Thứ Ba, 11/03/2008 12:12

Nội tệ sẽ lên ngôi

Tỷ giá hối đoái liên tục sụt giảm trong những ngày qua khiến nhiều người giữ USD phải bán ra để chuyển sang VND gửi tiết kiệm. Theo đánh giá của các chuyên gia ngành ngân hàng, để kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tiếp tục thắt chặt tín dụng và chưa thể mở rộng cửa mua thêm USD. VND sẽ còn tăng mạnh so với USD ở biên độ 2% theo Công văn số 319/TTg-KTTH về các giải pháp kiềm chế lạm phát và phục hồi TTCK vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Tỷ giá hối đoái còn giảm sâu

Chỉ trong vòng tuần đầu tháng 3/2008, tỷ giá VND/USD niêm yết tại các ngân hàng  đã giảm gần 50 VND/1 USD. Tỷ giá hối đoái niêm yết tại Eximbank Việt Nam và Vietcombank chỉ còn 15.910 VND/1 USD trong ngày cuối tuần. Trên thị trường tự do, tỷ giá hối đoái còn thê thảm hơn: 1 USD chỉ quy đổi được 15.500 - 15.600 VND, thấp hơn so với giá niêm yết tại các ngân hàng cổ phần khoảng 200 VND. Điều này đã đi ngược với chiều hướng lâu nay là đồng USD bán ra trên thị trường tự do luôn được giá hơn so với ngân hàng. Tỷ giá hối đoái sụt giảm đã ảnh hưởng đến tâm lý của những người gửi tiền bằng USD. Những ngày gần đây đã rộ lên xu hướng bán ra ngoại tệ chuyển sang tiền đồng để hưởng lãi suất 12%/năm, thay vì chỉ có 5% - 6%/năm khi gửi tiết kiệm bằng USD hiện nay.

Trước tình trạng đó, một số ngân hàng đang rơi vào cảnh thiếu USD để trả nợ khách hàng nên đã ra sức tăng lãi suất huy động ngoại tệ những ngày gần đây. Hiện lãi suất huy động USD tại một số ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ như: Southern Bank, HDBank, NamA Bank… đã tăng lên trên 6%/năm (kỳ hạn 12 tháng). Trong khi, lãi suất cơ bản của đồng USD đã được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm xuống còn 3%/năm và nhiều khả năng sẽ còn điều chỉnh, nếu nền kinh tế nước này không có dấu hiệu phục hồi. Lâu nay, các ngân hàng trong nước vẫn có xu hướng điều chỉnh lãi suất huy động ngoại tệ theo diễn biến của FED, nhưng trong 1 năm gần đây đã hoàn toàn đi ngược lại.

Lượng ngoại tệ tiếp tục ồ ạt vào ngân hàng, trong đó có cả dòng vốn gián tiếp, đầu tư trực tiếp nước ngoài và nguồn kiều hối về nước cuối năm 2007 đang được tung ra thị trường. Cung tăng mạnh trong khi không có cầu, buộc các ngân hàng phải từ chối khách hàng đến bán USD hoặc có mua cũng áp dụng một mức phí khá cao (khấu trừ 1,2% trên giá niêm yết tại thời điểm giao dịch). Theo đánh giá của một chuyên gia ngành ngân hàng, với tốc độ gia tăng của giá cả tiêu dùng 2 tháng đầu năm vượt qua con số 6% là thách thức lớn đối với việc thực hiện các mục tiêu đề ra về tăng trưởng và lạm phát năm 2008. Do đó, NHNN chưa thể tung thêm VND để mua ngoại tệ. Hay nói cách khác, tỷ giá hối đoái sẽ còn sụt giảm cho đến khi có một động thái tích cực từ NHNN.

Ủng hộ VND  lên giá

Theo tính toán của ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng - NHNN, đồng VND đang tăng giá so với đồng USD, mặc dù lạm phát của Việt Nam rất cao so với lạm phát của Mỹ. Mức tăng vào khoảng 6,1% tính đến cuối năm 2007 so với năm 2000 (mốc khi cán cân thương mại cân bằng). Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, nếu tính so với 19 đồng tiền khác (trong đó có đồng USD) mà Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn đối với họ (tức là chiếm khoảng 86% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam) thì đồng VND đang giảm giá khoảng 12% so với các đồng tiền trong rổ tiền tệ trên. Nói cách khác, nếu tính xuất nhập khẩu nói chung thì tỷ giá hối đoái hiện nay vẫn đang có lợi cho xuất khẩu.

Và đây chính là căn cứ để NHNN nới rộng biên độ tỷ giá hối đoái, bởi lâu nay vẫn sợ rằng nới lỏng sẽ bất lợi cho xuất khẩu. “Giờ thấy room để nới lỏng vẫn còn nên để chống lạm phát, NHNN cần phải giảm áp lực từ tỷ giá hối đoái. Vì vậy cho nên, chủ trương NHNN nới lỏng, chấp nhận đồng VND tăng giá ở biên độ nhất định là 2% cũng là một tỷ lệ tương đối lớn. NHNN hàm ý chỉ mua vào hoặc bán ra USD lúc nào nó vượt quá giới hạn đó”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo một chuyên gia trong ngành ngân hàng, sở dĩ các ngân hàng ngại mua vào USD trong bối cảnh hiện nay là do chưa có quy định chính thức nào của NHNN về biên độ mới. Các ngân hàng thương mại vẫn áp dụng biên độ cũ 0,75%, vì nếu mua - bán dưới biên độ này, ngân hàng không dám làm nên ngừng mua vào cũng là điều dễ hiểu. Có một số ngân hàng biến tướng bằng cách thu phí chuyển đổi; tuy nhiên, sau khi biên độ mới được áp dụng, chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng đó. Trên thực tế, NHNN đã từng có chủ trương cho Eximbank Việt Nam mua bán ngoại tệ theo thỏa thuận (mua vào bán ra tự do). Sắp tới, mô hình của Eximbank sẽ áp dụng cho tất cả các ngân hàng thương mại và đều phải mua, bán ngoại tệ một cách bình thường, vì lúc này chênh lệch giá là do các ngân hàng tự quyết định.

Ông Nghĩa cho biết thêm, trong giai đoạn hiện nay, NHNN đang có nhu cầu tăng dự trữ ngoại hối bởi mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ mới bằng 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu một năm. Trong khi đó, các nước khu vực hầu hết đều cao hơn, chẳng hạn ở Thái Lan là 2/3 kim ngạch nhập khẩu. Tuy nhiên, một khi tăng dự trữ ngoại hối lên cũng có nghĩa phải “bơm” tiền đồng ra thị trường. Do đó, NHNN sẽ vẫn phải tiếp tục thực hiện chính sách rút tiền về thông qua các công cụ khác nhau.   

đtck

Các tin tức khác

>   Vàng trượt dốc, dầu vọt qua 108 USD/thùng (11/03/2008)

>   Sắp tăng lệ phí trước bạ đối với ôtô (11/03/2008)

>   FED “bất lực”? (11/03/2008)

>   IMF hoan nghênh VN ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô (11/03/2008)

>   Lãi suất sẽ giảm? (11/03/2008)

>   Đa dạng hóa ngoại tệ (11/03/2008)

>   ACB tăng lãi suất USD lên 5,85%/năm (10/03/2008)

>   Ứ đọng USD, doanh nghiệp "khóc dở, mếu dở" (10/03/2008)

>   Thử dò đoán tỉ giá, lãi suất... (10/03/2008)

>   Giá vàng giảm tiếp 140.000đ/lượng (10/03/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật