Thứ Năm, 21/02/2008 08:09

Về việc Ngân hàng Nhà nước phát hành 20.300 tỉ đồng tín phiếu bắt buộc, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A:

Điểm trúng “huyệt” lạm phát !

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo NLĐ chiều 20-2, TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS), cho rằng chính sách trên về lâu dài là rất tích cực, giúp lành mạnh hóa hai thị trường chứng khoán và bất động sản

Phóng viên: Thưa ông, các ngân hàng thương mại đang kêu ca về những chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN)?

- TS Nguyễn Quang A: Kêu ca là bình thường, vì đụng tới chuyện kinh doanh của họ. Nhưng tôi cho rằng tất cả những biện pháp của NHNN là đúng hướng, lại hành xử kiên quyết. Biện pháp mà NHNN áp dụng có thể hơi thô, hơi sốc nhưng có thể điều chỉnh được. Là một người cũng bị tác động nhưng tôi hết sức ủng hộ quyết định của NHNN.

Quyết định đó chứng tỏ NHNN đã phát huy được vai trò của mình. Trước đây, NHNN dường như đã bị gạt sang bên lề của cuộc chiến chống lạm phát khi không phải là thành viên của tổ điều hành vấn đề giá cả. Bởi thế, đây là một thay đổi về tư duy theo hướng đúng nên rất cần ủng hộ.

Quyết định của NHNN sẽ thúc ép các doanh nghiệp phải hoạt động hiệu quả hơn, buộc họ phải từ bỏ những dự án đầu tư kém. Vì thế, siết chặt chính sách tín dụng của NHNN nhìn về lâu dài mang ý nghĩa tích cực hơn là tiêu cực.

Ông có tin rằng biện pháp thắt chặt tiền tệ của NHNN sẽ có tác dụng hiệu quả trong cuộc chiến chống lạm phát?

- Tôi tin chắc điều đó bởi đã điểm trúng “huyệt” của lạm phát. Nó giống như thầy thuốc bắt trúng bệnh và kê đơn thuốc, dùng liệu pháp chữa trị đúng nên không thể không có kết quả. Tất nhiên đây mới chỉ một phần của vấn đề. Còn phải tiến hành giảm bớt chi tiêu Chính phủ, ngân sách và tăng hiệu quả đầu tư. Không nên để các tập đoàn lớn của Nhà nước đầu tư tràn lan, thậm chí đi vay nước ngoài về để cho các tập đoàn đầu tư vào các dự án kém hiệu quả hay dùng vốn này để nhảy vào thị trường bất động sản (BĐS) và thị trường chứng khoán (TTCK).

Nhưng việc thắt chặt chính sách tiền tệ mà NHNN vừa áp dụng sẽ tác động tới sự phát triển của thị trường BĐS và TTCK?

- Nó chắc chắn sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ, lướt sóng trên cả hai thị trường này. Hiện nay chúng ta chưa có một TTCK và thị trường BĐS tăng trưởng lành mạnh, mà tăng trưởng có nhiều yếu tố bong bóng. Không thể có một thị trường BĐS với giá cao ngất ngưởng vào loại nhất thế giới mà chẳng dựa trên cơ sở kinh tế như ở VN hiện nay, nên cần để nó xẹp xuống rồi vực nó dậy một cách lành mạnh.

Như vậy thì ông cho rằng cách làm của NHNN còn làm cho hai thị trường này trở nên lành mạnh hơn?

- Đúng như vậy. Thị trường mà dựa lên đầu cơ là chính như hiện nay thì cần phải có biện pháp để điều chỉnh. Thử hỏi một người làm công ăn lương có nhu cầu thực sự đi nữa thì tích lũy bao lâu mới mua được một căn nhà, nên thị trường hiện nay là thị trường không lành mạnh.

Thưa ông, tăng trưởng cao của chúng ta hiện nay dựa khá nhiều vào đầu tư lớn. Vậy nếu các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh bị hạn chế thì nó có tác động tới tăng trưởng kinh tế hay không?

- Hiệu quả của đồng vốn và tăng trưởng được đo bằng hệ số ICO (tỉ lệ đồng vốn đầu tư bỏ ra để đạt được tỉ lệ tăng trưởng kinh tế). Hệ số ICO hiện nay của chúng ta rất cao, có thể phải bỏ tới 4-5 đồng đầu tư mới được 1 đồng tăng trưởng. Điều ấy chứng tỏ sử dụng đồng vốn không hiệu quả, về dài hạn chẳng phải là điều tốt.

Nếu có chính sách tốt, chú trọng tới hiệu quả đầu tư, tính toán kỹ lưỡng thì tôi cho rằng tăng trưởng vẫn không giảm sút. Tôi tin người dân không quan tâm nhiều đến tốc độ tăng trưởng mà điều quan trọng nhất đối với họ là chất lượng cuộc sống được cải thiện như thế nào mà thôi.

 

Ý kiến chuyên gia

TS Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM:

Đây là giải pháp tối ưu

Tôi đang theo dõi diễn biến tình hình, vì cho đến thời điểm này vẫn còn sớm để đưa ra nhận xét xác thực nhất. Đây là thời điểm mà Nhà nước tìm mọi giải pháp để kiềm chế lạm phát, trong đó có biện pháp siết chặt tiền tệ, hạn chế lượng tiền lưu thông trên thị trường. Giải pháp này ít nhiều tác động đến các lĩnh vực, các đối tượng nhưng nó vẫn là giải pháp tối ưu trong thời điểm hiện nay. Việc lạm phát gia tăng, giá cả tăng cao sẽ còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người nghèo nên giải pháp này sẽ có lợi cho đối tượng có thu nhập thấp.

PGS-TS Nguyễn Trọng Hoài - Trưởng Khoa Kinh tế Phát triển (ĐH Kinh tế TPHCM):

Doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn

Siết chặt tiền tệ trong bối cảnh hiện nay là hợp lý để chống lạm phát. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn tín dụng cung cấp ra ngoài. Lãi suất tăng cao, người đi vay hạn chế dẫn đến tác động ngắn hạn đối với các doanh nghiệp, chi phí cao dẫn đến đầu tư hạn chế, giá thành sản phẩm tăng, lãi của doanh nghiệp sẽ bị giảm... Việc siết chặt tiền tệ sẽ tác động nhiều đến hầu hết các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng là chứng khoán, BĐS, sản xuất kinh doanh. Về giá, sắp tới sẽ khó có khả năng tăng, cho dù giá thành sản xuất tăng do sức mua đã yếu đi.

NLD

Các tin tức khác

>   Giá cả ở “báo động số 1”? (21/02/2008)

>   Đầu tư vàng: Thắng - bại trong gang tấc (21/02/2008)

>   Hiệu quả đầu tư thấp cũng là thủ phạm của lạm phát (21/02/2008)

>   Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh nhận danh hiệu "Bộ trưởng Tài chính khu vực châu Á năm 2007" (20/02/2008)

>   Ngân hàng ADB sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam lĩnh vực tài chính và phát triển nguồn nhân lực (20/02/2008)

>   ADB sẽ dành tới 1,8 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam (20/02/2008)

>   Khánh Hoà: Các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi VND (20/02/2008)

>   Chỉ hạn chế, không có chuyện ngừng cho vay (20/02/2008)

>   Seabank ban hành “siêu lãi suất”: 12%/năm (20/02/2008)

>   Công ty nước ngoài đầu tiên tư vấn bảo hiểm cho DN quốc doanh (20/02/2008)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật