Thứ Ba, 11/03/2008 17:43

Giải bài toán tỉ giá USD/VNĐ thế nào?

Theo các chuyên gia tài chính, việc giải bài toán tỉ giá ngoại tệ là một trong những giải pháp góp phần kiềm chế lạm phát.

Mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI) đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tăng biên độ tỉ giá VNĐ/USD lên 5%, nhằm hạn chế lượng ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài mua kỳ phiếu, tín phiếu ngân hàng hay trái phiếu Chính phủ ngắn hạn.

Vốn nước ngoài dồn vào trái phiếu

Theo VAFI, thị trường trái phiếu nước ta đã thu hút được sự quan tâm lớn của các quỹ đầu tư trái phiếu quốc tế, bởi lãi suất trái phiếu Chính phủ cao hơn so với mặt bằng của thị trường quốc tế.

VAFI dự đoán, từ cuối năm 2007 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua trái phiếu Chính phủ khoảng 5 tỉ USD (nguồn không chính thức của các ngân hàng lưu ký nước ngoài). Trong tương lai, VNĐ sẽ tiếp tục tăng giá so với USD, nên khi có nhu cầu chuyển nhượng trái phiếu hoặc đáo hạn chuyển sang USD, nhà đầu tư lại có lợi về chênh lệch tỉ giá 5% - 10%.

Năm 2007, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký hơn 20 tỉ USD, nhưng giải ngân không nhiều. Vốn đầu tư gián tiếp vào cổ phiếu khoảng chừng 4 tỉ USD- chỉ bằng 30% so với nhập siêu của năm 2007. Như vậy, lượng vốn gián tiếp nước ngoài đổ vào đầu tư trái phiếu Chính phủ mới là số lớn.

Giải pháp khả thi

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, việc tăng dần biên độ tỉ giá ngoại tệ là một trong những giải pháp kiềm chế lạm phát khả thi. VNĐ lên giá 5% đồng nghĩa với việc giảm giá xăng, dầu xuống 5%, đồng thời nhiều mặt hàng nguyên liệu sản xuất cũng giảm theo. Bộ Tài chính chỉ nên cho các tổ chức tài chính trong nước tham gia đấu thầu mua trái phiếu Chính phủ ngắn hạn. Phương án này có thể làm lãi suất huy động tăng lên nhưng không gây áp lực tăng giá VNĐ, giảm áp lực mua ngoại tệ.

Trong khi đó, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Trưởng Khoa Ngân hàng ĐH Kinh tế TPHCM, cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần bám sát tình hình thị trường tiền tệ thế giới để điều chỉnh tỉ giá ngoại tệ hợp lý. Tuy nhiên, theo ông, hiện nay tỉ giá VNĐ/USD 1% - 2% là phù hợp. Nếu nâng tỉ giá ngoại tệ lên quá cao không có lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký VAFI, cho rằng nhiều năm qua Nhà nước liên tục duy trì chính sách VNĐ yếu để đẩy mạnh xuất khẩu. Song thực tế VNĐ đã tăng giá. Nhìn sang các nước trong khu vực thì đồng tiền của họ cũng đã lên giá so với USD khoảng 25%.

Theo ông Hải, dòng vốn gián tiếp nước ngoài đổ vào nhiều trong tình trạng tỉ giá VNĐ/USD chưa là tỉ giá thực. Biểu hiện rõ nhất là tỉ giá trên thị trường tự do thấp hơn ngân hàng khoảng 300 đồng/USD, tạo áp lực cho VNĐ tăng giá. Các ngân hàng thương mại từ chối mua USD hoặc mua có thu phí vì sợ thua lỗ. Trong khi sức mua của Ngân hàng Nhà nước lại hạn chế, làm giới hạn vốn nước ngoài đổ vào cổ phiếu. Vì thế, ông Hải cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên tăng dần tỉ giá VNĐ/USD lên 5% trong năm 2008.

Ngân hàng Nhà nước có thể mua ngoại tệ nhiều đợt

VAFI ước tính, mỗi năm nhu cầu mua VNĐ của nhà đầu tư nước ngoài để mua cổ phiếu niêm yết khoảng trên 2 tỉ USD, mua cổ phiếu OTC và các đợt IPO khoảng 2 tỉ USD. Việc mua cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài không phải lúc nào cũng diễn ra đều đặn, mà tùy thuộc vào từng khoảng thời gian.

Với 4 tỉ USD trong năm 2008 là không nhiều so với nhập siêu 12 tỉ USD trong năm 2007. Nếu có chính sách tiền tệ hợp lý, mỗi năm vốn đầu tư gián tiếp vào cổ phiếu sẽ tăng khoảng 30% theo tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Ngân hàng Nhà nước có thể tiến hành nhiều đợt mua, mỗi đợt có thể giải quyết nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trong một quý.

NLĐ

Các tin tức khác

>   Thuế thu nhập làm khó quỹ đầu tư (11/03/2008)

>   MB xây dựng hệ thống quản lý rủi ro tín dụng theo thông lệ quốc tế (11/03/2008)

>   Sụt giảm tỷ giá và bài toán đô la hóa nền kinh tế (11/03/2008)

>   Thắt chặt chính sách tài khóa (11/03/2008)

>   Chạy đua đầu tư Core banking (11/03/2008)

>   Nội tệ sẽ lên ngôi (11/03/2008)

>   Vàng trượt dốc, dầu vọt qua 108 USD/thùng (11/03/2008)

>   Sắp tăng lệ phí trước bạ đối với ôtô (11/03/2008)

>   FED “bất lực”? (11/03/2008)

>   IMF hoan nghênh VN ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô (11/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật