Xếp hạng tín dụng doanh nghiệp: DN niêm yết dẫn đầu
Đầu tháng 7.2007, Trung tâm Thông tin tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước (CIC) vừa công bố kết quả 1 năm thực hiện nghiệp vụ xếp hạng tín dụng DN. Tuy chưa điều tra được toàn bộ DN, nhưng kết quả phân tích, xếp hạng bước đầu cũng cho thấy năng lực hoạt động của một số loại hình DN VN.
DN niêm yết hoạt động hiệu quả nhất
Theo yêu cầu UBCKNN, năm 2006 CIC đã thực hiện phân tích, xếp hạng 72 DN đang niêm yết trên TTCK theo các chỉ số hoạt động trong 2 năm 2004 và 2005. Nhìn chung, các DN (93%) được niêm yết có chỉ số xếp hạng khá tốt (từ BBB đến AAA), tình hình hoạt động khả quan.
Chỉ có 5 DN xếp hạng trung bình khá (từ BB đến CCC) trở xuống. Tính theo thành phần kinh tế đối với các DN niêm yết thì mức độ tốt của các DN theo thứ tự là: DN có vốn đầu tư nước ngoài, Cty TNHH và Cty cổ phần, DNNN. Điều đáng chú ý là mức độ xếp hạng khá tốt của các DN niêm yết trên TTCK năm sau cao hơn năm trước.
Theo CIC thì với tốc độ tăng trưởng của TTCK VN như hiện nay, tính minh bạch về thông tin DN ngày càng trở nên cấp bách. Hiện chưa có một tổ chức chính thức nào thực hiện cung cấp thông tin về các DN phát hành CP (cả DN phát hành trên OTC). Nếu có được các thông tin cơ bản về tình hình tài chính và tình hình hoạt động của DN, NĐT sẽ có thông tin để phân tích kỹ lưỡng hơn, hạn chế được rủi ro.
DN dịch vụ, công nghiệp năng lượng và chế biến: Xếp hạng cao
Kết quả xếp hạng DN của 8 ngành kinh tế cho thấy tỉ lệ DN hoạt động trong ngành dịch vụ, công nghiệp năng lượng và chế biến sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp được xếp hạng khá tốt chiếm tỉ lệ cao nhất trong 8 ngành kinh tế, tương ứng với thang xếp hạng BBB, AA và AAA là 39%, 38% và 37%. Ngành xây dựng có tỉ lệ thấp nhất là 20,5%. Các ngành còn lại có tỉ lệ xếp hạng khá tốt khoảng 31%. Ngành CN chế bến sản phẩm tiêu dùng có tỉ lệ DN tối ưu (AAA) cao nhất (4,43%).
DN xây dựng và GTVT: Vay nợ và chiếm dụng vốn nhiều nhất
Khả năng tạo ra lợi nhuận của các TCty thuộc Bộ Xây dựng và Bộ GTVT khá thấp (84% các TCT có lợi tức sau thuế chiếm dưới 3% doanh thu). Khả năng tạo ra doanh thu từ 1 đồng tài sản của nhiều TCty thấp. 60% TCty có hệ số sử dụng tài sản <1 (1 đồng tài sản chưa tạo ra được 1 đồng doanh thu).
Đánh giá về hiệu quả và rủi ro khi đầu tư cho các TCty cho thấy các DN thuộc 2 bộ nêu trên vay nợ NH và chiếm dụng vốn của bạn hàng nhiều, thể hiện ở các chỉ tiêu nợ phải trả trên nguồn vốn chủ sở hữu lớn. Trong khi đó việc thu nợ của các DN lại kém. 65% DN có số ngày thu tiền kéo dài từ 150 ngày trở lên. Phần lớn nợ tồn đọng của các NH hiện nay nằm trong nợ cho vay các DN xây lắp và giao thông.
Phương pháp thực hiện việc xếp hạng và các chỉ tiêu được dùng để xếp hạng tín dụng dựa trên bảng cân đối kế toán, bảng kết quả hoạt động kinh doanh, thông tin tín dụng (hồ sơ pháp lý, thông tin về tài chính, dư nợ tín dụng...) của các DN. CIC có tham khảo các chỉ số kinh tế ngành và các thông tin phi tài chính của DN.
Nội dung đánh giá chủ yếu trên các mặt: Tình hình vay nợ, hiệu quả hoạt động, khả năng thu nợ, hiệu quả sử dụng tài sản... Mức xếp hạng từ thấp đến cao là C, CC, CCC, B, BB, BBB, A, AA, AAA. DN được xếp hạng khá tốt (từ BBB đến AAA). DN được xếp hạng trung bình trở xuống (từ BB đến CCC). Hạng tối ưu là (AAA).
Thời gian tới CIC sẽ tiếp tục mở rộng xếp hạng các DN niêm yết trên TTCK, xếp hạng 20 DN lớn trong ngành thuỷ sản, 20 DN lớn trong ngành caosu và một số sản phẩm xếp hạng tổng hợp khác đối với các DN thuộc các ngành mũi nhọn của nền kinh tế.
LĐ
|