Thứ Tư, 18/07/2007 09:13

Nhà máy khí điện Cà Mau và nhiệt điện Uông Bí đi vào vận hành: Bình ổn “cơn khát” điện

Mặc dù EVN đưa ra dự báo có thể thiếu 1.000 MW/ngày trong đợt ngừng cung cấp khí Nam Côn Sơn, song kể từ 9/7 (thời điểm đường khí Nam Côn Sơn cắt để bảo dưỡng) đến nay, lượng điện cung ứng trên toàn hệ thống trung bình mỗi ngày chỉ thiếu khoảng 400 MW. Có được sự ổn định trên là do nguồn điện từ nhà máy khí điện Cà Mau và nhiệt điện Uông Bí mở rộng chính thức đi vào vận hành. DĐDN đã có cuộc PV ông Phạm Hùng - TGĐ LILAMA (đơn vị tổng thầu – EPC) xung quanh hai dự án này.

- Tình trạng thiếu điện trong mùa khô đã được EVN cảnh báo. Đáng chú ý là một trong những nguyên nhân mà EVN đưa ra là vì hai nhà máy Uông Bí mở rộng và Cà Mau không kịp tiến độ. Nhưng hai nhà máy trên vẫn được vận hành. Với tư cách tổng thầu, ông có thể cho biết lý do?

Trên thực tế, chúng tôi đã được thông báo trước về nguy cơ thiếu điện do ngừng cung cấp khí Nam Côn Sơn. Chính vì vậy, lãnh đạo LILAMA đã có những biện pháp chỉ đạo, khắc phục khó khăn đẩy mạnh tiến độ để hoàn thiện và chính thức bàn giao hai nhà máy vào tháng 6/2007. Phải khẳng định rằng có được kết quả này là sự cố gắng rất lớn, sự phối hợp toàn diện giữa chủ đầu tư EVN và tổng thầu LILAMA. Tới tháng 6/2007 2 tổ máy của nhà máy khí điện Cà Mau đã chính thức chạy khí, bàn giao và đăng ký lưới điện A0, A2 của Trung tâm điều độ lưới điện quốc gia.

Hiện nay, nhà máy khí điện Cà Mau đã được Lilama bàn giao cho chủ đầu tư và đang chạy ổn định ở mức công suất 500 MW. Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng cũng đã phát điện lúc cao nhất lên đến 312 MW, vượt công suất thiết kế 12 MW với lò hơi được đốt 100% than. Theo yêu cầu của EVN, nhà máy hiện đang cung ứng điện lên lưới với công suất từ 250 MW đến 300 MW. Như vậy, hai nhà máy khí điện Cà Mau và nhiệt điện Uông Bí mở rộng đã cung ứng ổn định cho lưới điện quốc gia 800 MW, góp phần cung ứng điện ổn định cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Chính vì thế, tuy vẫn phải tiết giảm 1 - 2 tiếng đồng hồ vào ban ngày (khoảng 10-11h sáng) do hụt trung bình 400 MW/ngày trên toàn hệ thống, song sự thiếu hụt này là không đáng kể.

- Như vậy, hai nhà máy Cà Mau và Uông Bí đã được bàn giao và vận hành ổn định. Tuy nhiên thời gian thi công hai nhà máy này vẫn dài hơn dự định, nguyên nhân chính do đâu, thưa ông?

Đúng là chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện hai công trình này, và cho đến thời điểm này, phải nói rằng LILAMA đã cố gắng đến 200% đưa hai nhà máy vào hoạt động. Đối với nhà máy khí điện Cà Mau, do được đặt trên nền đất yếu nên công đoạn xử lý nền mất khá nhiều thời gian. Ngoài ra, thời tiết tại khu vực này cũng gây không ít khó khăn trong việc thi công. Liên tục các tháng 9,10,11 trời mưa lớn bất thường và kéo dài buộc chúng tôi phải thi công trong mưa. Ngay cả công đoạn lắp tổ máy turbin khí của nhà máy cũng phải thực hiện dưới mưa.

Với dự án Uông Bí mở rộng, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn vì đây là nhà máy sử dụng công nghệ đốt than là một công nghệ rất khó. Mặt khác tại dự án này, chúng tôi phải thi công trên mặt bằng chật hẹp, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, có khi bị “tắc” tới 6-7 tháng trời. Phải nhờ tới chính quyền can thiệp mới thực hiện được. Ngoài ra, một nguyên nhân khác cũng khiến việc thi công kéo dài, đó là do những thông tin thất thiệt về dự án. Chính những thông tin này khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi làm việc với các nhà thầu phụ, ngân hàng... Những điều đáng tiếc này đã khiến công việc bị đình trệ và kéo dài. Rất may là cuối cùng những thông tin về LILAMA đã được làm rõ. Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định LILAMA đã làm đúng các quy định của Nhà nước trong đầu tư, mua sắm thiết bị... Nhờ vậy, chúng tôi đã xốc lại tinh thần và tiếp tục vượt qua những khó khăn để hoàn thành công việc.

- Mới đây có thông tin về việc dự án Uông Bí II có thể sẽ phải mở thầu quốc tế do EVN và LILAMA không thoả thuận được về giá. Ông có thể nói rõ hơn về chuyện này?

Kể từ khi có quyết định của Chính phủ về việc thực hiện dự án Uông Bí II đến nay đã gần 2 năm, trong thời gian ấy, các yếu tố đầu vào đã tăng lên khá nhiều so với thời điểm đó. Và cho đến nay LI LAMA đã thực hiện chào giá với EVN đến lần thứ 3, tuy nhiên hai bên vẫn chưa thoả thuận được. Theo yêu cầu của EVN thì thiết bị của Uông Bí II phải sử dụng của các nước thuộc khối G7, G8. Tuy nhiên giá các loại thiết bị này đã tăng tới 30-40% so với trước đây khiến giá thành bị đội lên rất nhiều. Chính vì thế chúng tôi đã đề nghị phương án sử dụng thiết bị do các nước G7, G8 thiết kế và giám sát nhưng có thể được chế tạo ngoài G7, G8. Tuy nhiên, phương án này chưa được chấp thuận.

Về việc mở thầu quốc tế cho dự án Uông Bí II, chúng tôi có thể khẳng định rằng để các nhà thầu khác đạt được mức giá như LILAMA đưa ra kèm theo điều kiện về chất lượng tương đương là không dễ. Chúng tôi cũng sẵn sàng tham gia đấu thầu với các nhà thầu khác.

- Nếu EVN mở thầu quốc tế, ông có tin vào khả năng trúng thầu của LILAMA?

Tất nhiên là tôi tin. Vì với kinh nghiệm và đội ngũ cán bộ đã được đào tạo thời gian qua cùng các công trình lớn. Hơn nữa mức giá mà chúng tôi đưa ra là rất hợp lý, tôi tin vào khả năng thắng thầu của LILAMA.

DĐDN

Các tin tức khác

>   Thừa Thiên-Huế: Tiến độ các dự án ODA chậm (18/07/2007)

>   GPMB thi công công trình cải tạo, nâng cấp đường sắt (18/07/2007)

>   Kinh doanh khí đốt hoá lỏng phải theo quy hoạch (18/07/2007)

>   FCG Việt Nam trở thành đối tác chiến lược của SAP (18/07/2007)

>   Rau củ Trung Quốc nhập khẩu chiếm tỷ trọng 81,5% (18/07/2007)

>   Argentina áp thuế chống bán phá giá đối với nan hoa nhập từ Việt Nam (18/07/2007)

>   Bình chọn 100 thương hiệu hàng đầu VN (18/07/2007)

>   Úc quan tâm mạnh mẽ đến đầu tư vào Việt Nam (18/07/2007)

>   Bóng đèn Điện Quang vào thị trường Ấn Độ (17/07/2007)

>   Cần Thơ xuất khẩu gạo sang nhiều thị trường mới (17/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật