ADB sẽ dành tới 1,8 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á Haruhiko Kuroda khẳng định ADB sẽ dành tới 1,8 tỷ USD trong những năm tới nhằm giúp Việt Nam thực hiện các dự án Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS).
“Tổng số tiền cho vay và viện trợ cần thiết để thực hiện các dự án này sẽ được xác định thông qua những nghiên cứu khả thi cụ thể. Chúng tôi dự trù mức viện trợ cho Việt Nam trong một vài năm tới sẽ vào khoảng từ 1,3 đến 1,8 tỷ USD,” Chủ tịch Kuroda, hiện đang trong chuyến thăm ba ngày tại Việt Nam kể từ 19/2, nói.
Theo ông Kuroda, các dự án GMS nằm trong khoản cho vay và chương trình tài trợ của ADB dành cho Việt Nam giai đoạn 2008-2010, tập trung vào một số lĩnh vực như du lịch, môi trường, y tế, giao thông và cấp nước.
Trong năm 2007, trong số 34 dự án đầu tư do ADB hỗ trợ cho Tiểu vùng Mê Công mở rộng với tổng vốn hỗ trợ là 9,9 tỷ USD, Việt Nam đã tham gia vào 9 dự án với số vốn hỗ trợ từ ADB là 2,2 tỷ USD.
Trong số các dự án này phải kể đến dự án Nâng cấp Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Phnôm Pênh; dự án Hành lang Giao thông Đông-Tây; dự án Phát triển Du lịch Tiểu vùng Mê Công mở rộng (với Lào và Campuchia); Dự án Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm ở các vùng biên giới thuộc Tiểu vùng Mê Công mở rộng; dự án Hành lang Duyên hải Phía Nam; và dự án cao tốc Hà Nội-Lào Cai.
Chủ tịch ADB Kuroda còn nhấn mạnh đến vai trò quan trọng và nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các chiến lược của GMS. Ông nói: “Việt Nam là thành tố chủ chốt trong việc chuyển đổi các hành lang “giao thông” GMS thành các hành lang “kinh tế” chính thức, thông qua việc thực thi sớm các biện pháp xúc tiến giao thông và thương mại - những biện pháp nhằm cải thiện tính cạnh tranh của khu vực”.
Với những nỗ lực hợp tác khu vực, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả cụ thể, ông Kuroda khẳng định và dẫn chứng, từ năm 1992 đến 2006, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thuộc khu vực Mê Công - Campuchia, Trung Quốc, Lào, Mianma và Thái Lan - đã tăng trung bình thêm 24% mỗi năm và thị phần của Việt Nam trong tổng lượng hàng xuất khẩu đã tăng từ 6.5 lên 8.8%.
“Trong cùng thời kỳ này, tỷ suất độ mở, được xác định bằng tỷ lệ tổng giá trị thương mại trên tổng sản phẩm quốc nội, đã tăng hơn hai lần từ 50% lên 135%, thể hiện sự hội nhập thương mại ngày một tăng của Việt Nam với khu vực và thế giới,” ông Kuroda nói.
ttxvn
|