Sụt giảm tỷ giá và bài toán đô la hóa nền kinh tế
Tỷ giá VND/USD giảm mạnh, nhưng tỷ giá giữa đồng Việt Nam so với các loại ngoại tệ khác thì lại tăng cao. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ bằng đô la Mỹ than khó vì thiệt hại, nhưng bằng euro, yen Nhật, đô la Úc, bảng Anh rõ ràng đang được lợi.
Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ thanh toán bằng USD được lợi, ngược lại thanh toán bằng các loại ngoại tệ khác thì bị ảnh hưởng.
Trên thực tế, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang nhập khẩu đa phần là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất (90%) và thanh toán bằng USD, nhập siêu nền kinh tế lớn, vay nợ nước ngoài bằng đô la Mỹ cũng cao, nên có thể thấy thuận lợi nhiều hơn.
Đồng thời tỷ giá VND/USD sụt giảm cũng có tác động tích cực tới kiềm chế lạm phát. Một trong những nỗ lực của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang thị trường không phải là Mỹ (như Nga, Nhật Bản, châu Âu, Úc…) là đàm phán thanh toán không phải là đô la Mỹ, ngược lại các doanh nghiệp nhập khẩu thì lựa chọn đô la Mỹ.
Nhìn chung, các doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ đang gặp phải thách thức lớn trong tình hình hiện nay là khó khăn trong việc bán ngoại tệ. Nếu tình hình này kéo dài, tỷ giá tiếp tục giảm thì sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu và đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Thế nhưng, ở một khía cạnh nào đó, khi mà các lãnh đạo đầu ngành tài chính cũng nhìn nhận rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát là do luồng vốn FDI vào nhiều mà nền kinh tế không hấp thu được.
Liệu với chính sách tỷ giá trên và những tác động của nó đến đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ phần nào hạn chế bớt dòng vốn FDI, cũng đồng nghĩa với việc góp phần giảm bớt nguy cơ lạm phát khi mà nền kinh tế chưa đủ sức nhận dòng vốn FDI quá lớn.
Khi đó, có lẽ các cơ quan quản lý chuyên ngành cần tính toán lại bài toán tăng trưởng của nền kinh tế - vốn trước nay phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Và tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế sẽ bị kéo dài có thực sự trở thành mối lo ngại?
tbktsg
|