Thứ Tư, 12/03/2008 08:03

USD đang bị "dồn cục"

Hôm qua 11-3, giá USD tại thị trường tự do tiếp tục giảm thêm, giá mua vào chỉ còn 15.500 đồng/USD. Điều này đồng nghĩa với việc càng đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu vào thế điêu đứng. Và mọi chuyện còn diễn biến xấu hơn nếu Ngân hàng Nhà nước không mua vào USD...

Mặc dù Ngân hàng (NH) Nhà nước đã nới rộng biên độ để USD mất giá thêm nhưng thị trường ngoại tệ vẫn chưa được khai thông, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu vẫn chật vật khi bán USD và giá bán luôn nằm sâu dưới giá sàn do NH Nhà nước qui định.

Trong khi các DN kêu NH thương mại làm khó thì NH thương mại chỉ về NH Nhà nước. Còn NH Nhà nước tuyên bố sẽ mua vào USD nhưng thị trường vẫn ê hề USD do không có người mua.

Rẻ nhưng vẫn khó bán

Nhiều DN xuất khẩu (XK) gạo đang đứng ngồi không yên vì giá USD liên tục giảm, khiến những lô hàng XK gạo đã ký hợp đồng trước đó bị lỗ nặng. Giám đốc một DN cho biết vào đầu tháng 1-2008 đơn vị có ký hợp đồng XK gạo sang Philippines với mức giá trúng thầu khoảng 365 USD/tấn loại gạo 25%. Khi đó giá lúa chỉ 3.600 đồng/kg, giá USD được NH mua vào 15.890 đồng. Tuy nhiên vào thời điểm giao hàng hiện nay, giá lúa tăng vọt lên 4.500-4.600 đồng/kg, còn NH chỉ mua USD với giá 15.580 đồng. "Với lô hàng 10.000 tấn gạo, DN đã mất đứt hơn... 11 tỉ đồng, trong đó thiệt hại do USD mất giá là hơn 1 tỉ và do giá đầu vào tăng là 10 tỉ đồng", vị giám đốc này nói.

Ông Hồ Quốc Lực - tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Sao Ta - cho biết từ ngày 10-3 NH chỉ mua USD với giá chỉ còn... 15.490 đồng, giảm đến 210 đồng/USD so với tuần trước đó. Các DN chế biến nhân điều XK cho biết chỉ riêng thiệt hại do USD mất giá cũng lên đến 2,5-2,7 triệu đồng/tấn nhân điều XK, chưa kể chi phí sản xuất của ngành điều đã tăng đến 40% so với trước.

Ông Trần Thiện Hải - giám đốc Công ty CP thủy sản Minh Hải - than thở hầu hết DN thủy sản hiện đang rất khó khăn. Trong khi nguyên liệu và vật tư đầu vào đều mua trong nước và thanh toán bằng VND. Thế nhưng, lượng USD thu về từ hoạt động XK lại rất khó bán cho NH. Nhiều DN rơi vào tình cảnh "rủng rỉnh USD nhưng cháy túi tiền đồng". Vay VND lãi suất lên tới 1,3-1,6%/tháng, còn bán USD để lấy tiền đồng thì NH mua với giá rất thấp, rồi còn bị thu thêm phí lên tới 2%...

Tắc ở đâu?

Một quan chức NH Nhà nước khẳng định hiện nay các DN XK là đối tượng đứng đầu trong danh sách ưu tiên mua ngoại tệ, kế đến là các tổ chức quốc tế... Không chỉ thế, các DN hoạt động lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nông thôn, kinh doanh nông sản XK đều được ưu tiên về vốn thông qua NH Nông nghiệp - phát triển nông thôn. NH Nhà nước cũng hỗ trợ NH này mua vào ngoại tệ của DN.

Thế nhưng nhiều NH thừa nhận dù biên độ tỉ giá đã mở ra, nhưng NH Nhà nước vẫn chưa mạnh tay mua vào nên NH thương mại phải nghe ngóng, nếu không mua vào sẽ bị lỗ.

Một chuyên gia NH cho rằng để thực hiện mục tiêu chống lạm phát, NH Nhà nước đã cho VND tăng giá thêm so với USD. Tuy nhiên, do biên độ tăng thêm vẫn chưa phản ánh đúng tỉ giá thực tế, buộc NH thương mại phải đối phó bằng biện pháp tiêu cực là ngừng mua vào USD hoặc mua với giá thấp hơn biên độ cho phép.

Theo vị chuyên gia này, một khi cho VND tăng giá so với USD, các DN XK sẽ gặp nhiều khó khăn, lẽ ra NH Nhà nước phải đi kèm biện pháp để khai thông dòng vốn ngoại tệ, đó là mua vào USD.

 

Nào có bán được theo giá qui định

Hiện nay trên danh nghĩa các NH thương mại được quyền quyết định tỉ giá (TG) VND/USD nhưng sâu xa NH Nhà nước vẫn quyết định TG này thông qua qui định về biên độ +/-1% và TG bình quân liên NH do nơi này công bố hằng ngày. Nếu biên độ +/-1% được xem là khoảng sân hẹp để các NH thương mại chạy nhảy thì khoảng sân này luôn bị ràng buộc chặt bởi TG liên NH do NH Nhà nước công bố mỗi ngày.

Ngày 10-3 TG liên NH công bố là 16.025 đồng/USD, với biên độ +/-1% các NH niêm yết giá là 15.865 đồng/USD (theo biên độ -1%). Ngày 11-3, TG liên NH công bố giảm 3 đồng, lập tức giá niêm yết giảm theo 3 đồng, chỉ còn 15.862 đồng/USD. Về lý thuyết các NH có thể linh hoạt trong sử dụng biên độ, kể cả biên độ dương. Nhưng trong tình hình thừa ngoại tệ thì biên độ không còn là khoảng sân để NH "nhảy múa", mà là "sợi dây" để buộc TG mua/bán USD của NH thương mại vào TG liên NH của NH Nhà nước.

Thời gian qua việc mua bán USD của NH và DN bị tắc vì TG theo biên độ chưa phản ánh đúng "cung - cầu" USD. NH mua USD vào là bị lỗ nên đành từ chối DN hoặc tìm hướng thoát khỏi sợi dây ràng buộc TG.

Lối ra cho NH và DN là chuyển sang mua/bán các loại ngoại tệ "lạ”, phổ biến là EUR. Hiện NH Nhà nước chỉ "định hướng" TG VND với USD, còn các ngoại tệ khác được thả nổi theo thị trường. Đây chính là sân chơi rộng hơn để các NH mua/bán USD với DN, cho phép NH mua USD của DN theo giá thấp hơn biên độ cho phép. Thay vì bán USD cho NH, DN sẽ nhờ NH qui đổi số USD này sang EUR theo tỉ giá của thị trường quốc tế và sau đó mới bán lại số EUR này cho NH. Lúc này NH mới "vui vẻ” mua vì TG VND/EUR do NH được tự quyền quyết định theo thị trường.

Với qui trình mua bán lòng vòng này, thực chất là đưa TG về đúng với cung - cầu của thị trường, NH và DN đã khai thông được hoạt động mua/bán ngoại tệ. Tuy nhiên, số tiền bán mỗi USD mà DN thu được chỉ còn 15.600-15.700 đồng, trong khi

ngày 11-3 NH niêm yết giá USD "bét" cũng được 15.862 đồng/USD.

Ngoài ra, cũng có NH giải quyết tình trạng ách tắc trong mua/bán USD với DN bằng cách mua theo đúng giá qui định nhưng có thu phí, tính ra cũng ngang ngang với mua bán thông qua ngoại tệ "lạ”.

Hiện nay phần lớn tiền thu được xuất khẩu của DN là USD. DN cũng đang tìm hướng chuyển sang thanh toán bằng các loại ngoại tệ khác nhưng đòi hỏi cần thời gian.

tt

Các tin tức khác

>   Lãi suất cao, vay khó (12/03/2008)

>   Bảo hiểm 128 triệu USD cho dự án cảng container quốc tế (11/03/2008)

>   Vàng, USD cùng rớt (11/03/2008)

>   Vàng lên, lên... Lên đến đâu? (11/03/2008)

>   “Sẽ áp dụng khai báo hải quan từ xa” (11/03/2008)

>   Ngân hàng Miền Tây được kinh doanh ngoại hối (11/03/2008)

>   Bắt tay chỉnh lãi suất (11/03/2008)

>   Vasep kiến nghị các ngân hàng mua hết ngoại tệ (11/03/2008)

>   Giải bài toán tỉ giá USD/VNĐ thế nào? (11/03/2008)

>   Thuế thu nhập làm khó quỹ đầu tư (11/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật