“Bảo hiểm” tỷ giá và lãi suất, tại sao không?
Thời gian gần đây, trong bối cảnh đồng USD liên tục mất giá so với EUR, VND và một loạt ngoại tệ khác, nhiều doanh nghiệp có hợp đồng vay EUR, trong khi không có nguồn thu bằng EUR đang phải đối mặt với chi phí trả nợ lãi và gốc tại hợp đồng vay tăng cao do biến động bất lợi về tỷ giá.
Đồng thời, diễn biến thất thường của lãi suất VND trong nước thời gian qua (ở cả lãi suất huy động - cho vay và lãi suất thị trường liên ngân hàng) cũng như diễn biến lãi suất đồng USD và diễn biến tỷ giá các đồng tiền lớn trên thế giới cũng cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng phải đối mặt với biến động đa dạng của thị trường tài chính quốc tế, sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
Ví dụ, để mua nguyên liệu nhập khẩu phục vụ hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải vay ngân hàng số tiền 5 triệu EUR với lãi suất thả nổi (Euribor 6 tháng) cho kỳ hạn 5 năm. Do sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, nên công ty chỉ có nguồn thu bằng USD. Việc đi vay vốn bằng EUR với lãi suất thả nổi, trong khi chỉ có nguồn thu là USD, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rủi ro lãi suất lẫn tỷ giá, trong đó chủ yếu là rủi ro tỷ giá. Bởi trong trường hợp lãi suất cơ bản EUR tăng, kéo theo lãi suất Euribor điều chỉnh tăng dần thì chi phí vay vốn EUR có thể tăng (chi phí trả lãi tăng). Còn trong trường hợp tỷ giá EUR/USD gia tăng hay EUR lên giá so với USD, doanh nghiệp sẽ phải sử dụng nhiều nguồn thu bằng USD từ kinh doanh hơn để mua EUR trả nợ ngân hàng.
Từ lâu, trên thị trường tiền tệ thế giới đã xuất hiện khái niệm “dịch vụ phái sinh” với những sản phẩm như forward, option… Trong đó, hoán đổi lãi suất là công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá rất hiệu quả. Việc hoán đổi nghĩa vụ trả lãi theo lãi suất thả nổi sang lãi suất cố định sẽ giúp doanh nghiệp xác định chi phí vay vốn và phòng ngừa rủi ro trong trường hợp diễn biến lãi suất bất lợi, đồng thời giúp giảm chi phí vay vốn trong trường hợp lãi suất trên thị trường có xu hướng tăng.
Trong vài năm gần đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng quốc doanh tiên phong đưa ra các sản phẩm hoán đổi lãi suất, bao gồm: hoán đổi tiền tệ chéo - phòng ngừa rủi ro tỷ giá lẫn lãi suất; hoán đổi lãi suất một đồng tiền - chỉ phòng ngừa rủi ro lãi suất... Trên thị trường liên ngân hàng, BIDV cũng là ngân hàng Việt Nam đầu tiên thực hiện giao dịch hoán đổi tiền tệ chéo liên ngân hàng trong giao dịch với Ngân hàng Standard Chartered Bank tại Luân Đôn. Việc triển khai các nghiệp vụ phái sinh của BIDV như hoán đổi lãi suất, quyền chọn tiền tệ... cũng đạt được chuẩn mực quốc tế bằng việc ký kết hợp đồng khung hoán đổi và phái sinh quốc tế (ISDA) với một số định chế tài chính nước ngoài trên thế giới.
Theo các chuyên gia, bản chất của dịch vụ phái sinh này là doanh nghiệp trích cho ngân hàng một khoản phí (phí rủi ro hối đoái) thì toàn bộ rủi ro về tỷ giá của doanh nghiệp, ngân hàng sẽ chịu. Nghe có vẻ đơn giản và dễ làm nhưng hiện nay, rất ít doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến các sản phẩm này. Nguyên nhân của tình trạng này là: thứ nhất, hiện tại sản phẩm phái sinh của các ngân hàng trong nước còn rất mờ nhạt; thứ hai, do trình độ kinh doanh quốc tế và quản trị tài chính của các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn rất hạn chế nên sản phẩm này bị thờ ơ cũng là điều dễ hiểu; thứ ba, trong giao thương quốc tế hiện nay, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam vẫn sử dụng đồng USD là đồng ngoại tệ chủ yếu, mà ít sử dụng các đồng ngoại tệ khác.
Để thúc đẩy thị trường dịch vụ phái sinh, chỉ ngân hàng và các doanh nghiệp thì khó có thể thay đổi câu chuyện: tại sao không “bảo hiểm” tỷ giá? Ngân hàng Nhà nước có thể là tiếng nói quan trọng trong việc phát triển dịch vụ này. Hiện tại, vẫn chưa có thống kê đầy đủ về số vụ thiệt hại về rủi ro hối đoái, trong khi những vụ “tai nạn” về tỷ giá đang tăng theo cấp số nhân.
đtck
|