Thị trường tài chính: Có thực sự nguy cấp?
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần qua, nhà đầu tư trên các sàn chứng khoán tiếp tục bàn tán xôn xao về chính sách thắt chặt tiền tệ, nhiều người rỉ tai nhau: "Bán trước khi quá muộn, sắp khủng hoảng tài chính đến nơi rồi", những thông tin truyền miệng về ngân hàng A., ngân hàng B. mất khả năng thanh toán lan đi với tốc độ nhanh khủng khiếp.
Tuy nhiên, theo khẳng định của một lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đó đều là thông tin không chính xác và NHNN vẫn đang theo dõi sát sao diễn biến trên thị trường để có những điều chỉnh kịp thời, không để xảy ra tình huống mất an toàn cục bộ.
Đầu giờ chiều ngày 22/2, người viết bài có cuộc khảo sát tại các nhà băng có phòng giao dịch trên đường Láng Hạ. Tại bất cứ ngân hàng nào, tình hình gửi rút tiền vẫn diễn ra bình thường và không có nơi nào tìm cớ "hoãn binh" khi khách hàng có nhu cầu rút vốn. Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một số ngân hàng nằm trong nhóm "có tin đồn" khẳng định, không có chuyện các ngân hàng mất khả năng thanh toán, lãi suất huy động tiết kiệm mới được một số ngân hàng điều chỉnh tăng theo xu hướng chung của thị trường nhằm gia tăng giá trị cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm trong hoàn cảnh giá cả tiêu dùng tăng và lạm phát. Còn đối với việc cho vay, khách hàng đã ký hợp đồng theo lãi suất ổn định, với những khách hàng mới, ngân hàng tùy thuộc vào dự án và lĩnh vực hoạt động để ấn định, chẳng hạn như tại BIDV, lãi suất tối thiểu vẫn trong khoảng 1,2 - 1,3%/tháng. Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, một trong những ngân hàng "có nhiều tiếng đồn" nhất cho biết, tình hình hoạt động của Ngân hàng vẫn diễn ra bình thường, khách hàng vay vốn chủ yếu là cá nhân, hiện lãi suất cho vay thấp nhất vào khoảng 1,2%/tháng, cao nhất 1,4%/tháng và ở mức này chưa có hợp đồng nào được ký kết. Ông Lê cũng nhận định, thông tin lãi suất cho vay thấp nhất tới 2%/tháng tại một số ngân hàng có thể không chính xác.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, sáng 21/2 lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng xuống 15% và sáng 22/2 còn 13%. "Tình hình thị trường đã ổn định trở lại", bà Thanh nói. Xét về thực chất, tiền chảy vào kho các ngân hàng trong tháng 2 là không lớn, ngoại trừ việc chuẩn bị cho tăng dự trữ bắt buộc thêm 1% (tính bình quân cả tháng 2 ước thêm khoảng 10.000 tỷ đồng chia đều cho 43 tổ chức tín dụng), còn thực hiện mua tín phiếu bắt buộc chưa chính thức thực hiện. Trong khi đó, NHNN đã bơm khoảng 30.000 tỷ đồng ra thị trường. "Có thời điểm lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng cao, trong khi vẫn có ngân hàng thừa vốn là do thị trường liên ngân hàng chưa phát triển, khách hàng chưa tin tưởng nhau. Theo nguyên tắc, ngân hàng trung ương là cầu cho vay cuối cùng, nhưng vẫn có những ngân hàng thương mại đến tiếp cận NHNN bởi trên thực tế, có ngân hàng dư tiền vẫn không cho ngân hàng khác vay", bà Thanh cho biết. Chiều 22/2, một nguồn tin thân cận với Thống đốc NHNN cũng cho biết, diễn biến trên thị trường tiền tệ đã ổn định trở lại.
Ở thời điểm này, theo các chuyên gia kinh tế, kiềm chế lạm phát cần được ưu tiên hàng đầu và thắt chặt tiền tệ là giải pháp dễ thực hiện nhất. Giám đốc một ngân hàng TMCP cho hay, việc NHNN phát hành tín phiếu bắt buộc còn dễ chịu hơn so với tăng dự trữ bắt buộc vì mua tín phiếu còn được trả lãi. Thực tế, để chủ động có đủ vốn mua tín phiếu NHNN bắt buộc vào thời điểm 17/3/2008 thì ngay từ bây giờ, các ngân hàng thương mại phải đẩy mạnh huy động vốn trên thị trường (khoảng 23.000 tỷ đồng). Song đây có phải là nguyên nhân dẫn tới cuộc đua tăng lãi suất huy động chóng mặt? Câu trả lời một phần nằm ở chỗ "con gà đua nhau tiếng gáy". Ông Lê cho biết, có ngân hàng thực sự chưa cần vốn đến mức căng thẳng, song các đối thủ tăng lãi suất buộc họ phải tăng theo nếu không sẽ mất khách. Bản thân SHB vốn khả dụng hiện có 1.000 tỷ đồng, song vẫn tăng lãi suất lên 12,5%/năm áp dụng cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 2 tháng. Căng thẳng lãi suất còn thể hiện khả năng quản lý vốn kém hiệu quả của một số ngân hàng bởi chạy theo tăng trưởng tín dụng, ngân hàng lấy vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn, khi diễn biến thị trường đảo chiều đã trở tay không kịp.
Thị trường tiền tệ đã thực sự bình ổn hay chưa, chỉ có bản thân các ngân hàng và NHNN rõ nhất, song các quyết định từ cơ quan quản lý tiền tệ liên tiếp đưa ra thời gian qua cũng dẫn tới một băn khoăn rằng, bên cạnh giải pháp tiền tệ để kiềm chế lạm phát, rất cần thiết liên bộ Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư - NHNN có những giải pháp đồng bộ như nâng cao hiệu quả đầu tư, thắt chặt chi tiêu thay vì tập trung mỗi giải pháp "bơm hút" tiền đồng, tạo áp lực tâm lý nặng nề lên các ngân hàng, DN và nhà đầu tư. Nếu như cũng thực hiện thắt chặt tiền tệ, song 2 giải pháp tăng dự trữ và mua tín phiếu bắt buộc không áp dụng cấp tập, mà được kéo giãn trong 2 - 3 tháng thì liệu tình hình đỡ căng thẳng hơn?
"Hy sinh chứng khoán để cứu lạm phát", "Thị trường tài chính Việt Nam có dấu hiệu khủng hoảng"..., những thông tin khiến không ít người cảm thấy bất an và dẫn tới quyết định đầu tư sau đó phải hối tiếc. Điều đáng nói là khi tâm lý thị trường bị ảnh hưởng mạnh bởi thông tin trên các phương tiện truyền thông thì rất cần phát ngôn chính thức từ cơ quan điều hành chính sách để cung cấp những thông số thật chính xác. Rất tiếc, mong muốn đó chưa được đáp ứng trong thời gian qua và nhiều thông tin bị cho là nhiễu loạn cũng là điều dễ hiểu.
Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng
Chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong thời điểm hiện nay, vì vậy các ngân hàng đã họp và thống nhất những liệu pháp nhằm ổn định hoạt động, chứ không thể nước đến chân mới nhảy. Hiệp hội Ngân hàng cũng có công văn yêu cầu các thành viên thực hiện nghiêm túc, đúng khối lượng và thời hạn các giải pháp hút tiền về của NHNN. Đồng thời, khuyến cáo các ngân hàng ngay từ đầu năm, nghiên cứu và có dự báo về xu hướng phát triển kinh tế, xu hướng diễn biến của lạm phát, khả năng xuất hiện của các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm chủ động có kế hoạch huy động vốn, cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đáp ứng vốn cho các nhu cầu cần thiết của nền kinh tế, đảm bảo khả năng thanh khoản. Trong điều kiện lạm phát có diễn biến phức tạp, NHNN đã điều chỉnh linh hoạt các loại lãi suất, các ngân hàng thương mại cũng cần nghiên cứu để điều hành lãi suất linh hoạt theo hướng không để lãi suất âm. Song song với những giải pháp đó, chúng tôi cũng đề nghị các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ mức độ tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng, kiểm soát cho vay kinh doanh chứng khoán, bất động sản... để đảm bảo khối lượng tín dụng tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng.
đtck
|