Nới rộng biên độ, tỷ giá giảm sâu
Khả năng tỷ giá hối đoái sẽ còn sụt giảm sâu trong thời gian tới, cho đến khi NHNN tích cực mua vào ngoại tệ và nguồn cung VND dồi dào trở lại
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức công bố việc mở rộng biên độ tỷ giá VND/USD từ (+/-)0,75% lên (+/-)1% kể từ ngày 10/3/2008, theo Quyết định số 504/QĐ - NHNN, tức là tăng 0,25% so với trước đây. Đây là lần thứ 2 cơ quan này nới rộng biên độ tỷ giá hối đoái kể từ năm 2007. Ngay lập tức, thị trường đã có phản ứng, tỷ giá được các ngân hàng điều chỉnh hạ sâu hơn so với trước. Tỷ giá thấp hơn cả thị trường tự do khiến nhiều ngân hàng buộc phải tìm cách ngăn dòng USD “chảy ngược” từ thị trường tự do vào ngân hàng.
Theo NHNN, mục đích của việc mở rộng biên độ tỷ giá giao dịch giữa VND với USD của các ngân hàng so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng lần này nhằm tạo điều kiện để nền kinh tế Việt Nam ngày càng thích nghi với mức độ mở cửa, hội nhập với nền kinh tế thế thế giới. Đồng thời, theo NHNN, quyết định này cũng nhằm triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 319/TTg - KTTH về tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát năm 2008.
NHNN cho rằng, với biên độ tỷ giá giữa VND và USD so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng được nâng từ (+/-) 0,75% lên (+/-) 1% sẽ tạo thêm quyền chủ động cho các ngân hàng trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ. Các ngân hàng sẽ có thêm điều kiện ấn định tỷ giá mua - bán linh hoạt, sát với cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Cơ chế tỷ giá ngày càng linh hoạt hơn sẽ đòi hỏi các ngân hàng và thành viên tham gia thị trường ngoại hối phải nâng cao khả năng phòng ngừa rủi ro về biến động tỷ giá để đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Ngay trong ngày đầu tiên áp dụng biên độ kinh doanh mới, tỷ giá hối đoái trên thị trường đã giảm sâu thêm, sau khi các ngân hàng điều chỉnh theo biên độ (+/-) 1%, thay vì (+/-) 0,75% như trước đây.
Ngăn dòng...
Tỷ giá VND/USD niêm yết tại Vietcombank, Eximbank… trong ngày 10/3 chỉ còn 15.865 VND/USD, giảm đến 160 VND/USD so với cuối tuần trước. Do nguồn cung ngoại tệ ngày một dồi dào, bởi nhu cầu bán USD chuyển sang tiền đồng của người tiêu dùng tăng cao, giá đồng ngoại tệ được rao bán trên thị trường tự do còn thấp hơn khoảng 300 VND/USD so với giá niêm yết tại ngân hàng, 1 USD chỉ đổi được 15.500 VND. Trong khi trước đây, tỷ giá hối đoái trên thị trường tự do luôn cao hơn tại các ngân hàng thương mại. Mặc dù tỷ giá hối đoái điều chỉnh giảm xuống mức khá sâu sau khi biên độ được nới thêm (+/-) 0,25%, nhưng theo đánh giá của ngân hàng, lượng ngoại tệ vẫn chảy mạnh vào nhà băng, khiến họ phải áp dụng mức phí thu mua khá cao.
Đơn cử như DongA Bank, sau khi áp dụng phương thức hạn chế về số lượng từ 1.000 USD/khách hàng/lần bán đến 500 USD/khách hàng/lần bán và đến 200 USD… rồi đến áp dụng mức phí khấu trừ 1,2% trên giá niêm yết tại thời điểm bán. Thế nhưng, DongA Bank vẫn không thể ngăn được dòng chảy ngoại tệ vào Ngân hàng. Do đó, ngay trong ngày 10/3, DongA Bank đã nâng mức phí thu mua ngoại tệ lên 2,4% (tức ngân hàng này sẽ khấu trừ 2,4% trên giá niêm yết tại thời điểm khách hàng bán ngoại tệ. Vào cuối tuần trước, DongA Bank áp dụng phí thu mua ở mức 1,7% trên giá ngoại tệ niêm yết tại thời điểm giao dịch). Chẳng hạn, với giá niêm yết của tỷ giá hối đoái tại DongA Bank ngày 10/3 ở mức 15.917 VND/USD, nếu khách hàng bán 1 USD sẽ bị khấu trừ 2,4%; hay nói cách khác, tỷ giá niêm yết tại DongA Bank cùng ngày chỉ còn khoảng 15.534 VND/USD (tương đương với giá rao bán trên thị trường tự do).
Sở dĩ DongA Bank phải nâng cao mức phí mua ngoại tệ, theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng, là để hạn chế dòng ngoại tệ trên thị trường tự do chảy vào ngân hàng. Trong đó, có nhiều chủ tiệm vàng nhân cơ hội giá USD trên thị trường tự do sụt giảm “gom” hàng vào bán lại cho ngân hàng ăn chênh lệch.
... Không nổi
Mặc dù phải chịu mức phí khá cao khi có nhu cầu bán ngoại tệ, nhưng khách hàng vẫn khó bán được số lượng USD lớn cho ngân hàng trong bối cảnh hiện nay. Đại diện Phòng giao dịch DongA Bank Hai Bà Trưng, quận 1, TP. HCM cho biết, tại đây chỉ nhận thu ngoại tệ của một khách hàng dưới con số 1.000 USD. Riêng những khách hàng có nhu cầu bán số lượng lớn phải đến hội sở của Ngân hàng. Còn HDBank cho biết, đã nâng phí thu mua lên 2% bằng cách khấu trừ giá USD niêm yết tại thời điểm khách hàng giao dịch. Tuy nhiên, ngân hàng này chỉ mua với số lượng không quá 2.000 USD/khách hàng.
Eximbank thì hạn chế về số lượng thu mua trong ngày, vì sợ không cân đối được nguồn sẽ bị lỗ, vì tỷ giá hối đoái liên tục sụt giảm. SeABank, ABBANK, OCB… đều hạn chế mua ngoại tệ, thậm chí còn đóng cửa không mua hàng. Đáng chú ý, có một số quầy thu đổi ngoại tệ của Eximbank ngoài thị trường luôn trong tình trạng dư cung, không có nhu cầu mua vào. Trong khi đó, trước sự sụt giảm của đồng USD, nhu cầu bán ngoại tệ chuyển sang VND gửi tiết kiệm gia tăng.
Ngân hàng “chê” USD nên liên tục hạ giá mua, trong khi người bán muốn đẩy hàng càng sớm càng tốt, khiến tỷ giá hối đoái càng sụt giảm mạnh. Hầu hết các ngân hàng đều ngán ngẩm USD, vì phải trữ tiền đồng để chuẩn bị cho đợt mua 20.300 tỷ đồng tín phiếu NHNN bằng VND bắt buộc vào ngày 17/3 tới. Trong khi, chủ trương của NHNN trong thời gian tới đây là điều hành tỷ giá theo hướng để VND lên giá nhẹ so với thời điểm đầu năm và tiếp tục mua ngoại tệ để bổ sung dự trữ ngoại hối. Đến ngày 22/2/2008, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đang ở mức 16.064 VND/USD lên giá 0,3% so với đầu năm 2008. NHNN đã mua vào 940 triệu USD bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước (tương đương 14.000 tỷ đồng).
Theo đánh giá của một chuyên gia ngành ngân hàng, khả năng tỷ giá hối đoái sẽ còn sụt giảm sâu trong thời gian tới, cho đến khi NHNN tích cực mua vào và nguồn cung VND dồi dào trở lại. Nói cách khác, chỉ đến khi tốc độ tăng giá tiêu dùng được kìm chế thì mới có cơ hội cho đồng USD lên giá so với VND, vì các chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ được nới lỏng hơn hiện nay.
đtck
|