế, DN vẫn phải thương lượng. Ông Lượng bức xúc:”Thậm chí để được việc của mình, DN còn phải chịu thiệt một tí, tức là chịu nhún khi thương lượng với ngân hàng”.
Dùng EUR thay USD ứng phó
Những diễn biến bất lợi nói trên đang đòi hỏi mỗi DN phải tự tìm lời giải. Thực tế, DN cần phải chủ động nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, thậm chí là cả chi phí quản lý.
Ông Đoàn Tiến Dũng, Giám đốc cty cổ phần may Nam Hà (Nam Định) thừa nhận: “trong tình hình này, phải tính toán làm sao vẫn đảm bảo vốn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tỷ giá biến động mạnh là bài toán vô cùng khó cho DN XK”. Việc giảm thiểu những tác động tiêu cực từ câu chuyện tỷ giá vì vậy theo ông - còn tùy thuộc vào sức khỏe, cũng như cách xử lý bài toán của từng DN.
Còn theo Tổng giám đốc cty cổ phần may Hưng Yên, ông Nguyễn Xuân Dương: “NHNN phải giải quyết vấn đề này bằng cách đứng ra mua lại ngoại tệ theo chỉ đạo của Chính phủ. Từ đó, giúp DN yên tâm XK, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích tăng trưởng XK của năm nay”.
Hiện tại, để ứng phó với biến động tỷ giá, một số DN như Hanel đang dùng giải pháp tình thế - lấy EUR thay cho USD để thanh toán cho một số hợp đồng XK. Vì nếu tiếp tục dùng USD trong thanh toán DN sẽ càng thiệt thòi. Câu chuyện tỷ giá vì vậy vẫn đang khiến DN XK trong nước còn phải lao đao nhiều bề.
tổ quốc
|