Cần có chế định về khiếu kiện tập thể
Ngày 17-7, tại TPHCM, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Thương mại đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) (thay thế Nghị định số 69/2001/NĐ-CP)
Xử lý còn quá nhẹ
Nhiều đại biểu bức xúc trước thực trạng hàng hóa kém chất lượng và không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm bị NTD phản ứng đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng sau đó lại “im hơi lặng tiếng” do xử lý quá nhẹ, không có tác dụng răn đe. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, việc bảo vệ quyền lợi NTD đến đâu còn phụ thuộc rất nhiều vào mối quan tâm của các doanh nghiệp (DN). Chẳng hạn vụ xăng pha aceton.
Có thể nói đây là trường hợp duy nhất chỉ xảy ra ở VN. Vụ việc gây bức xúc cho hầu hết NTD. DN nước ngoài cung cấp xăng đã nhận lỗi nhưng vì sao bị lẫn aceton vào trong xăng thì họ không giải thích nổi. DN trong nước đã làm rõ là họ không lừa NTD nhưng vẫn phải có trách nhiệm với NTD bằng cách giải quyết những khiếu nại của NTD. Mới đây nhất là vụ nước tương có chứa 3-MCPD, nguy hại là thế, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức thu hồi sản phẩm. Bức xúc trước vụ việc này, một công dân ở TPHCM đã khởi kiện các DN sản xuất nước tương không đạt chuẩn và đòi bồi thường 30 tỉ đồng. Nhưng vụ việc lại rơi vào tình trạng không có chứng cứ nên hồ sơ khiếu kiện không được tòa án thụ lý.
Hội thay mặt NTD để khiếu nại
Nhiều ý kiến cho rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại của DN dường như không được quan tâm, trách nhiệm phối hợp thực thi của các cơ quan chức năng cũng không cụ thể, mạnh ai nấy làm, có kết quả rồi muốn công bố thông tin hay không thì tùy (trong khi đó NTD có quyền được thông tin nhưng vẫn bị bưng bít từ nhiều phía). Thẩm quyền của Hội Bảo vệ quyền lợi NTD còn khá hạn hẹp, nhu cầu của NTD thì nhiều nhưng hội lại quá ít nhân sự thực hiện các khiếu kiện cụ thể.
Trong 1.000 vụ khiếu kiện của NTD cả nước thì Văn phòng Khiếu nại của Hội Bảo vệ Quyền lợi NTD phía Nam giải quyết được 300 vụ, Văn phòng Khiếu nại NTD Kiên Giang hoạt động được đánh giá là mạnh nhất nước cũng chỉ giải quyết được 600 vụ, số còn lại hoạt động gần như cầm chừng. Chính vì vậy, phần lớn NTD trong nước còn chưa biết đến hội để bày tỏ những bức xúc của mình.
Về vấn đề này, theo bà Loan, Hội Bảo vệ Quyền lợi NTD có thể thay mặt cho NTD khiếu nại. Vì khiếu nại của NTD là khiếu nại liên quan đến dân sự nên hội phải được NTD ủy quyền. Cần có chế định rõ về khiếu kiện tập thể để buộc các DN phải quan tâm đến quyền lợi NTD nhiều hơn. Mặt khác, nên mở rộng các hình thức khiếu nại của NTD. Theo đó, NTD có thể khiếu nại qua đơn, email... yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm phối hợp xử lý triệt để, buộc DN phải có trách nhiệm trước xã hội và NTD về những sản phẩm họ đưa ra thị trường.
Bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng Ban Bảo vệ Quyền lợi NTD, Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết đến hết năm 2007, cục sẽ phát triển từ 27 hội bảo vệ quyền lợi NTD trên cả nước lên thành 30 hội. Đồng thời, sẽ đưa lên trang web của Cục Quản lý Cạnh tranh danh sách doanh nghiệp vi phạm.
Cổng thông tin bảo vệ người tiêu dùng
NTD thường có tâm lý tránh những tranh chấp phức tạp, mất nhiều thời gian. Do đó các nước tiên tiến đều đưa ra những cơ chế đệ đơn khiếu nại hết sức linh hoạt và thuận tiện. Hình thức nộp đơn có thể là viết đơn gửi đến văn phòng, gọi tới số điện thoại đường dây nóng, nộp đơn khiếu nại qua trang web của cơ quan bảo vệ quyền lợi NTD... Ở một số nước như Anh, Pháp, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, các cơ quan liên quan còn phối hợp lập cổng thông tin bảo vệ NTD. Cổng thông tin này liên kết với tất cả cơ quan bảo vệ NTD ở địa phương và các bộ, ngành có liên quan. Thông qua cổng điện tử này, NTD có thể tiếp cận tất cả các cơ quan quản lý có liên quan, đồng thời khiếu nại về tất cả các vấn đề khi quyền lợi của mình bị ảnh hưởng.
NLĐ
|