Thiếu thanh khoản trong hệ thống ngân hàng:
Lo ngại trở thành khủng hoảng
Việc thiếu thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đang trở thành khủng hoảng vì các cơ quan chức năng đang thực hiện nhiều mục tiêu mâu thuẫn nhau, trong đó quyết liệt giảm lạm phát là mục tiêu mới.
Trả giá?
Trong tuần thứ 3 của tháng 2, mục tiêu này được thực hiện trong chớp mắt, có thể nói là "hơi quả quyết" nhưng thiếu cân nhắc kỹ, do đó nhanh chóng đưa tới hậu quả xấu và đến cuối tuần mất ngay tính quả quyết ban đầu.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc rút về khoảng 10 ngàn tỉ đồng, rồi tăng lãi suất một chút (vẫn còn quá thấp so với tốc độ lạm phát hiện nay) và tuần qua đòi hỏi các NHTM mua tín phiếu 20 ngàn tỉ đồng để rút tiền về.
Nhưng khi các NH thiếu thanh khoản, lãi suất liên NH vọt lên, NHNN mất nhuệ khí, tung ra thị trường hơn 33 ngàn tỉ đồng vay ngắn hạn. Thế là xong một cuộc "đánh trống bỏ dùi". Tuy thế, nó cũng có ưu điểm là NHNN đã lắng nghe thị trường. Nhưng bất cứ một cuộc chống lạm phát nào cũng phải có trả giá.
Tại sao lạm phát lại xảy ra tới mức báo động đỏ hiện nay? (Nói là báo động đỏ bởi vì nếu không giảm xuống, nó sẽ tạo ra tâm lý lạm phát, có thể đưa đến bất ổn xã hội vì lao động không đủ sống, lại làm hàng hoá đắt đỏ với người đầu tư nước ngoài, do đó làm mất niềm tin vào thị trường và chấm dứt cuộc đổ bộ đầu tư vào VN).
Lạm phát do mức tăng tín dụng, tăng tiền đã rõ từ lâu, ít nhất là từ năm 2004 khi mức tăng tiền lên đến 25%, rồi mới đây nhảy vọt tới 35-40%, nhưng Nhà nước vẫn án binh bất động cho đến mới đây. Nhưng tại sao tín dụng lại tăng như vậy? Nguyên nhân là vì những mục tiêu trong kế hoạch đặt ra đã đưa tới tình trạng trên:
1/ Mức đầu tư của ngân sách và của Cty nhà nước quá lớn đưa tổng đầu tư lên trên 40% GDP, nhưng thường vì thiếu hiệu quả và không đúng chỗ nên mức tăng GDP chỉ ở mức tạm gọi là phấn khởi.
2/ Mở rộng cho đầu tư ở nước ngoài, đặc biệt là vào thị trường tài chính (trong 7-9 tỉ USD chuyển vào VN năm 2007, theo tôi ước đoán, chỉ có 3 tỉ USD là vào đầu tư trực tiếp) do đó tiền chuyển đổi để mua chứng khoán tất nhiên làm tăng khối lượng tiền tệ trong nền kinh tế, nhưng khác với đầu tư trực tiếp, không được các Cty bán ra chứng khoán, hoặc các đại gia nắm chứng khoán đầu tư vào sản xuất hàng hoá dịch vụ, mà chủ yếu chạy đuổi theo hàng hoá có sẵn, nhà đất và chứng khoán, làm toàn bộ trở nên bong bóng.
Lựa chọn giải pháp chống lạm phát
Muốn làm giảm lạm phát tất phải có biện pháp làm giảm khối lượng tiền tệ trên thị trường, nhưng như thế vẫn không đủ và khi quá độ lại trở thành nguy hiểm. Các biện pháp thì hầu như các nhà kinh tế đều biết:
1/ Nâng lãi suất ở mức cao hơn lạm phát để thu hút tiền vào ngân hàng và tất nhiên việc này sẽ làm giảm đầu tư và nhu cầu tiền vốn. Điều này chưa được làm đến nơi vì chạm vào mục tiêu đạt được tốc độ phát triển kinh tế cao (với đầu tư của Nhà nước cao, để lãi suất cao đưa đến thiếu hụt ngân sách lớn hơn, do đó mức in tiền lại lớn). Lãi suất hiện nay vẫn còn âm so với tốc độ lạm phát nên không có sức thu hút tiền gửi.
2/ Cắt giảm đầu tư của Nhà nước. Việc này cũng động đến kế hoạch có tốc độ tăng trưởng cao.
3/ Thực hiện các biện pháp trung hoà như bán tín phiếu ngân hàng để thu tiền về Ngân hàng Nhà nước.
4/ Giảm dòng chảy đầu tư nước ngoài bằng cách tăng hối suất (hối suất chính là giá nhằm quân bình cung cầu ngoại tệ trên thị trường trong nước). Điều này tất nhiên mâu thuẫn với quyết định của Nhà nước là giữ hối suất ổn định để phát triển xuất khẩu.
Vấn đề là kết hợp đồng thời các biện pháp này cùng một lúc và điều chỉnh tuỳ theo tình hình thực tế. Điều chỉnh như thế nào tuỳ thuộc vào tình hình thực tế, mà có lẽ chỉ có những người làm chính sách mới nắm được nếu thu thập đầy đủ và kịp thời thông tin. Chỉ giảm thanh khoản bằng bán tín phiếu sẽ bóp ngay cổ họng NHTM cổ phần và khu vực tư nhân.
Cũng cần nói thêm về việc cần thiết tăng hối suất (lãi suất ngoại tệ). Điều này không thể tránh được nếu như muốn giải quyết lạm phát và nếu như không muốn có biện pháp ngăn cản dòng chảy tư bản nước ngoài vào thị trường tài chính.
Nói đến tăng hối suất là nói đến việc tự do hoá hơn mua bán ngoại tệ trên thị trường VN. Tuy nhiên khó có thể tiên đoán trước được hối suất ở mức nào có thể điều hoà được cung cầu ngoại tệ và đồng thời không tạo khủng hoảng trên thị trường xuất nhập khẩu hàng hoá. Do đó vẫn có thể cần phải kiểm soát dòng chảy tư bản ở mức độ nhất định.
Chẳng hạn dù không cấm NHTM, NHNN - nơi có khả năng cung cấp thanh khoản lớn nhất, có thể chỉ chuyển đổi ra VND những trường hợp đặc biệt như đầu tư trực tiếp hay đầu tư gián tiếp nhưng ở mức độ chiến lược tức là ở tỉ lệ đáng kể và với thời gian sở hữu tối thiểu, không được bán lại trên thị trường.
Cần có chính sách kiểm soát dòng chảy ngoại tệ
Toàn bộ những hoạt động chống lạm phát sẽ có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và thị trường nhà đất, nhưng đây là điều cần làm. Thanh khoản quá nhiều đã nhanh chóng đẩy hai khu vực này thành bong bóng.
Riêng khu vực chứng khoán do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính của Mỹ đã làm xẹp bong bóng một phần đáng kể và hiện nay ở chỉ số ở mức độ khoảng 600-700 là tương đối hợp lý, và dù có xuống hơn thế cũng không cần sự can thiệp của Nhà nước.
Việc can thiệp mới đây cho phép mua cổ phần bằng USD (hành động đầu tiên là giúp dầu khí đi vào hoạt động tài chính, một hoạt động hoàn toàn trái ngành) là quyết định sai lầm vì nó sẽ USD hoá nền kinh tế, làm mất khả năng điều hành tiền tệ của NHNN và đồng USD đó không nhất thiết không chạy đuổi VND để đổ vào hai thị trường quá nóng như nhà đất và chứng khoán.
Làm xẹp bong bóng nhà đất là điều cần làm và điều này đang chờ đợi hành động áp dụng thuế nhà đất ở mức hợp lý và thuế chênh lệch lãi trên lợi nhuận mua bán nhà đất, ít nhất ngang bằng thu nhập doanh nghiệp khác. Dẹp bong bóng nhà đất cũng cần chính sách khuyến khích đầu tư vào xây dựng nhà cửa và làm giảm việc đầu cơ đất bằng thuế đặc biệt đối với người mua quyền sử dụng đất nhưng không sử dụng vào kinh doanh, nhằm đầu cơ.
Dòng vốn tài chính từ nước ngoài là con dao hai lưỡi đối với nền kinh tế, đặc biệt đối với nền kinh tế chưa có cơ chế điều hành và kiểm soát chúng. Khi chúng đổ vào nhiều như hiện nay, nền kinh tế bội thực. Khi chúng tháo chạy mở đầu cho cuộc khủng hoảng ở Châu Á trước đây, nền kinh tế đói lả.
Đã có lúc Mỹ và IMF cổ động mạnh mẽ cho tự do dòng chảy vốn tài chính, nhằm biến thành nguyên tắc bắt buộc cho các thành viên IMF, nhưng sau đó đã phải rút lại vì cuộc khủng hoảng ở Châu Á năm 1997 và sau đó là cuộc khủng hoảng ở Nam Mỹ. Malaysia là nước độc nhất lúc đó áp dụng áp biện pháp kiểm soát do đó tránh cho nền kinh tế của họ bị đẩy vào khủng hoảng trầm trọng như Indonesia và Thái Lan.
LĐ
|