Hiệu quả đầu tư thấp cũng là thủ phạm của lạm phát
Vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nhưng đó là nói về đầu tư có hiệu quả. Còn nếu đầu tư không có hiệu quả, thì chẳng những tăng trưởng kinh tế phải tốn nhiều vốn đầu tư hơn, mà còn gây ra lạm phát, xét trên nhiều mặt lạm phát do "chi phí đẩy" và lạm phát do "cầu kéo".
Bản thân vốn đầu tư sẽ làm cho lạm phát "cầu kéo"; còn đầu tư kém hiệu quả sẽ làm cho lạm phát do "chi phí đẩy". Lạm phát do quan hệ cung - cầu, quan hệ tiền - hàng mất cân đối thường có bề nổi, dễ nhận thấy, nhưng lạm phát do đầu tư không có hiệu quả thì thường là lạm phát ngầm, lúc đầu rất khó nhận thấy, nhưng khi nó bộc phát thì rất cao, rất khó trị và việc trị nó thường phải kèm theo cái giá phải trả không nhỏ, thậm chí còn có thể rơi vào cuộc khủng hoảng. Có nhiều dẫn chứng về mặt này, ở đây chỉ xin nêu ra hai dẫn chứng. Cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội với ba biểu hiện chủ yếu là: nền kinh tế đã thiếu hụt lại tăng trưởng thấp (không cao hơn bao nhiêu tốc độ tăng dân số - tức là GDP bình quân đầu người vốn đã thấp, lại tăng rất chậm), lạm phát "phi mã" (lên tới 3 chữ số), thất nghiệp cao (lên tới 2 chữ số), cách đây vài chục năm bộc phát ra, nhưng đã tiềm ẩn vào những năm cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do đầu tư tăng cao nhưng lại kém hiệu quả. Nước Mỹ khổng lồ như vậy, khi lãi suất xuống thấp, việc đua nhau vay thế chấp nhà cửa dưới chuẩn, khi lãi suất tăng trở lại đã gây ra cuộc khủng hoảng nhà đất, kéo theo khủng hoảng tài chính; mặc dù nước Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp, nhưng thị trường nhà cửa vẫn chưa hồi phục, trái lại nước Mỹ còn đứng trước nguy cơ suy thoái, nay hạ lãi suất nhưng vẫn chưa chặn được, lại còn đứng trước nguy cơ lạm phát.
Vì vậy, khi truy tìm thủ phạm, xác định nguyên nhân, cũng như tìm giải pháp chống lạm phát, ngoài những yếu tố trực tiếp, có tính bề nổi, còn phải tìm ở yếu tố ngầm, yếu tố sâu xa, đó là hiệu quả đầu tư. Hiệu quả đầu tư được biểu hiện chủ yếu ở chỉ tiêu: một đồng vốn đầu tư đã tạo ra được bao nhiêu đồng GDP (tức là GDP/vốn đầu tư). GDP/vốn đầu tư qua các năm được thể hiện trong biểu đồ trên.
Một đồng vốn đầu tư năm 2007 đã tạo ra được nhiều đồng GDP hơn ba năm trước đó, hay hiệu quả đầu tư năm 2007 đã có tín hiệu khá hơn ba năm trước đó. Nguyên nhân chủ yếu mà các chuyên gia đưa ra là do tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài năm 2007 cao hơn các năm trước, còn tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực nhà nước giảm. Việc quản lý vốn đầu tư của khu vực nhà nước năm 2007 cũng được thắt chặt hơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, thì về hiệu quả đầu tư của Việt Nam hiện cũng còn những hạn chế, yếu kém. Một, hiệu quả đầu tư năm 2007 thấp hơn các năm từ 2003 trở về trước. Hai, hiệu quả đầu tư của Việt Nam còn thấp hơn nhiều nước. Các nước có tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP chỉ vào khoảng trên dưới 25%, có nghĩa là một đồng vốn đầu tư đã tạo ra được trên dưới 4 đồng GDP, cao gấp rưỡi, gấp đôi của Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu do thiết bị kỹ thuật - công nghệ của Việt Nam còn lạc hậu; chi phí thuê mua mặt bằng sản xuất, kinh doanh cao, chi phí xã hội còn lớn, trình độ quản lý và tay nghề còn thấp; có một lượng vốn không nhỏ bị chôn vào vàng, đất đai hoặc chạy lòng vòng trên các thị trường mà không đầu tư trực tiếp cho tăng trưởng sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. Ba, hiệu quả đầu tư của khu vực nhà nước còn rất thấp, thấp hơn khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2007, một đồng vốn đầu tư của khu vực nhà nước chỉ tạo ra được 2,1 đồng GDP), trong khi tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực nhà nước năm 2007 vẫn còn chiếm tới 43,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nguyên nhân chủ yếu do khu vực này còn để thất thoát, lãng phí chiếm tỷ trọng lớn; do bị co kéo nên phân tán, dàn trải, thi công chậm... Bốn, theo chỉ tiêu kế hoạch năm 2008, thì hiệu quả đầu tư còn thấp hơn năm 2007. Năm 2008, tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP đưa lên 42%, cao hơn so với tỷ lệ 40,4% của năm 2007, nên 1 đồng vốn đầu tư chỉ tạo ra được 2,38 đồng GDP, thấp hơn mức 2,48 đồng của năm 2007. Điều đó đặt ra hai vấn đề: hoặc là GDP phải tăng trưởng cao hơn mục tiêu (8,5-9%), hoặc là đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng tốn ít vốn đầu tư hơn kế hoạch, nếu không sẽ tạo ra áp lực lạm phát (cả lạm phát "chi phí đẩy" và cả lạm phát "cầu kéo"). Muốn vậy, cần tăng trưởng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đổi mới mạnh mẽ hơn cơ chế đầu tư, quản lý chặt chẽ hơn nguồn vốn đầu tư của khu vực nhà nước, nhất là nguồn từ ngân sách; kéo giá đất xuống; kéo giá vật liệu xây dựng và các chi phí khác liên quan đến đầu tư xây dựng xuống; đẩy nhanh tiến độ thi công; lựa chọn kỹ thuật - công nghệ cao, công nghệ nguồn để nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh...
Tn
|