Xuất khẩu cuối năm: Nhiều mặt hàng chủ lực gặp khó
Các chuyên gia của Bộ Thương mại cảnh báo xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực trong những tháng cuối năm có những thuận lợi về giá cả và thị trường nhưng cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Nguy cơ không đạt mục tiêu xuất khẩu dệt may
Dệt may là ngành hàng xuất khẩu chủ lực và kỳ vọng có khả năng gia tăng kim ngạch lớn. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng dệt may trong những tháng cuối năm nay vẫn phải đối mặt với nguy cơ giảm kim ngạch khiến mục tiêu xuất khẩu 7,3 tỷ USD của ngành dệt may trong năm nay sẽ khó đạt được.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp dệt may, các hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ thực hiện trong quý 3 nhìn chung giảm mạnh do các doanh nghiệp nhập khẩu e ngại trước cơ chế giám sát hàng dệt may của Hoa Kỳ lên hàng dệt may Việt Nam chính thức được áp dụng từ tháng 5/2007. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 58,5% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước trong 6 tháng đầu năm. Vì thế, các đơn hàng dài hạn ở thị trường EU, Nhật Bản... cũng khó có thể bù lấp khoảng trống thị trường nếu các doanh nghiệp dệt may không đẩy mạnh khai phá những thị trường mới.
Hiện nay, ngành dệt may chủ yếu phải nhập khẩu nguyên liệu, trong khi đó, dự báo, giá nguyên vật liệu trong hàng dệt may có xu hướng tăng trong thời gian tới. Sản phẩm dệt may xuất khẩu bị đội giá lên cùng với chi phí vận chuyển thuộc hàng đắt nhất trên thế giới cũng là một nguyên nhân khiến giá hàng xuất khẩu tăng, giảm năng lực cạnh tranh. Đây là thách thức lớn đối với dệt may Việt Nam khi phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Ấn Độ trên thị trường thế giới.
Thuỷ sản: Khó giải bài toán nguyên liệu và chất lượng
Xuất khẩu thủy sản tuy được dự báo là vẫn tiếp tục tăng trưởng cao và có thể đạt mục tiêu xuất khẩu cả năm theo dự kiến 3,6 tỷ USD, song vấn đề "nóng" đặt ra đối với mặt hàng này là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc thủy sản xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua bị một số nước nhập khẩu phát hiện dư lượng hoá chất cao hơn quy định, vi phạm quy định về ghi nhãn mác sản phẩm… ở một số lô hàng, có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản thời gian tới.
Do thiếu nguồn nguyên liệu trong nước, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản phục vụ xuất khẩu sẽ phải nhập khẩu nguyên liệu, càng khiến cho việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu trở nên khó khăn hơn, đồng thời cũng làm tăng chi phí đầu vào.
Cũng phải kể đến những trở ngại lớn đối với sự phát triển xuất khẩu thủy sản hiện nay vẫn là năng lực quản lý còn hạn chế, thiếu quy hoạch phát triển mang tính tổng thể dẫn đến tình trạng nuôi trồng khai thác một cách tràn lan, suy thoái môi trường nghiêm trọng, chưa xây dựng thương hiệu có giá trị cho ngành.
Nông sản chủ lực: Cung không đủ cầu
Các chuyên gia thương mại dự báo xuất khẩu nông sản trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục thuận lợi về giá cả và thị trường. Giá cà phê sẽ tăng trở lại do 2 vụ động đất mới đây ở đảo Sumatra của Inđônêxia - nước sản xuất cà phê vối lớn thứ 2 thế giới sau Việt Nam, sẽ ảnh hưởng tới sản lượng cà phê của nước này, khiến lượng cung trên thị trường giảm, đẩy giá cà phê tăng lên. Như vậy, xuất khẩu cà phê trong cuối năm sẽ được giá cao hơn.
Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê lại rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn hàng do đã tập trung xuất khẩu quá nhiều vào các quý trước. Thời gian tới, nguồn cà phê cung ứng cho xuất khẩu sẽ không thể dồi dào cho đến tận cuối năm, khi có vụ thu hoạch mới.
Cùng với cà phê, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam cũng sẽ có khả năng tăng về kim ngạch do giá gạo thế giới vẫn đang ở mức cao, nhưng sản lượng xuất khẩu lại giảm do nguồn cung trong nước bị hạn chế.
TTXVN
|