Thứ Năm, 13/03/2008 10:31

"Bỏ chạy" khỏi USD

Đi mua một chiếc máy tính, thật bất ngờ, bên bán tính bằng VND, không còn tính USD rồi qui theo tỉ giá để thanh toán như trước. USD mất giá mạnh, xu hướng bỏ USD trong giao dịch, cất giữ tài sản đang rõ dần...

Không chỉ người giữ USD mà những doanh nghiệp và cá nhân có thói quen dùng USD trong giao dịch làm ăn cũng đang khóc dở vì đã lỡ "một thời gắn bó với USD" của mình.

Tưởng lợi hóa ra thiệt

Ngày 12-3, chị Phượng đến ngân hàng giao dịch, nhìn tỉ giá VND/USD trong ngày rồi thở dài.

Hơn một năm trước, chị Phượng dồn tiền thưởng mua được 3.000 USD ở tiệm vàng với giá 16.150 đồng/USD, cả thảy hết 48,45 triệu đồng. Đến nay, số tiền này nếu tính theo giá của ngân hàng chỉ còn 47,58 triệu đồng. Nhưng bán lại thì ngân hàng không mua, còn đem bán ở thị trường tự do chỉ còn 46,6 triệu đồng. Tưởng rằng bảo toàn vốn, không ngờ lại bị ăn vào vốn.

Nhận tiền cho thuê nhà, chị Hương - chủ nhân căn biệt thự ở Phú Mỹ Hưng - không vui vì lại mất bộn tiền. Hơn một năm trước, chị đã ký hợp đồng cho thuê nhà và ràng buộc tiền thuê được tính theo USD, có thể thanh toán bằng USD hoặc nếu bằng VND thì theo tỉ giá của Vietcombank. Cứ tưởng là có lợi cho bên cho thuê, nào ngờ...

Đợt thanh toán này bên thuê cũng đã tính toán, không trả bằng VND như mọi lần mà trả bằng USD tiền mặt. Chị Hương nhẩm tính, thiệt đơn thiệt kép. Nếu bên thuê trả bằng VND, tính ra so với đầu năm chị chỉ bị thiệt khoảng 400.000 đồng/tháng. Nay bên thuê trả bằng USD tiền mặt, phần thiệt sẽ cao hơn vì giá USD ngoài thị trường tự do thấp hơn giá của ngân hàng trên 200 đồng/USD.

USD biến mất dần trên các bảng giá

Mặc dù pháp luật VN qui định trên lãnh thổ VN chỉ được thanh toán bằng VND, nhưng trước đây nhiều nhà sản xuất - kinh doanh vẫn vô tư chào giá, kể cả nhận thanh toán bằng USD.

Từ ôtô, tiền phòng khách sạn, tour du lịch nước ngoài cho đến thẻ nhớ, con chuột máy vi tính cũng được niêm yết giá bán bằng USD.

Đã có văn bản, các đợt thanh tra, kiểm tra việc niêm yết và bán hàng hóa dịch vụ bằng USD nhưng cũng chỉ như "cóc bỏ đĩa".

Thế nhưng những ngày gần đây, tình trạng này đang giảm dần mà chẳng có đợt thanh tra, kiểm tra nào.

Hiện nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh đã xen vào bảng giá bán hàng bằng VND, bỏ đi bảng giá USD khiến không ít khách hàng khiếu nại vì họ phải trả tiền nhiều hơn trước, trong đó có nhiều công ty bán thiết bị máy tính.

Trước đây, khi USD còn lên giá, tất cả đều được bán bằng USD, khi thanh toán thì được tính theo tỉ giá thị trường tự do luôn cao hơn giá của các ngân hàng niêm yết. Còn hiện nay các công ty này đã niêm yết giá bán bằng VND.

Một chiếc máy in giá 650 USD được niêm yết giá bán 10,31 triệu đồng, màn hình máy tính giá 410 USD có giá VND là 6,5 triệu đồng.

Có nơi niêm yết song song hai đơn vị tiền tệ nhưng với VND thì cố định một tỉ giá, điều này có lợi cho người bán. Ví dụ con chuột máy vi tính có giá 10 USD nhưng giá bán bằng VND lại là 159.000 đồng (theo tỉ giá 15.900 đồng/USD), trong khi nếu theo tỉ giá niêm yết trong ngày của ngân hàng thì chỉ 15.860 đồng/USD, còn tại thị trường tự do là 15.570 đồng/USD.

Xu hướng nào?

Khi được hỏi về xu hướng tới trong việc dùng USD để định giá mua bán, thanh toán, mỗi người lại có những cách nhìn khác nhau. Chị Hương ở Phú Mỹ Hưng nói: "Thôi đành chờ đảng Dân chủ thắng cử ở Mỹ, ông Obama hay bà Clinton cũng được. Đảng Dân chủ mà thắng ghế tổng thống Mỹ thì chắc chắn USD sẽ lên giá, không còn rẻ bèo như hiện nay".

Còn anh T. bán linh kiện máy tính cho rằng: "VN cũng giống như Trung Quốc thôi, xu hướng VND lên giá sẽ còn kéo dài, gắn với USD là không có lợi. Thôi cứ chuyển sang VND cho chắc ăn, bao nhiêu người làm ăn thanh toán với nhau bằng VND vẫn trôi chảy. Lâu nay mình có niềm tin USD là "vô địch", nhưng nay thì không phải thế. Vì vậy, mình cũng phải thay đổi".

Anh Sinh kinh doanh ôtô thì "ấm ức" vì tin rằng Nhà nước phải ổn định tỉ giá, nào ngờ bây giờ thay đổi, thiệt cho người làm ăn đã quen gắn bó với USD. Nhưng anh tự an ủi trước đây đối tác của mình phải chịu thiệt do USD tăng giá đều đều, nay đến mình phải "trả lễ" khi USD mất giá đều đều... Anh Sinh khẳng định sẽ theo dõi diễn biến nhưng hướng trước mắt là bỏ USD, chỉ quay lại khi USD tăng giá trở lại.

Trong khi đó khá nhiều người có tiền gửi tiết kiệm USD tại ngân hàng đang tính bài toán chuyển USD sang VND. Cái lợi nhất khi giữ USD đó là biến động tỉ giá, nhưng nay tỉ giá không tăng mà cứ giảm dần thì giữ USD là mất của. Chưa kể bị thiệt do lãi suất gửi USD chỉ bằng phân nửa so với gửi VND, USD cao nhất là 6%/năm trong khi VND là 12%/năm

Giá đang rẻ đi nếu theo USD

Nhiều đơn vị vẫn kiên trì dùng USD trong thanh toán, nhờ vậy khách hàng được lợi do giá hàng hóa rẻ đi. Giá bán một chiếc Toyota Innova là 29.900 USD không thay đổi kể từ khi chiếc xe này được tung ra thị trường. Nếu mua xe cuối năm 2006, người mua phải trả đến 481 triệu đồng thì nay giá chiếc xe này chỉ còn 474 triệu đồng...

tp

Các tin tức khác

>   Chấm điểm ngân hàng cổ phần như thế nào? (13/03/2008)

>   Vinashin bảo hiểm đóng tàu 270 triệu đô la (13/03/2008)

>   HSBC dự báo tiền đồng tăng giá 3,5 - 4,5% (13/03/2008)

>   “Mở đường” cho trái phiếu doanh nghiệp (13/03/2008)

>   SHB triển khai “Tiết kiệm ngoại tệ siêu hấp dẫn” (13/03/2008)

>   Nới rộng biên độ, tỷ giá giảm sâu (13/03/2008)

>   Chậm trễ xếp hạng… khách hàng (13/03/2008)

>   Ngân hàng thiếu USD, nhưng không muốn mua USD (13/03/2008)

>   Lãi suất huy động USD lại lên “cơn sốt” (13/03/2008)

>   Chóng mặt vì phụ phí mua USD của ngân hàng (13/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật