Thứ Sáu, 20/07/2007 17:13

Ngân hàng ngoại chần chừ trước 'mâm cỗ' nội

Phong trào bán cổ phần ngân hàng cho đối tác nước ngoài, rộ lên 1-2 năm trước, nay bỗng lắng xuống lạ thường. 7 tháng đầu năm mới có một thương vụ thành công, nhiều trường hợp từng thỏa thuận nâng tỷ lệ sở hữu nay cũng ít thấy nhắc lại.

Southern Bank bán 10% cổ phần đầu tiên cho Ngân hàng UOB của Singapore hồi tháng 1 được xem là thương vụ mở hàng cho năm nay. Gần 6 tháng sau, mới có thêm cuộc đính ước giữa Habubank và ngân hàng Đức Deutsche Bank, song thỏa thuận mua bán chính thức vẫn chờ thời gian ký kết.

Một quan chức Ngân hàng Nhà nước xác nhận, mỗi khi có ý định tham gia thị trường nội địa, các ngân hàng ngoại đều gặp gỡ, trao đổi hay báo cáo với Ngân hàng Nhà nước. Nhưng nếu như trước đây họ thường xuyên liên lạc thì một, hai tháng gần đây bỗng ít hẳn. Từ đầu năm tới nay, đã chững lại các hình thức ký kết mua cổ phần trong nước và hiện tại, chưa có thêm đề nghị chính thức nào.

Trong các thỏa thuận mua vốn trước đây, giữa Standard Chartered với ACB, hay Deutsche Bank - Habubank, OCBC-VPBank và cả UOB-Southern Bank, đều ghi rõ đối tác chiến lược sẽ nâng vốn lên kịch trần khi Nhà nước cho phép. Tuy nhiên, theo vị quan chức trên, ngoài HSBC, chưa có trường hợp nào liên hệ lại với Ngân hàng Nhà nước để đề cập đến chuyện mua thêm, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 69 hồi tháng 4, cho phép nâng room với đối tác chiến lược nước ngoài từ mức 10% lên 15%.

Trên thực tế, chưa đánh tiếng với cơ quan quản lý, song giữa những cặp đã có tình ý với nhau thỉnh thoảng vẫn trao đổi qua lại. Ông Lưu Đức Khánh, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) cho hay, đơn vị này đang trong quá trình đàm phán với 4 đối tác ngoại và mọi chuyện sẽ ngã ngũ chậm nhất vào quý 4.

Eximbank - Ngân hàng cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam, đã công bố kế hoạch gọi vốn ngoại từ năm ngoái. Tổng giám đốc Phạm Văn Thiệt cho hay trong năm nay sẽ hoàn tất đàm phán để tiến tới bán 15% vốn điều lệ (tương đương nửa triệu cổ phần) cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) Lý Xuân Hải cho biết tỷ lệ nắm giữ của cổ đông nước ngoài trong ACB đã chạm trần 30%. Với quy định hiện nay, ACB không được phép bán tiếp, dù đối tác nước ngoài vẫn dạm hỏi mua thêm.

Giới kinh doanh ngân hàng thừa nhận hạn mức đầu tư là một lý do khiến các đối tác nước ngoài phải cân nhắc, dù vẫn rất muốn mua thêm cổ phần. Trong 4 đối tác dạm hỏi An Bình, có trường hợp muốn ngân hàng cam kết bán tới 30% vốn khi Chính phủ cho phép nâng thêm. "Tuy nhiên, đến khi nào tìm được đối tác thật sự tốt, An Bình mới chấp nhận điều khoản trên", Tổng giám đốc Lưu Đức Khánh tiết lộ.

Trước khi Chính phủ ban thành Nghị định 69, các ngân hàng nước ngoài kỳ vọng hạn mức tối đa dành cho nhà đầu tư chiến lược phải là 30% và tổng room trong một ngân hàng nội địa là 49%. Theo họ, mức góp vốn như vậy mới đủ để họ thâm nhập sâu và phát triển.

Nay room dành cho đối tác chiến lược chỉ là 15%, trường hợp đặc biệt được Chính phủ phê duyệt mới là 20%, và tổng mức dành cho các nhà đầu tư ngoại trong một ngân hàng vẫn giữ 30%. Trong khi đó, kể từ 1/4, các ngân hàng nước ngoài được phép thành lập ngân hàng con 100% vốn ở Việt Nam.

Ông Dominic Scriven, Giám đốc quỹ đầu tư Dragon Capital - hiện sở hữu cổ phần của nhiều ngân hàng trong nước, lý giải việc các ngân hàng nước ngoài đang chần chừ có thể do họ cân nhắc lựa chọn cách thức tham gia thị trường cho phù hợp với bối cảnh mới, nên tiếp tục mua thêm cổ phần hay tự lập ngân hàng con để phát triển mạng lưới của riêng mình.

Theo ông, việc các ngân hàng nước ngoài mua cổ phần ngân hàng trong nước thời gian qua chỉ là bước dạm hỏi ban đầu. Nay đã đến lúc nhìn nhận lại xem có nên đầu tư thêm hay dừng lại ở mức như hiện tại. "Các ngân hàng nước ngoài cũng cần thời gian để xác định mô hình hợp tác mới cho cả hai bên, nếu có thiện chí hợp tác tiếp. Đây không phải là chuyện dễ dàng", ông nói.

Một yếu tố quan trọng khiến các ngân hàng nước ngoài phải cân nhắc, theo ông Dominic, chính là thị giá ngân hàng nội địa thời gian qua tăng cao. "Giá trị của ngân hàng trong nước cuối năm ngoái và đầu năm nay quá cao. Dragon Capital, dù có khả năng hay không cũng không tham gia cùng họ với mức giá như vậy".

HSBC là trường hợp ngân hàng nước ngoài đầu tiên và duy nhất nâng tỷ lệ sở hữu vốn chiến lược, kể từ khi có quy định mới của Chính phủ. Hơn một năm trước, để mua 10% trong tổng số 580 tỷ đồng (tương đương 36,7 triệu USD theo tỷ giá lúc đó) vốn điều lệ của Techcombank, HSBC chấp nhận bỏ tới 17,6 triệu USD. Nhưng đến đầu tháng này, HSBC chỉ chi 16,4 triệu USD để mua thêm 5% số vốn mới của Techcombank (1.500 tỷ đồng, tương đương 93,1 triệu USD), dù thị giá cổ phiếu của ngân hàng này đã tăng vùn vụt trong nửa đầu năm nay.

VnExpress

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp xin xuất khẩu vàng miếng: Ngân hàng Nhà nước chưa hồi âm (20/07/2007)

>   Giá vàng thế giới tăng chậm (20/07/2007)

>   “Huy động vốn cần chú trọng trong nước” (20/07/2007)

>   Sacombank và Sacomreal trở thành đối tác đầu tư mới của Hữu Liên Á Châu (20/07/2007)

>   Lập ngân hàng mới: Con đường không bằng phẳng (20/07/2007)

>   “Không phụ thuộc vào HSBC” (19/07/2007)

>   ECB sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất (19/07/2007)

>   USD mất giá, chỉ số Dow Jones liên tục tạo kỷ lục mới (19/07/2007)

>   Đồng euro đang tăng giá nhanh trước dự đoán ECB có thể tăng lãi suất (19/07/2007)

>   Giá vàng lại tăng cao (19/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật