Thứ Ba, 26/02/2008 10:27

Kìm lạm phát không chỉ chờ vào chính sách tiền tệ

Đối phó với lạm phát, một loạt giải pháp trong đó có việc thắt chặt chính sách tiền tệ đã được thực thi, nhưng thời gian qua giá vẫn tăng đều. Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính - Nguyễn Tiến Thỏa, các giải pháp cần tiến hành đồng bộ.

- Theo Cục trưởng nguyên nhân đẩy lạm phát tăng cao trong hai tháng đầu năm là gì?

- Quan sát sát thị trường và dự báo cho thấy, ngay từ đầu năm, lạm phát đã trở thành vấn đề nóng. Chỉ số giá trong tháng 2 có nguy cơ tăng cao do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như cung cầu, giá cả hàng hóa dịch vụ sau Tết...

Theo tôi, ngoài nguyên nhân nền kinh tế còn yếu kém về chất thì nguyên nhân trực tiếp và tổng hợp nhất đó là "cầu kéo và chi phí đẩy". Cầu kéo biểu hiện là lượng tiền trong lưu thông và khối lượng tín dụng tăng đáng kể, vượt qua khả năng giới hạn của mức cung hàng hóa. Còn chi phí có thể hiểu là việc sốt giá đầu vào của nền kinh tế lương thực - thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu.

- Nói như vậy thì nguyên chính khiến cho chỉ số giá tăng cao hiện nay là hàng hóa không đủ ?

- Không hẳn là như vậy. Có rất nhiều yếu tố góp phần làm cho lạm phát tăng cao: Vốn đầu tư nước ngoài (nhất là đầu tư gián tiếp) tiếp tục tăng, trong khi khả năng kiểm soát các dòng vốn đầu tư vẫn còn hạn chế. Khả năng hấp thu vốn của nền kinh tế nói chung, của các doanh nghiệp nói riêng, không cao cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát.

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như việc giải ngân chậm trong đầu tư các công trình của nhà nước, cộng thêm sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; thị trường chứng khoán chưa thực sự ổn định; thị trường bất động sản của ta còn có nhiều nguy cơ biến động, tín dụng có những biểu hiện không lành mạnh nhất là cho vay kinh doanh chứng khoán, đầu tư bất động sản và tiêu dùng. Bên cạnh đó, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nguồn cung hàng hóa dịch vụ càng thêm căng thẳng cũng là một trong những yếu tố làm giá cả hàng hóa tăng cao...

- Để kìm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước VN vừa ban hành một loạt biện pháp nhằm thắt chặt tiền tệ. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc "xiết" tiền là đúng nhưng chưa đủ, ông nghĩ sao?

- Nhà kinh tế học Milton Friendman có nói: "Lạm phát bao giờ và ở đâu cũng là một hiện tượng tiền tệ". Chính sách tiền tệ có thể làm cho mức giá chung trong nền kinh tế tăng lên một thời gian nhất định và sức mua thực tế của đồng tiền giảm xuống. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là "trăm dâu đổ đầu tiền tệ". Đúng là việc xiết chặt chính sách tiền tệ đúng nhưng chưa đủ. Để kìm chế lạm phát phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chứ không chỉ trông vào chính sách tiền tệ. Cần có sự kết hợp tổng thể nhiều biện pháp như cân đối vĩ mô, hạn chế nhập siêu, điều hành xuất khẩu gạo một mức hợp lý để đảm bảo an ninh lương thực...

- Xin ông nói rõ hơn về các giải pháp đồng bộ này?

- Đối với chính sách tiền tệ, chúng ta cần phải xác định điều hành và kiểm soát tốc độ tăng trưởng phương tiện thanh toán và cung ứng tín dụng ở mức hợp lý. Trên cơ sở đó, áp dụng chính sách tiền tệ một cách chặt chẽ, thận trọng như tiếp tục xem xét tăng thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức thích hợp với lãi suất hợp lý, thậm chí là chấp nhận lãi suất dương. Hạn chế tình trạng khát vốn giả tạo và phát triển tín dụng xấu. Đồng thời chủ động mua ngoại tệ dự trữ đi liền với các biện pháp hút tiền về nhằm "vô hiệu" lượng tiền vào và lượng tiền đưa ra mua ngoại tệ cho vay kinh doanh bất động sản và chứng khoán.

Đối với cho vay kinh doanh bất động sản phải cho vay đúng đối tượng, chẳng hạn người dân vay mua nhà, doanh nghiệp triển khai dự án. Nếu ai vay cũng được thì vô hình chung đã tiếp tay cho giới đầu cơ, cò đất, cò dự án...

Chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ cho vay đầu tư chứng khoán, xem xét tỷ lệ tối đa không quá 20% vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng, bảo đảm các tổ chức tín dụng cho vay có hiệu quả, quản lý tốt. Một yếu tố khác cần quan tâm nữa, là việc điều hành tỷ giá theo hướng không để tăng giá hoặc mất giá quá mức đồng tiền VN. Điều này có nghĩa, chúng ta chấp nhận tiền đồng tăng giá ở mức độ hợp lý.

- Bộ Tài chính góp phần thế nào trong công cuộc kìm chế lạm phát cùng với Chính phủ?

- Bộ Tài chính tiếp tục tiếp tục duy trì chính sách tài chính trong việc điều hành thu - chi ngân sách, mức bội chi ngân sách trong giới hạn mà Quốc hội cho phép, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chi tiêu thường xuyên, đầu tư xây dựng cơ bản. Kiên quyết cắt giảm các dự án đầu tư không triển khai theo kế hoạch. Tiếp tục phát hành trái phiếu kho bạc, trái phiếu công trình giao thông thủy lợi theo kế hoạch được duyệt. Thực hiện lộ trình giá thị trường, khuyến khích cạnh tranh về giá đi liền với kiểm soát giá độc quyền và áp dụng chính sách hỗ trợ hợp lý đối với các đối tượng sản xuất, bộ phận dân cư nghèo, các đối tượng chính sách.

Nếu chúng ta kết hợp đồng bộ các giải pháp trên, tôi tin, mục tiêu lạm phát của cả năm thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế hoàn toàn có thể đạt được.

vne

Các tin tức khác

>   Sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Không thể đánh đồng báo với doanh nghiệp thuần túy! (26/02/2008)

>   Xếp hàng gửi tiền lãi suất cao (26/02/2008)

>   Bất ngờ và lo ngại (26/02/2008)

>   Chúng ta đang đổ dầu vào lửa ! (26/02/2008)

>   Nhiều chất vấn thành viên Chính phủ về lạm phát (26/02/2008)

>   Ham lãi suất cao, khách hàng chưa chắc được lợi (26/02/2008)

>   Hợp tác tài chính ASEAN và Đông Á (25/02/2008)

>   Dự thảo Luật thuế TNDN: Vẫn còn những vấn đề cần xem xét (25/02/2008)

>   4 khoản phí, lệ phí được miễn (25/02/2008)

>   Hà Nội: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 3,92% (25/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật