Thứ Năm, 21/02/2008 08:22

Năm nhóm giải pháp chống lạm phát

Nhiều "chiêu" chống lạm phát của Ngân hàng Nhà nước đã tác động ngay đến thị trường chứng khoán và bất động sản, từ đó đặt ra câu hỏi lớn:"Liệu có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế?". Ngân hàng Nhà nước nói gì về "cả gói" giải pháp chống lạm phát?

Xung quanh các giải pháp thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát của Ngân hàng (NH) Nhà nước, Tuổi Trẻ đã trao đổi cùng ông Nguyễn Ngọc Bảo - vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NH Nhà nước VN.

* Thưa ông, con số lạm phát cao kỷ lục 12,3% của năm 2007 Thủ tướng Chính phủ đã kết luận có nguyên nhân tiền tệ, cụ thể là gì?

- Thứ nhất, trong những tháng đầu năm 2007 việc đưa tiền ra mua ngoại tệ nhưng chưa rút về kịp thời. Thứ hai, tăng trưởng tín dụng ở mức cao so với những năm trước và mục tiêu đề ra. Thứ ba, hai yếu tố này đã kéo theo tổng phương tiện thanh toán cũng tăng ở mức cao so với mục tiêu đề ra.

* NH Nhà nước sẽ làm gì để khắc phục các điểm yếu trên?

- Căn cứ vào đề xuất của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan hữu quan triển khai biện pháp kiềm chế lạm phát, kiểm soát tăng giá năm 2008.

Mục tiêu của giải pháp "cả gói" này là nhằm kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn tăng trưởng kinh tế nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức cao.

Đối với NH Nhà nước có năm nhóm giải pháp. Một là thực hiện chính sách tiền tệ một cách chặt chẽ, thận trọng và chủ động; sử dụng linh hoạt các công cụ trên theo nguyên tắc thị trường để khắc phục ba tồn tại lớn của năm trước. Hai là tiếp tục mua ngoại tệ dự trữ trên cơ sở nguồn tiền cung ứng đã được duyệt, đồng thời hút tiền về bằng nhiều công cụ phù hợp với từng thời điểm.

Ba là chính sách tỉ giá phải giữ ổn định giá trị VND nhưng cũng tính toán thuận lợi cho xuất khẩu. Bốn là không để lãi suất âm. Và cuối cùng là củng cố, lành mạnh hóa hệ thống tổ chức tín dụng và các định chế tài chính; kiểm soát cho vay kinh doanh chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng.

* Thưa ông, về công cụ nâng cao tỉ lệ dự trữ bắt buộc thêm 1% tại các NH, bắt buộc mua tín phiếu trên 20.000 tỉ đồng và tăng lãi suất tiền gửi mà NH Nhà nước vừa triển khai là nhắm đến những mục tiêu nào?

- Mục tiêu nhìn rõ nhất là nhằm hút tiền từ thị trường về kiểm soát mức tăng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức hợp lý ngay từ đầu năm. Động thái này sẽ tác động đến cung cầu vốn trên thị trường tiền tệ.

Thứ nhất, các NH phải điều chỉnh cơ cấu tín dụng, kiểm soát các khoản cho vay, đảm bảo an toàn hiệu quả. Thứ hai, lãi suất thị trường có thể tăng lên nên người vay phải tính toán chặt chẽ hiệu quả khi đầu tư, hạn chế việc đầu tư kém hiệu quả. Thứ ba, các tổ chức tín dụng cần thu hẹp một số đối tượng cho vay như kinh doanh bất động sản, chứng khoán...

Điều đó dẫn đến những dự án kém tính khả thi chắc chắn sẽ bị cắt giảm, góp phần hạn chế tình trạng thị trường bất động sản tăng nóng, tăng ảo. Và chính các tổ chức tín dụng, định chế tài chính cũng giảm được rủi ro, lành mạnh hóa hoạt động của họ.

* Khi tiền NH cho vay giảm, đầu tư xã hội có bị kìm hãm? Và lãi suất tăng cao có khiến giá thành sản phẩm hàng hóa đội lên?

- Vốn đầu tư xã hội đến từ nhiều kênh: vốn tự có trong dân, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp, vốn vay nước ngoài... chứ không hoàn toàn chỉ dựa vào NH. Hơn nữa, để khắc phục căn bệnh đầu cơ, thị trường sốt ảo, các dự án kém khả thi ra đời... thì không cho vay còn tốt hơn là cố cho vay nhưng rủi ro cao và hiệu quả thấp.

Mặt khác, những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, dự án khả thi thì việc tăng lãi suất vốn vay không phải là cản trở lớn. Tuy nhiên cần lưu ý là mở rộng tín dụng đến khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn tiếp tục khuyến khích.

Với mức lãi suất hiện nay các NH vẫn có thể huy động được vốn trong xã hội khi mức lãi suất tiền gửi hiện khoảng 9%/năm, cao hơn mục tiêu mức lạm phát. Và như vậy người gửi tiền vẫn có lợi, nghĩa là NH không lo ngại việc thiếu vốn cho vay đối với các dự án đầu tư hiệu quả. Đây là những giải pháp phù hợp với nguyên tắc thị trường và các chỉ đạo của Chính phủ.

* Ông có dự báo gì về mức độ lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng của năm 2008?

- Về tăng trưởng, Quốc hội và Chính phủ đã đặt quyết tâm cao, huy động toàn lực xã hội phấn đấu 8,5-9%, nếu các giải pháp được thực hiện một cách đồng bộ thì các chỉ tiêu đó có thể đạt được. Về lạm phát, Chính phủ đã đề ra và chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện "cả gói" giải pháp, khắc phục những yếu kém tồn tại, chuẩn bị tốt nhất để đối phó với sự tác động từ thị trường quốc tế. Nhưng quốc gia nào cũng phải chịu ảnh hưởng bởi thị trường và tình hình kinh tế thế giới.

Năm nay, dự báo kinh tế toàn cầu suy giảm, giá dầu và giá lương thực thực phẩm tiếp tục tăng cao. Hai yếu tố giá này chiếm tới 40% trong cơ cấu rổ hàng hóa. Chống lạm phát sẽ còn rất nhiều khó khăn. Mặt khác, ngành NH đề ra những quyết tâm cao nhưng để đạt được các chỉ số đó thì phụ thuộc sự thực hiện đồng bộ các giải pháp "cả gói".

 

3 ngày "bơm" cho NH 23.000 tỉ đồng

Trong nỗ lực đảm bảo thanh khoản cho các NH, ngày 20-2 NH Nhà nước đã cung ứng ra thị trường 15.000 tỉ đồng thông qua nghiệp vụ thị trường mở (nơi mua bán các loại giấy tờ có giá như tín phiếu, trái phiếu…) với lãi suất 15%/năm cho kỳ hạn 14 ngày. Đây là mức tiền đưa ra thị trường trong một ngày lớn nhất từ trước đến nay. NH Nông nghiệp & phát triển nông thôn và NH Đầu tư & phát triển (BIDV) đã trúng thầu toàn bộ khối lượng tiền đồng nói trên.

Như vậy chỉ trong ba ngày đầu tuần này, NH Nhà nước đã "bơm" ra tổng cộng 23.000 tỉ đồng và dự kiến hôm nay 21-2 cơ quan quản lý tiền tệ đưa ra thêm 10.000 tỉ đồng nữa. NH Nhà nước cũng đã công bố lộ trình đưa tiền ra đến hết tuần và thay đổi phương thức đấu thầu. Trước đây các thành viên thị trường mở bỏ thầu lãi suất, ai cao nhất thì trúng. Nay NH Nhà nước ấn định lãi suất trần từng phiên và các NH đấu thầu khối lượng.

Việc "bơm" tiền ra đã ngay lập tức giảm nhiệt lãi suất trên thị trường liên NH, từ mức 30-35% trong ngày 19-2 xuống còn khoảng 20-25% trong ngày 20-2. "Nếu tiền đồng được đưa ra nhiều hơn, lãi suất sẽ còn giảm" - một nguồn tin thân cận trong giới NH cho biết. Hiện NH Nhà nước đã sử dụng hết gần một nửa hạn mức tiền đồng được phép đưa ra lưu thông cho năm 2008.

Phần lớn NH đã lâm vào tình trạng thiếu tiền đồng sau khi một số NH dùng vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn, đặc biệt cho vay kinh doanh bất động sản, và không đảm bảo dự trữ bắt buộc, được tăng thêm kể từ ngày 1-2. Đến sáng 20-2, đã có tám NH trong tình trạng thiếu thanh khoản, chủ yếu là các NH nhỏ mới chuyển từ nông thôn lên đô thị và những NH có tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nóng năm 2007. Chỉ có hai NH tương đối "giàu có” tiền đồng và đang cho các NH khác vay lại là Vietcombank và Á Châu (ACB).

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã được nâng lên một mức mới. Lãi suất tiết kiệm ba tháng của các ngân hàng phổ biến ở mức 0,8 - 0,825%/tháng. 

tt

Các tin tức khác

>   Agribank vay 50 triệu USD từ WB (21/02/2008)

>   Điểm trúng “huyệt” lạm phát ! (21/02/2008)

>   Giá cả ở “báo động số 1”? (21/02/2008)

>   Đầu tư vàng: Thắng - bại trong gang tấc (21/02/2008)

>   Hiệu quả đầu tư thấp cũng là thủ phạm của lạm phát (21/02/2008)

>   Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh nhận danh hiệu "Bộ trưởng Tài chính khu vực châu Á năm 2007" (20/02/2008)

>   Ngân hàng ADB sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam lĩnh vực tài chính và phát triển nguồn nhân lực (20/02/2008)

>   ADB sẽ dành tới 1,8 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam (20/02/2008)

>   Khánh Hoà: Các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi VND (20/02/2008)

>   Chỉ hạn chế, không có chuyện ngừng cho vay (20/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật