Thứ Ba, 11/03/2008 07:46

Đa dạng hóa ngoại tệ

Khi USD mất giá

Từ giữa tháng 10 năm trước, Báo Thanh Niên đã cảnh báo về sự mất giá của USD trên thế giới và khuyến cáo cần đa dạng hóa ngoại tệ để không những có lợi mà còn để phòng ngừa rủi ro. Đến nay, sự mất giá của USD trên thế giới ngày một lớn (mất 40% so với euro, mất 25% so với các đồng tiền khác, mất 12,5% so với 19 đồng tiền của các nước mà quan hệ buôn bán chiếm tới 86% tổng giá trị xuất, nhập khẩu của Việt Nam).

Một USD hiện chỉ còn có giá dưới hai phần ba đồng euro, dưới một nửa đồng bảng Anh, dưới 103 yen Nhật, dưới 7,7 đồng nhân dân tệ... Việt Nam  đồng (VND) được định giá dựa nhiều vào USD, nên khi đồng USD mất giá, nhiều người lại cho rằng VND đang lên giá. Thực tế, VND cũng đang mất giá, nhưng mức độ mất giá ít hơn sự mất giá của USD so với các đồng tiền khác - nói cách khác, VND lên giá so với USD, nhưng mất giá nhiều so với các đồng tiền khác.

Đứng trước tình hình trên, cần phải đa dạng hóa ngoại tệ. Đa dạng hóa ngoại tệ cần được thực hiện không chỉ trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp, mà cả trong lĩnh vực dự trữ quốc tế, cũng như những người có ngoại tệ và muốn nắm giữ ngoại tệ như một hình thức đầu tư.

Trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, hiện số lượng doanh nghiệp sử dụng đồng euro đạt chưa tới 30%, còn hơn 70% là giao dịch bằng đồng USD, các đồng ngoại tệ khác như bảng Anh, yen Nhật... dùng không đáng kể. Việc đa dạng hóa ngoại tệ được thực hiện tùy theo lĩnh vực xuất hay nhập khẩu, tùy theo khối nước/thị trường.

Bài toán xuất nhập khẩu

Việc xuất khẩu cần tập trung cao hơn đối với những nước, những thị trường có sử dụng các đồng ngoại tệ có liên quan đến các đồng tiền đang lên giá so với USD, cũng tức là lên giá so với VND, như euro, bảng Anh, yen Nhật, đô la Canada, đô la Úc... Xuất khẩu vào các thị trường này thì không những có lợi mà còn phòng ngừa được rủi ro về tỷ giá. Ví dụ, khi sản xuất và xuất khẩu phải vay VND, với tỷ giá khi vay là 22.000 VND/euro và 16.000 VND/USD. Sau khi xuất khẩu xong, thu được ngoại tệ, tỷ giá đã có sự thay đổi: 1 euro đổi được 23.000 VND và 1 USD chỉ còn đổi được 15.000 VND. Khi đó về tỷ giá, xuất khẩu thu euro sẽ lãi 1.000 VND, thu USD sẽ bị lỗ 1.000 VND. Trong điều kiện đó thì xuất khẩu sang các thị trường hoặc thanh toán bằng euro sẽ có lợi hơn là xuất khẩu sang các thị trường hoặc thanh toán bằng USD. Việc chuyển dịch như thế sẽ còn có lợi là tránh “bỏ trứng vào một giỏ” khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, hiện đã chiếm gần 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi nước Mỹ đứng trước cả hai nguy cơ suy thoái và lạm phát. Nguy cơ suy thoái làm cho nhu cầu về lượng xuất khẩu vào thị trường này có thể không còn tăng được như trước, thậm chí không tăng. Nguy cơ lạm phát làm cho giá USD càng bị giảm so với các đồng tiền khác.

Việc nhập khẩu nên hướng vào các thị trường và chọn  đồng USD để giao dịch, như thế sẽ có ba cái lợi. Cái lợi thứ nhất đối với doanh nghiệp nhập khẩu là cái lợi về tỷ giá. Cũng với ví dụ ở trên, khi nhập khẩu phải vay ngoại tệ với tỷ giá khi vay là 22.000 VND/euro và 16.000 VND/USD. Sau khi nhập khẩu, bán hàng thu được VND để trả nợ, nếu tỷ giá có sự thay đổi là 23.000 VND/euro và 15.000 VND/USD, thì về tỷ giá, nhập khẩu bằng euro sẽ bị lỗ 1.000 VND, nhập khẩu bằng USD sẽ có lãi 1.000 VND. Cái lợi thứ hai đối với người tiêu dùng là được hưởng giá hàng nhập khẩu rẻ hơn, do đồng VND lên giá so với USD làm cho tỷ giá VND/USD giảm. Cái lợi thứ ba đối với đất nước là góp phần kiềm chế lạm phát. Trong nhiều nguyên nhân của lạm phát cao trong thời gian qua, có nguyên nhân do yếu tố tỷ giá, việc định giá VND gắn với USD, làm cho giá hàng nhập khẩu thanh toán bằng USD bị đắt lên, nay giá nhập khẩu tính bằng VND sẽ rẻ đi, giảm áp lực lạm phát. Lạm phát từ giá nhập khẩu sẽ giảm. Tuy nhiên, cái giá phải trả và cũng là tác động phụ ngoài mong muốn của việc kiềm chế lạm phát là do đồng VND lên giá  so với USD sẽ làm cho nhập siêu gia tăng.

Trong cơ cấu dự trữ quốc tế, trong điều kiện giá USD bị giảm so với các đồng ngoại tệ mạnh khác cần có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng đồng USD, tăng tỷ trọng các đồng ngoại tệ mạnh khác. Đây cũng là xu hướng chung của các nước trên thế giới hiện nay (có thông tin tỷ trọng đồng USD đã giảm từ 76% năm 2001 xuống còn 62% năm 2007, còn tỷ trọng đồng euro đã tăng tương ứng từ 16% lên 24%).

Những người có USD muốn nắm giữ ngoại tệ như một hình thức đầu tư cũng cần đa dạng hóa bằng cách chuyển sang euro, bảng Anh...

tn

Các tin tức khác

>   ACB tăng lãi suất USD lên 5,85%/năm (10/03/2008)

>   Ứ đọng USD, doanh nghiệp "khóc dở, mếu dở" (10/03/2008)

>   Thử dò đoán tỉ giá, lãi suất... (10/03/2008)

>   Giá vàng giảm tiếp 140.000đ/lượng (10/03/2008)

>   USD “mất phanh” trước Euro (10/03/2008)

>   Lạm phát nhìn từ góc độ thu, chi ngân sách (10/03/2008)

>   Bảo lãnh vay vốn nước ngoài xây nhà máy ximăng Thăng Long (10/03/2008)

>   Habubank nhận giải thưởng về Thanh toán Quốc tế (10/03/2008)

>   Các ngân hàng muốn giảm lãi suất (10/03/2008)

>   Nên ưu tiên chống lạm phát (10/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật