Thứ Hai, 10/03/2008 14:03

TS Nguyễn Quang A:

Nên ưu tiên chống lạm phát

Tiếp tục dòng thời sự liên quan đến gói giải pháp của Chính phủ về chống lạm phát, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Quang A về tình hình lạm phát và chính sách tiền tệ. Theo ông, chống lạm phát không đơn giản là thắt chặt tiền tệ.

Tỷ lệ lạm phát cao trong hai tháng đầu năm, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái, buộc Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt tín dụng. Nhưng giải pháp này lại làm các ngân hàng thương mại thiếu tiền đồng Việt Nam và phải tăng lãi suất ồ ạt. Theo ông, thắt chặt tiền tệ có phải là giải pháp tốt để chống lạm phát lâu dài không?

TS Nguyễn Quang A: Thắt chặt tiền tệ để làm giảm tổng lượng cung tiền trong nền kinh tế, giảm mức tăng tín dụng, điều chỉnh bằng các công cụ lãi suất và tỷ giá là biện pháp căn bản để chống lạm phát.

Tuy nhiên, điều này cần nhưng chưa đủ. Bên cạnh đó, Nhà nước phải thắt chặt chi tiêu công, đầu tư công, tiết kiệm chi tiêu ngân sách bằng cách cắt các khoản chi tiêu và dự án kém hiệu quả, khẩn trương và tiếp tục chi để hoàn tất các dự án sắp hoàn thành, tiếp tục đầu tư cho các dự án có hiệu quả.

Ngoài ra, các giải pháp đề ra cần tạo được niềm tin của doanh nghiệp và dân chúng, để họ tiết kiệm, tính toán lại chi tiêu và đầu tư, tăng cường sản xuất kinh doanh. Chỉ đạo ngày 3-3-2008 (số 319/TTg-KTTH) của Thủ tướng Chính phủ đã theo đúng hướng, vấn đề là có thực hiện tốt không (liều lượng, thời điểm, sự đồng bộ...)

Giả định rằng thắt chặt tiền tệ không giảm được lạm phát, hậu quả sẽ vô cùng to lớn với nền kinh tế. Và ông có cho rằng điều đó có dẫn đến một “kịch bản xấu” cho nền kinh tế?

Như tôi nói ở trên, thắt chặt tiền tệ là cần nhưng chưa đủ, dù nó là biện pháp chính, như vẫn cần đến các biện pháp khác. Nếu chỉ thắt chặt tiền tệ và làm không đồng bộ thì “kịch bản xấu” là vòng xoáy lạm phát khởi động dẫn đến suy thoái và lạm phát tiếp tục cao nữa.

Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng bản thân thắt chặt tiền tệ chỉ là một giải pháp ngắn hạn để “chữa cháy”. Theo quan điểm của ông, thế nào là một "phương thuốc" hữu hiệu để chống lạm phát hiệu quả và lâu dài?

Theo quan điểm của tôi, thắt chặt tiền tệ và tài khóa không phải là phương thuốc “chữa cháy” mà là công cụ hữu hiệu và khá thông dụng. Nói thắt chặt không có nghĩa là không tăng tổng lượng cung tiền (kể cả tăng trưởng tín dụng) mà chỉ có nghĩa là nó không được tăng quá mức so với tăng trưởng kinh tế. Tất nhiên, phát triển sản xuất, thay đổi cơ cấu của nền kinh tế theo hướng tăng năng suất, tăng giá trị gia tăng để có phát triển bền vững là cái lõi, song để chống lạm phát thì "phương thuốc" đó là phương thuốc bốc đúng.

Năm ngoái, mặc dù tăng GDP đạt 8,5% nhưng lạm phát lại cao kỷ lục, 12,6%, và nhiều chuyên gia nước ngoài khuyên Việt Nam không nên chạy theo con số GDP bằng mọi giá bất chấp lạm phát. Là một chuyên gia kinh tế, ông có nghĩ rằng nên chấp nhận hy sinh tăng trưởng để chống lạm phát? Liệu có thể cùng lúc đạt được cả hai mục tiêu: tăng trưởng cao và lạm phát thấp?

Tăng trưởng kinh tế là kết quả hoạt động của các tác nhân kinh tế mà trước hết là của các doanh nghiệp. Đấy không phải là việc của Nhà nước. Chính vì thế Quốc hội hay Chính phủ không nên đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng để nhất quyết phải bám vào con số đó và thực hiện nó. Nếu có đặt ra cũng chỉ nên là chỉ tiêu định hướng mà thôi.

Tôi cho rằng đã qua rồi cái thời kỳ nêu ra các chỉ tiêu và cố đạt bằng mọi giá. Ngược lại, lạm phát cao rất tác hại, nhất là đối với người nghèo và chống lạm phát là một trong số ít việc mà Chính phủ phải làm và có thể làm. Nên chấm dứt kiểu đề ra mục tiêu tăng trưởng bằng con số cứng và "chỉ tiêu" lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng. Năm 2008 giữ được lạm phát thấp hơn năm 2007 một chút là khá và phải giảm trong các năm tới càng thấp càng tốt (ví dụ xuống 7%, 5% rồi 3%). Nên đặt cận trên cho lạm phát, tôi không thích từ “chỉ tiêu”.

Chúng ta vẫn chưa chủ động trong dự báo lạm phát để có chính sách hiệu quả về dài hạn. Theo ông thì các cơ quan quản lý cần làm gì để chủ động hơn trong chống lạm phát?

Phải học tập kinh nghiệm của các nước. Phải nâng cao năng lực điều hành. Sử dụng người tài, lắng nghe những ý kiến khác nhau của các chuyên gia.

Khi trả lời phỏng vấn tờ Financial Times mới đây nhân chuyến thăm châu Âu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “trong năm 2007 chúng tôi đã có những thiếu sót trong việc quản lý chính sách tiền tệ ở Việt Nam”, như “tăng tín dụng quá nhanh”. Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ sẽ kiểm soát lạm phát bằng chính sách thắt chặt tiền tệ, song song với mục tiêu tăng GDP 8-9% trong năm nay. Ở góc độ một chuyên gia kinh tế, ông có cho rằng hai mục tiêu song song trên có khả thi?

Như tôi đã đề cập ở trên, nhà nước không nên đặt ra chỉ tiêu cứng về tăng trưởng. Tăng trưởng cao là rất tốt, không có tăng trưởng thì không thể phát triển được, song không nên nêu chỉ tiêu một cách cứng nhắc.

Chất lượng tăng trưởng là quan trọng, việc mọi người cảm nhận được thành quả tăng trưởng là quan trọng nhưng ổn định kinh tế vĩ mô còn quan trọng hơn. Có thể có tăng trưởng cao và lạm phát thấp, và để được như vậy không phải không khả thi nhưng đòi hỏi rất nhiều cải thiện ở mọi lĩnh vực, nhất là chất lượng quản trị quốc gia mà theo tôi hiện nay chúng ta còn thiếu. Theo tôi, hiện nay chống lạm phát phải là ưu tiên hàng đầu.

Xin cảm ơn ông.

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Rà soát việc phân loại, áp mã thuế mặt hàng" phôi đế trục tay lái xe máy" (10/03/2008)

>   Ngân hàng lộ "gót chân Asin" (10/03/2008)

>   Thông báo đầu thầu Trái phiếu Chính phủ theo lô lớn (Đợt 1-lô 1/2008) do Kho bạc Nhà nước phát hành (10/03/2008)

>   Ngân hàng không thể đứng ngoài cuộc (10/03/2008)

>   Làm tốt, 3 tháng sẽ có kết quả (10/03/2008)

>   Hàng loạt máy ATM (Hà Nội) không giao dịch được: Ngân hàng ngưng “bơm” tiền? (10/03/2008)

>   Chính sách ân hạn vô điều kiện phát sinh nợ thuế lớn (10/03/2008)

>   Doanh nghiệp nhà nước vay Ngân hàng Đức 2,5 tỉ USD (10/03/2008)

>   Kiềm chế lạm phát: Tránh “vừa đạp thắng vừa nhấn ga” (10/03/2008)

>   Giải pháp ngăn chặn lạm phát của VN sẽ đạt hiệu quả (10/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật