Ngân hàng lộ "gót chân Asin"
Trong bối cảnh kinh tế đầu năm 2008 và đến lúc phải thực hiện các giải pháp chính sách tiền tệ thắt chặt của NHNN thì điểm yếu của một số Ngân hàng thương mại cổ phần đã bộc lộ nghiêm trọng.
Năm 2007, các NHTMCP dẫn đầu toàn hệ thống về tốc độ tăng các chỉ tiêu tài chính: Tổng tài sản, VĐL, dư nợ, kết quả kinh doanh. Hệ số ROA và ROE của khối này cũng đạt cao nhất.
Tuy chưa có một nhận định chính thức nào được đưa ra, nhưng bước đầu nhiều người cho rằng một số NHTMCP (phần lớn số này hội sở chính tại TPHCM) là những "mắt xích" đầu tiên gây ra tình trạng căng thẳng trên thị trường tiền tệ (TTTT).
Quản lý tài sản nợ-có yếu kém
Tính cân đối, an toàn trong tài sản của một số NH chưa được bảo đảm. Biểu hiện như sau:
1/Tổng tài sản ngày càng tăng, nhưng khả năng thanh toán của các NH tăng không tương ứng.
2/Sự mất cân đối giữa thời hạn của các khoản tiền gửi với thời hạn các khoản cho vay ngày càng lớn. Dùng nhiều vốn vay từ NH khác để cho vay nền kinh tế. Có NH trong 100% dư nợ cho vay đến 50% là từ nguồn vay trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng (TTLNH). Dùng quá nhiều vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.
3/Không chú ý đúng mức đến đa dạng hoá danh mục đầu tư. Thu nhập chủ yếu từ hoạt động tín dụng (nghiệp vụ rủi ro nhất trong hoạt động NH).
Bên cạnh đó còn có vấn đề về nhân lực và quản trị. Có thể thấy những NH khó khăn nhất vừa qua phần lớn là những NH trình độ quản trị rủi ro rất yếu; chiến lược hoạt động không chuyên nghiệp, không rõ ràng, chạy theo "phong trào"; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế....
Tăng trưởng tín dụng quá nóng và liều
Chênh lệch thu chi của các NHTMCP năm 2007 đạt cao nhất toàn hệ thống, khoảng gần 8.000 tỉ đồng, gấp đôi năm 2006. Thu nhập cao chủ yếu nhờ tăng tốc độ dư nợ, 82,3% thu nhập của khối này là lãi cho vay.
Từ năm 2007 đến nay, các NHTMCP tăng quy mô tín dụng lên cao mức chưa từng thấy. Khối NHTMCP ở Hà Nội dư nợ năm 2007 tăng 126% so năm 2006 (trong khi khối NHTMNN chỉ tăng 25%).
Tại TPHCM, chỉ riêng trong tháng 12/2007 dư nợ khối cổ phần tăng 14,2% so với tháng trước. Riêng tháng 1/2008 tăng tới 13,2% so với cuối 2007. Điều không bình thường ở đây là dư nợ của nhiều NHTMCP không hướng vốn vào các dự án đầu tư có hiệu quả mà chủ yếu chỉ đổ vào các lĩnh vực phi sản xuất như CK, BĐS, tiêu dùng, vàng.
Đây là những lĩnh vực trong năm 2007 và đầu 2008 rất nhiều biến động, tiềm ẩn rủi ro mà chỉ các NH có năng lực tài chính mạnh và cơ cấu đầu tư đa dạng mới chịu được.
Giải thích về việc vì sao các NH quy mô nhỏ phải tăng tín dụng, TGĐ một NHTMCP nói: "NH nông thôn được chuyển đổi thành NH đô thị có nghĩa là những NH này đã phải thực hiện tất cả các điều kiện như các NH khác, trong đó có lộ trình tăng VĐL. Nhưng chúng tôi lại chưa được phép kinh doanh ngoại hối, giao dịch thanh toán quốc tế. Chúng tôi không còn con đường nào khác là phải tăng dư nợ bằng mọi cách để có lợi nhuận thu hút cổ đông, đảm bảo đúng lộ trình tăng vốn. Đây đúng là cái vòng luẩn quẩn, nhưng phải làm thì chúng tôi mới tồn tại được".
Một sự "liều" nữa của nhiều NHCP là dùng vốn vay các tổ chức tín dụng khác (nguồn có tính chất chỉ để bù đắp thiếu hụt tạm thời khả năng thanh khoản) để cho vay khách hàng. Gần 60% số NHTMCP có hội sở chính ở TPHCM có tỉ lệ dư nợ so với huy động vốn từ tiền gửi TCKT và dân cư trên 100%. Trong đó có 6 NH có tỉ lệ từ 130% trở lên, NH cao nhất lên mức 267%. Số thiếu họ vay từ TTLNH.
Nhận định về cuộc đua lãi suất, một lãnh đạo cấp cao của Hiệp hội NH nói: "Tình trạng này còn kéo dài là tự ta uống liều thuốc độc, NH nọ kéo NH kia chết hết". Hậu quả tất yếu là gây ảnh hưởng bất lợi đến bản cân đối tài chính của NH. Có thể giá trị tài sản của một số NHCP bị giảm mạnh trong khi giá trị các khoản đi vay lại gần như không thay đổi, có NH nhiều khả năng đang lãi thành bị lỗ. Quan trọng hơn đó là niềm tin của công chúng và cổ đông vào khả năng quản lý và phát triển của một số NH đã giảm sút.
Khó khăn trước mắt
Tạm thời một số NHTMCP có biểu hiện thiếu hụt thanh khoản đã huy động một khoản tiền gửi lớn nhờ đưa ra mức "siêu lãi suất". Rủi ro về thanh khoản đã tạm qua nhưng tiếp theo sẽ là rủi ro về lãi suất. Mức lãi suất cao, kỳ hạn ngắn (chủ yếu tuần, 1 tháng) đang đặt các NH trước những khó khăn về quản lý tiền gửi và chi phí. Tiền gửi kỳ hạn ngắn không cho phép các NH có thể cho vay và đầu tư các tài sản dài hạn với tỉ lệ thu nhập cao.
Chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay của các NH đang ngày càng thu nhỏ lại. Tại TPHCM lãi suất cho vay ngắn hạn hiện ở mức 10,8%-13,85%/năm, trung, dài hạn 12,36%-15,48%/năm. Với mức lãi suất huy động cao như mấy tuần qua, nếu dùng số vốn này cho vay ngắn hạn thì NH lỗ.
TP
|