Thứ Năm, 13/03/2008 08:35

Khó bán USD, xem lại cách sử dụng ngoại tệ

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng biên độ giao dịch mua bán USD lên mức 1%. Điều này, ngay lập tức khiến cho tỷ giá USD so với VND giảm đáng kể. Những DN và người dân đang nắm giữ USD trước tình trạng "đô" mất giá, đang chịu thiệt hại lớn qua từng ngày. Không những thế, để đổi được USD ra VND vào thời điểm này là điều không đơn giản khi các ngân hàng tiếp tục hạn chế mua vào ngoại tệ và nếu có mua cũng trong tình trạng ép giá rất rẻ.

NH không chịu mua vào, khách bán phải chịu ép giá

Phản ảnh tới VietNamNet, bà Nguyễn Thi Niên ở Bách Khoa - Hà Nội cho biết, cách đây mấy hôm, bà tới Sở Giao dịch Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank) ở Nguyễn Du - Hà Nội để rút tiền. "Tôi có hơn 7 ngàn USD gửi ở đây với thời hạn 1 năm và đã gửi 2 năm, đáo hạn vào 6/3. Nay tôi có nhu cầu 20 triệu tiền đồng, tôi đề nghị rút khoảng đó, còn lại vẫn tiếp tục gửi bằng USD tại đây. Nhưng sau một hồi thỏa thuận gửi "trúng thưởng"... Họ trả lời chỉ trả USD mà không trả tôi khoản tiền tương ứng 20 triệu đồng được và đề nghị tôi bán cho cửa hàng vàng, họ sẽ liên hệ giúp".

"Họ nói rằng ngân hàng cấm mua USD. Nhưng tôi đâu có bán mà tiền của tôi nằm tại số vốn lưu động của ngân hàng đã 2 năm rồi. Ngay giữa Thủ đô mà họ đối xử với khách hàng như thế". Bà Niên rất bức xúc.

Tình trạng ngân hàng hạn chế mua USD diễn ra suốt từ đầu năm đến nay đã khiến cho không chỉ các khách hàng cá nhân nhỏ lẻ bị ảnh hưởng mà đến cả những DN lớn cũng đã bắt đầu "dính đòn" nặng. Tình trạng càng trở nên tồi tệ cho những ai đang nắm giữ USD khi Ngân hàng Nhà nước quyết định mở rộng biên độ giao dịch USD lên đến 1%. Giá USD theo đó càng giảm sâu và các ngân hàng càng có thêm lý do "chính đáng" để ép mua USD với giá thấp.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Tổng Giám đốc Công ty CP May Hưng Yên cho biết, mặc dù nhà nước đã quy định biên độ giao dịch 1% nhưng thực chất để bán được thì phải thấp hơn cả ngưỡng quy định. Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước đang quy định khoảng 15.950 đồng/USD nhưng vì cần tiền để trả cho người lao động, DN đã phải chấp nhận bán với mức giá thỏa thuận thấp hơn biên độ quy định, có khi đã phải bán đến 15.450 đồng/USD.

Trong hoàn cảnh tất cả mọi thứ đầu vào đều tăng nhưng xuất khẩu mang được USD về thì bán không được thành ra DN đang chịu thiệt kép. Thực sự, đây là vấn đề rất khó cho các DN xuất khẩu. Tôi cho rằng, NHNN phải có cách để giải quyết vấn đề này như đứng ra mua lại ngoại tệ để giúp DN yên tâm xuất khẩu. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến cả chính sách và thành tích xuất khẩu năm nay.

Ông Mai Văn Lượng, Trưởng phòng Thương mại, Công ty điện tử Hà Nội (Hanel) thừa nhận, việc đổi ngoại tệ hiện nay với các doanh nghiệp là rất khó khăn. Nhất là các lô hàng có giá trị lớn. Khi thu hồi tiền về thì USD tương đối nhiều, chỉ riêng một lô có thể lên đến 3-4 triệu USD. Bây giờ có vẻ thoáng hơn tí chút nhưng thực tế, doanh nghiệp vẫn phải thương lượng, thậm chí để được việc của mình, doanh nghiệp còn phải chịu thiệt một tí, tức là nhún hơn khi thương lượng với ngân hàng.

Trả lời chính thức về phản ánh của khách hàng về việc không mua vào USD, ông Trần Xuân Quảng - Phó TGĐ kiêm Giám đốc Sở Giao dịch Maritime Bank cho biết, “Do giới hạn về trạng thái ngoại tệ nên nhiều ngân hàng trong đó có Maritime Bank đang có chủ trương hạn chế mua ngoại tệ của một số đối tượng nhất định. Tuy nhiên, Maritime Bank không có chủ trương hạn chế việc mua lại tiền lãi tiết kiệm bằng ngoại tệ hoặc một phần nhỏ tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ mà khách hàng đã gửi có kỳ hạn tại Maritime Bank. Về sự việc cụ thể, Maritime Bank sẽ kiểm tra để có xử lý đảm bảo lợi ích cho khách hàng.

Đại diện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cũng cho biết, ngân hàng là định chế tài chính trung gian, mua USD vào để bán chứ không phải mua vào để dự trữ. Hiện nay trên thị trường có dấu hiệu thừa USD và khan hiếm tiền VND thì việc mua vào phải dựa trên lượng USD bán ra được. Các hạn mức là do các chi nhánh ngân hàng tự đưa ra theo thực tế. Nếu có ngân hàng nào không mua USD chắc họ có khó khăn về đầu ra, không bán lại USD được. Bản thân tiền VND bây giờ đắt lên khá nhiều, vay tiền đồng cũng khó, còn USD liên tục giảm. Ôm USD mà không bán được chắc chắn sẽ lỗ cho nên rất dễ hiểu khi nhiều ngân hàng hạn chế mua vào.

Khôn ngoan hơn trong sử dụng ngoại tệ

Cách đây chưa lâu, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết một kết quả điều tra khá thú vị, có tới 70% giao dịch thương mại của DN Việt Nam sang châu Âu là dùng USD, trong khi tỷ lệ sử dụng euro chỉ là 30%.

Điều này được giải thích bằng nhiều nguyên nhân như: do xuất khẩu qua trung gian thanh toán USD, do thói quen trong thanh toán... Dưới góc nhìn các chuyên gia thương mại quốc tế đây là một thực tế bất lợi mà DN Việt Nam cần phải điều chỉnh. Bởi vì, việc quá lệ thuộc vào USD sẽ khiến DN bị động và thiệt thòi khi thị trường xuất hiện tình trạng khan hiếm USD như trước đây hay quá dư thừa USD như hiện nay.

Việc quá phụ thuộc vào USD thể hiện một bất cập lớn hơn của DN Việt Nam trong kinh doanh quốc tế là kỹ thuật sử dụng đồng tiền và lợi dụng tỷ giá có lợi nhất. Việc đa dạng hóa các ngoại tệ một cách cân đối sẽ gặp nhiều thuận lợi và chia sẻ rủi ro về tỷ giá đã không được DN Việt Nam quan tâm đúng mức.

Bên cạnh việc có một cơ cấu thanh toán ngoại tệ hợp lý, các chuyên gia một lần nữa nhắc lại, các DN Việt Nam cần chú ý hơn trong việc sử dụng các công cụ giảm thiểu rủi ro về tỷ giá mà các ngân hàng đang cung cấp.

Cụ thể, theo các chuyên gia Ngân hàng Quân đội hay Techcombank thì họ đang triển khai rất nhiều sản phẩm dự phòng rủi ro về tỷ giá như các sản phẩm quyền chọn mua/bán ngoại tệ, giao dịch kỳ hạn, hợp đồng tương lai… Tham gia các sản phẩm này, DN có thể thỏa thuận với ngân hàng, căn cứ theo hợp đồng và kế hoạch dự tính của mình, để có được một tỷ giá thích hợp trong tương lai, có được quyền mua/bán ngoại tệ tại các mốc thời điểm thỏa thuận. Điều này giúp doanh nghiệp hoàn toàn tự chủ, tránh những thiệt thòi khi tỷ giá biến động.

Ví dụ, trong thời điểm hiện nay, DN có hợp đồng này với ngân hàng thì hoàn toàn có thể yêu cầu ngân hàng mua với mức giá 16.000 chứ không phải mức giá thỏa thuận 15.650 đồng/USD.

Điều đáng buồn là hiện nay, hầu hết các DN đều trả lời "không và chưa" khi được hỏi về việc sử dụng các công cụ phòng chống rủi ro này. Các ngân hàng thương mại dù đã nỗ lực rất nhiều trong việc quảng bá cho các dịch vụ này của mình nhưng đến nay kết quả thu được là không khả quan. Các ngân hàng thường nhận được câu trả lời từ DN là dịch vụ quá mới họ chưa quen; DN thanh toán ngoại tệ ít, không cần các công cụ dự phòng và cả lý do sợ tốn chi phí...

Qua những biến động USD tăng giảm đã khiến nhiều DN gặp khó khăn, thậm chí phải đứng dự án hay gánh thêm những khoản nợ khổng lồ. Bây giờ DN xuất khẩu lại đang vấp phải những thiệt thòi do đồng USD giảm giá. Điều này sẽ khiến các DN phải tính lại và đây là thời điểm thích hợp để DN tính lại chính sách và kỹ năng thanh toán ngoại tệ của mình.

vnn

Các tin tức khác

>   Ngân hàng ANZ lạc quan về kinh tế Việt Nam (13/03/2008)

>   Tăng thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc (13/03/2008)

>   “Bảo hiểm” tỷ giá và lãi suất, tại sao không? (12/03/2008)

>   125 triệu đô la bảo hiểm cho cảng container (12/03/2008)

>   Ngân hàng Nhà nước lo ngại chất lượng tín dụng (12/03/2008)

>   USD đang bị "dồn cục" (12/03/2008)

>   Lãi suất cao, vay khó (12/03/2008)

>   Bảo hiểm 128 triệu USD cho dự án cảng container quốc tế (11/03/2008)

>   Vàng, USD cùng rớt (11/03/2008)

>   Vàng lên, lên... Lên đến đâu? (11/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật