Sẽ không để doanh nghiệp tăng giá bừa bãi
* Tiền hỗ trợ sẽ đến đúng đối tượng hơn
Tại buổi họp báo thông báo về việc điều chỉnh giá dầu vào sáng nay (25.2) ở Bộ Tài Chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đã giải thích vì sao lại cho điều chỉnh giá dầu vào lúc này.
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh, đây là Chính phủ điều chỉnh giá dầu chứ không phải là tăng giá như một mệnh lệnh hành chính. Từ trước đến nay, ngân sách nhà nước đã bù lỗ giá dầu quá nhiều, tức là nhập khẩu dầu với giá cao và bán với giá thấp, phần lỗ sẽ do ngân sách nhà nước chịu. Mỗi năm ngân sách phải bù lỗ trên 10.000 tỉ đồng. Chính phủ đã quyết định điều chỉnh giá dầu lên một mức tiệm cận với giá thị trường để tiến tới sẽ để tự thị trường quyết định. Tức là các doanh nghiệp nhập khẩu có thể đăng ký mức giá và Bộ Công thương sẽ duyệt nếu thấy hợp lý.
Còn giá xăng thì từ năm 2007 đã do các doanh nghiệp đầu mối tự quyết định. Như vậy có thể có chuyện các doanh nghiệp bán xăng với giá khác nhau, tùy vào chi phí đầu vào, tỉ suất lợi nhuận của doanh nghiệp… Chính phủ vẫn kiểm soát bằng biện pháp duyệt giá. Nếu doanh nghiệp không chứng minh được giá thành họ đăng ký là hợp lý thì sẽ không được duyệt.
Lợi ích của việc điều chỉnh giá dầu là: Trước đây chúng ta trợ cấp tràn lan, bù lỗ tràn lan, khiến cho những đơn vị giàu có, tiêu hao nhiều nhiên liệu nhất lại được bù lỗ nhiều nhất. Trong khi đồng bào nghèo, gia đình chính sách dùng ít nhiên liệu, xăng dầu lại được hưởng lợi không bao nhiêu. Khi nhà nước quyết định không bù lỗ nữa, khoản ngân sách hơn 10.000 tỉ đồng dùng để bù lỗ trước đây sẽ được hỗ trợ đúng đối tượng, tức là hỗ trợ người nghèo, người dân vùng núi, gia đình chính sách… Và khi tăng giá tương đương với giá thế giới sẽ giảm tình trạng chảy máu xăng dầu qua biên giới. Về phía các doanh nghiệp, họ cũng phải đổi mới công nghệ, thay thiết bị máy móc cũ bằng thiết bị mới tiêu tốn ít nhiên liệu hơn.
* Tại sao Chính phủ lại chọn thời điểm này để điều chỉnh giá xăng dầu, khi mà chỉ số giá tiêu dùng đang cao và sẽ tiếp tục tăng cao?
- Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh: Có nhiều lý do khiến Chính phủ phải quyết định chọn thời điểm điều chỉnh giá dầu:
Giá dầu trên thế giới liên tục tăng, do đó doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đang lỗ, số tiền bù lỗ giá dầu Chính phủ phải trả cho doanh nghiệp cũng chưa trả kịp thời nên các doanh nghiệp đang thiếu vốn nhập khẩu xăng dầu. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung, doanh nghiệp không đủ tiền nhập xăng dầu, người dân sẽ không có xăng dầu để mua. Như vậy xã hội sẽ mất ổn định.
Thứ hai, theo lộ trình, việc để doanh nghiệp tự quyết giá dầu đã phải thực hiện từ cuối năm 2007. Nhưng vì một số lý do, trong đó có mức lạm phát, chỉ số giá cả… nên Chính phủ đã lùi thời điểm “thả nổi” giá dầu đến nay. Nếu nhà nước tiếp tục bao cấp bù lỗ giá dầu thì sẽ ảnh hưởng lớn đến ngân sách.
Cùng với việc tăng giá, Chính phủ đã tính tới các biện pháp để bình ổn giá cả và không để các doanh nghiệp tăng giá bừa bãi. Trong các mục tiêu, lợi ích, buộc chúng ta phải chọn lợi ích toàn cục, vì cái chung chứ không thể vì một hai nhóm lợi ích đơn nhất.
* Làm thế nào để tránh việc các doanh nghiệp bắt tay nhau đồng loạt đưa giá xăng dầu tăng cao để hưởng lợi?
- Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Hiện nay có hơn 10 doanh nghiệp được nhà nước công nhận là doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Họ đã được hưởng một số ưu đãi về thuế, về chính sách… nên phải chấp nhận việc kiểm soát của nhà nước bằng biện pháp duyệt giá. Tức là doanh nghiệp trình giá đề nghị lên Bộ, Bộ sẽ xem xét giá đó có phù hợp với giá nhập khẩu, giá vận chuyển, lưu kho… Nếu thấy hợp lý mới duyệt, chỉ khi Bộ Công thương duyệt thì doanh nghiệp đó mới được phép bán với giá đăng ký.
Các doanh nghiệp sẽ không được cho một giá sàn hay giá trần như trước đây, họ sẽ phải tự tính toán và đưa ra mức giá của doanh nghiệp mình. Do đó, sẽ có cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, sẽ có doanh nghiệp này bán giá cao, doanh nghiệp kia bán giá thấp.
tn
|