Xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại: Doanh nghiệp chưa yên tâm với dự thảo Nghị định
Những khái niệm khó xác định, những hành vi vi phạm, chế tài thiếu công bằng, thậm chí chồng lấn với các quy định của pháp luật chuyên ngành và đặc biệt là các quy định về thẩm quyền xử phạt của các cơ quan có trách nhiệm không rõ ràng trong Dự thảo lần thứ 5 Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại (Dự thảo) được các doanh nghiệp (DN), luật sư và chuyên gia pháp luật cho rằng sẽ là các rào cản rất lớn cho việc thực hiện quy định này.
Điều đáng nói, theo PGS.TS Trần Đình Hảo, chuyên gia pháp luật thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, những khiếm khuyết này của Dự thảo sẽ không thể đảm bảo được trách nhiệm của Nhà nước là bảo vệ các DN làm ăn chân thực, tuân thủ pháp luật. Hơn thế, những lo ngại về sự lạm dụng, suy diễn thậm chí là nhầm lẫn trong vận dụng của công chức thừa hành công vụ cũng được bắt đầu từ khoảng cách rất lớn giữa quan điểm của các nhà hoạch định chính sách và thực tiễn của các DN hiện nay.
Một trường hợp thực tế được luật sư Đào Nguyên Khải, Văn phòng Luật sư Đào và Đồng nghiệp đưa ra có lẽ là một ví dụ kinh điển. Đó là trường hợp một xe vận tải chở hàng theo hợp đồng bị quản lý thị trường giữ lại. Theo hợp đồng được hai bên ký kết, toàn bộ trách nhiệm pháp lý liên quan đến lô hàng do chủ hàng chịu. Song, phía quản lý thị trường đã không chấp nhận và bắt giữ cả xe và hàng, thậm chí không đồng ý với đề nghị hạ tải cho xe để tránh hỏng hóc…
“Đây là thân chủ của chúng tôi. DN này đã phải chịu đựng vất vả, ăn chực nằm chờ mà không hề được thông báo về việc xác minh, kết quả việc thực hiện xác minh như thế nào… Khi kết luận hàng hoá không sai phạm, DN chỉ thiếu khoản phí lưu thông, chủ DN yêu cầu được nộp ngay để giải phóng hàng và xe thì cũng không được chấp nhận với lý do quy định thời hạn trong Pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính tối đa là 10 ngày”, luật sư Khải thuật lại. “Vấn đề là, các cơ quan đó đã không làm ngay những việc có thể làm ngay được. Và DN chịu khốn khổ bởi các thời hạn quy định thời hạn chung chung như vậy”, ông Khải chia sẻ.
Trong trường hợp này, nếu như các vi phạm của DN có chứng cứ rõ ràng, người vi phạm thừa nhận hành vi vi phạm thì đề xuất được đưa ra là xử lý ngay không cần có thời gian trễ. Khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn, như tạm giữ hàng hoá, phương tiện… thì cũng cần phải quy định cụ thể chủ thể của vi phạm để xử lý, chứ không vì sai phạm của DN này mà buộc DN khác phải chịu lây.
Như vậy, câu hỏi lớn dành cho phía Ban soạn thảo Dự thảo không chỉ là làm rõ hành vi mà xác định chủ thể của hành vi vi phạm để có mức xử phạt hợp lý, đủ sức răn đe. “Đối với hành vi vi phạm hành chính được kể đến thì giám đốc điều hành, doanh nghiệp hay cá nhân người thực thi là đối tượng chịu phạt. Nếu như quy định phạt từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi có lời nói, cử chỉ, hành động, thái độ vi phạm người tiêu dùng khi bán hàng, phục vụ kinh doanh… thì chắc lỗi thuộc về người trực tiếp bán hàng chứ không phải là DN. Nếu phạt DN với mức thấp thế thì cũng không đủ sức răn đe…”, PGS.TS Trần Đình Hảo phân tích.
Trong khi đó, những hành vi được quy định theo kiểu “thông tin thiếu đầy đủ”, “không thực hiện theo quy định”, phạt cảnh cáo với vi phạm hành chính “nhỏ”… được các DN cho là những “bẫy” mà DN dễ dính phải hoặc cũng là “khoảng không” tạo cơ hội cho những người thực thi công vụ và DN làm sai có sự “thoả thuận” gây sai lệch hành vi.
Một điểm đặc biệt trong Dự thảo cũng được các DN phát hiện là sự không công bằng trong xử lý cùng một hành vi đối với các đối tượng khác nhau. Mức phạt dành cho hành vi tự viết thêm, tẩy xoá, sữa chữa nội dung trong các loại giấy tờ thành lập đối với DN trong nước là 1-4 triệu đồng, với văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài là 10-15 triệu đồng, với chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là 15-20 triệu đồng.
Bình luận về vấn đề này, ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thương mại), thành viên Ban soạn thảo Dự thảo đưa ra hai luồng ý kiến khác nhau về việc quy định các hành vi vi phạm. “Có quan điểm cho rằng, quy định càng rõ càng tốt để DN và cơ quan có thẩm quyền thực thi thuận lợi nhất. Nhưng cũng có quan điểm ngược lại là càng quy định rõ càng thiếu và nên chỉ hướng dẫn khái quát”, ông Nam nói. Có vẻ như hai luồng quan điểm này đang được vận dụng song hành, nên Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại vẫn chưa thực sự tạo được sự an tâm của các đối tượng điều chỉnh.
ĐTCK
|