Thứ Ba, 26/02/2008 07:46

Xếp hàng gửi tiền lãi suất cao

Trong ngày 25-2, hàng ngàn người đã đổ về các ngân hàng (NH) có "siêu" lãi suất (LS) để gửi tiền vì theo dự báo có thể các NH chỉ áp dụng "siêu" LS trong thời gian ngắn. Cũng trong ngày, một số NH đã bàn biện pháp tiếp tục cung ứng vốn đến cho doanh nghiệp...

Từ sáng sớm 25-2 tại NH Việt Á trên đường Nguyễn Công Trứ (Q.1, TP.HCM), khá nhiều khách hàng đã tập trung để gửi tiền. Đây là một trong những NH nằm trong nhóm có "siêu" LS huy động.

Tiền ào ạt đổ vào NH có "siêu" LS

Anh T.D. - một khách hàng - cho biết vừa rút khoản tiết kiệm mới gửi chưa đến mười ngày ở một NH khác vào sáng thứ bảy vừa qua để chuyển sang NH Việt Á do LS hấp dẫn hơn nhiều. Việt Á đã đưa ra mức LS kỳ hạn một tháng (lãnh cuối kỳ) lên tới 13,2%/năm, bỏ xa mức "siêu lãi suất" 12,5%/năm đối với kỳ hạn một tháng mà một số NH vừa áp dụng. Mức lãi suất kỳ hạn ba tháng của NH Việt Á cũng lên tới 13,92%/năm, bỏ qua lãi suất 12%/năm của một NH vừa thiết lập trước đó.

Tại các NH cổ phần có mức "siêu" LS khác, lượng khách hàng được ghi nhận đông hơn ngày thường. Trong khi đó, lượng khách đến rút tiền tiết kiệm tại các NH cổ phần lớn đã không còn đông như những ngày cuối tuần trước.

Số liệu của NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết lượng vốn huy động của một số NH cổ phần nhỏ đã tăng mạnh trong những ngày gần đây, trong khi ở những NH cổ phần lớn có mức LS thấp đã chững lại. Ông Phạm Duy Hưng - tổng giám đốc NH Việt Á - cho biết lượng vốn huy động của NH này đã tăng mạnh sau khi tăng LS. Cũng theo ông Hưng, một số khách hàng mới gửi tiền ở kỳ hạn ngắn đã chọn phương án đổi sổ tiết kiệm, chấp nhận bỏ khoản LS trong thời gian gửi trước đó... Tại NH Đông Á, theo ông Trần Phương Bình - tổng giám đốc, phần lớn khách tới rút tiền đều đến hạn chứ rất ít người rút tiền trước hạn. Ông Bình cũng cho biết nguồn vốn huy động của NH này vẫn tăng trong những ngày vừa qua.

Một lãnh đạo của NH Á Châu cho biết vốn huy động của NH này vẫn tăng. "Riêng những khách hàng có lượng tiền gửi lớn và có mối quan hệ thân thiết với NH, chúng tôi sẽ tìm hiểu lý do khách hàng rút tiền, thuyết phục họ gửi tiền trở lại bằng mức LS mới hấp dẫn hơn…" - vị này nói.

NH bàn biện pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

Trước tình hình cung tiền đồng căng thẳng, LS huy động tăng mạnh, nhiều NH hạn chế cho vay đã gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chiều 25-2, một số NH trên địa bàn TPHCM đã ngồi lại với nhau để tìm biện pháp tháo gỡ.

Ông Trần Phương Bình đề xuất ý kiến và các NH đã thống nhất rằng các NH nên tiếp tục cho vay, trong đó xem xét từng đối tượng cụ thể và nên liên kết song phương hoặc đa phương giữa các NH với nhau để cho khách hàng vay. Cụ thể, nếu khách hàng của NH A vay tiền để mua hàng hóa của khách hàng NH B thì hai NH sẽ thỏa thuận để NH B gửi tiền tại NH A khoảng 15-20 ngày, trên cơ sở đó NH A sẽ cho khách hàng của mình vay. Điều này cho phép tiền không đi khỏi NH A, vẫn giải quyết được lưu thông hàng hóa mà không gây ảnh hưởng đến kế hoạch hoạt động của các NH cũng như các doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Đặng Văn Thành - chủ tịch hội đồng quản trị NH Sài Gòn Thương Tín - cho biết ở thời điểm này do LS đã tăng nên NH sẽ cho khách hàng vay theo LS mới. Tuy nhiên, khi mặt bằng LS dần ổn định thì NH sẽ áp dụng mức LS bình thường trở lại để tránh gây gánh nặng LS cho doanh nghiệp.

Xung quanh vấn đề LS, bà Nguyễn Thị Mười - phó tổng giám đốc Saigonbank - cho rằng trước tiên các NH phải thống nhất một mức LS, tối đa 12%/năm (kỳ hạn ba tháng, sáu tháng) để hạn chế tình trạng tiền "chạy" lòng vòng từ NH này sang NH khác. Khi cố gắng giữ mặt bằng   LS huy động ổn định thì tất yếu các NH sẽ mạnh dạn cho vay và thỏa thuận cho khách hàng của nhau vay.

Lãi suất liên NH giảm mạnh

* Thanh khoản của NH  trở lại bình thường

Thanh khoản của các NH đã trở lại bình thường là nguyên nhân chính làm LS liên NH (là nơi các NH vay mượn lẫn nhau để đảm bảo khả năng thanh toán, không phải LS để cho doanh nghiệp vay sản xuất kinh doanh) giảm mạnh trong ngày 25-2. LS liên NH phổ biến ở mức 15%/năm, có lúc giảm xuống chỉ còn 11%/năm. NH Nhà nước tiếp tục "bơm" ra 3.000 tỉ đồng qua thị trường mở với LS 11%/năm, thấp hơn 2%/năm so với thứ sáu tuần trước. Như vậy LS đưa tiền ra của NH Nhà nước đã giảm đáng kể, chỉ còn bằng hơn 1/3 so với ngày có LS cao nhất ngay sau tết là 30,1%/năm.

Một số NH từ chỗ thiếu tiền thanh khoản nay đã đảm bảo cả thanh khoản và dự trữ bắt buộc, thậm chí còn thừa cả ngàn tỉ đồng như NH cổ phần Sài Gòn. Tuy nhiên, nhiều NH cổ phần vẫn thiếu dự trữ bắt buộc cho tháng 2-2008 do chưa thu hồi vốn kịp. Theo các NH, sang tháng 3-2008 dự trữ bắt buộc sẽ được cải thiện. Vấn đề đặt ra hiện nay là không ít NH vẫn tạm ngưng cho vay do e ngại khách hàng không chịu trả nợ.

TT

Các tin tức khác

>   Bất ngờ và lo ngại (26/02/2008)

>   Chúng ta đang đổ dầu vào lửa ! (26/02/2008)

>   Nhiều chất vấn thành viên Chính phủ về lạm phát (26/02/2008)

>   Ham lãi suất cao, khách hàng chưa chắc được lợi (26/02/2008)

>   Hợp tác tài chính ASEAN và Đông Á (25/02/2008)

>   Dự thảo Luật thuế TNDN: Vẫn còn những vấn đề cần xem xét (25/02/2008)

>   4 khoản phí, lệ phí được miễn (25/02/2008)

>   Hà Nội: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 3,92% (25/02/2008)

>   Sẽ không để doanh nghiệp tăng giá bừa bãi (25/02/2008)

>   Oằn lưng “gánh” lạm phát (25/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật