Thứ Năm, 19/07/2007 18:38

“Không phụ thuộc vào HSBC”

Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) vừa tăng vốn đầu tư vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương (Techcombank).

Sau khi tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần trong Techcombank từ 10% lên 15%, với tổng giá trị ước tính 33,7 triệu USD (tương đương 539,4 tỷ đồng), HSBC đã trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên được phép nắm giữ 15% vốn đầu tư chiến lược trong ngân hàng cổ phần nội địa.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank, việc tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần sẽ giúp HSBC có một tiếng nói lớn hơn trong những quyết định kinh doanh của Tecombank, nhưng điều đó không có nghĩa rằng HSBC sẽ có vai trò chi phối.

Xin ông cho biết những thỏa thuận hợp tác cụ thể của Techcombank và HSBC, sau khi HSBC tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần?

Ngay từ thỏa thuận đầu tiên cho phép HSBC giữ 10% cổ phần thì Techcombank và HSBC đã có nhiều cam kết hợp tác về hỗ trợ kỹ thuật. Sau khi Techcombank cùng HSBC thoả thuận nâng tiếp sự tham gia vốn lên 15% thì việc hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật giữa hai bên đã được tăng cường lên nhiều.

Sự hợp tác sẽ diễn ra trong vòng 5 năm với nhiều nội dung, trong đó nội dung chủ yếu là Techcombank sẽ sử dụng các kinh nghiệm, kỹ năng, mạng lưới hoạt động của HSBC để hỗ trợ dưới nhiều hình thức khác nhau như huấn luyện đào tạo, chuyên gia tư vấn và biệt phái các cán bộ điều hành ở các cấp để thực hiện các chiến lược ưu tiên. Sau một giai đoạn chuẩn bị, các hoạt động hợp tác sẽ được đẩy mạnh trong năm 2007 này.

Tại sao Techcombank lại chọn HSBC làm đối tác?

Trong xu thế phát triển của ngành ngân hàng nói chung, Techcombank xác định hợp tác với một ngân hàng có kinh nghiệm quốc tế là một trong những mục tiêu quan trọng để phát triển và tạo cơ hội củng cố vị thế của mình ở trong nước.

Trên thế giới có nhiều ngân hàng tốt và hầu như các ngân hàng hàng đầu có tiếng tăm trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam. Sự lựa chọn được thực hiện thông qua quá trình đàm phán, thoả thuận và đạt được sự chia sẻ nhiều nhất.

HSBC nằm trong số vài ngân hàng có quy mô hoạt động lớn nhất thế giới ở khía cạnh tài sản, vốn, kinh nghiệm, hoạt động hiệu quả. Đây là một trong số những ngân hàng hàng đầu và họ có bề dày hoạt động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Họ là một ngân hàng Anh nhưng được thành lập ở Hồng Kông, Thượng Hải và mảng thị trường châu Á của họ hoạt động rất mạnh. HSBC có mặt ở 14 thị trường châu Á.

Thực tế, việc hợp tác với các ngân hàng nước ngoài rất quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định duy nhất đối với sự phát triển của ngành ngân hàng Việt Nam. Đối với mỗi ngân hàng, chủ trương về phát triển nội lực là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Khi có một đối tác chiến lược mà chúng ta không có một bộ máy, một hệ thống chiến lược tốt thì cũng không thể tận dụng được sự hỗ trợ của đối tác chiến lược đó. Việc "tận dụng" đối tác chiến lược chỉ mang lại hiệu quả, khi bản thân các doanh nghiệp nói chung, các ngân hàng nói riêng - trong đó có Techcombank - có sự chuẩn bị chu đáo.

Chúng ta không phải tìm đối tác chiến lược để họ quản lý, chỉ bảo từ đầu cho chúng ta. Những đối tác đó đến Việt Nam mang theo những giá trị mới, đó là những kinh nghiệm và kỹ năng quốc tế, nhưng họ không thể thay thế được chúng ta với những hiểu biết về thị trường.

Bản thân các đối tác chiến lược nước ngoài khi tham gia hợp tác với các ngân hàng Việt Nam, họ cũng có nhiều lợi ích nhất định. Ngoài lợi ích là một nhà đầu tư, họ có thể nhanh chóng tiếp cận với thị trường, có hiểu biết về thị trường và điều đó phục vụ trở lại cho họ.

 Về phía HSBC, tôi nghĩ họ cũng xác định rõ đó là lợi ích song phương và những gì họ nhận được trong quá trình hoạt động tại Techcombank cũng giúp ích cho chính họ ở khu vực và những chi nhánh của họ tại Việt Nam.

Khi đối tác chiến lược nắm một số lượng cổ phần nhất định, họ có thể chi phối hoạt động của ngân hàng. Vậy khả năng chi phối của HSBC đối với Techcombank như thế nào?

Yếu tố chi phối liên quan đến pháp lý nhiều hơn. Ở nước ngoài, tính đại chúng của một doanh nghiệp cổ phần rất cao. Số lượng cổ đông lên tới hàng nghìn, chục nghìn, trăm nghìn. Do đó, cổ đông nắm giữ 15% cổ phần hoàn toàn có khả năng chi phối hoạt động của công ty.

Thế nhưng ở Việt Nam, tính đại chúng của các công ty cổ phần bây giờ mới bắt đầu được mở rộng. Luật Doanh nghiệp và các quy định về ngân hàng ở Việt Nam chưa cho phép các cổ đông nước ngoài, dù lớn đến đâu, chi phối hoạt động của ngân hàng.

Hiện Techcombank có hơn 900 cổ đông, 80% cổ phần nằm trong số 100 cổ đông. Khi HSBC có tỷ lệ 15% và sau này là 20% thì họ có một tiếng nói lớn hơn trong những quyết định kinh doanh của ngân hàng, nhưng tôi không nghĩ rằng họ có vai trò chi phối. Chi phối hay không còn phụ thuộc vào việc Techcombank và HSBC tìm được tiếng nói chung hay không.

Tiếng nói chung đó chính là mục tiêu xây dựng Techcombank trở thành một ngân hàng chuyên nghiệp, hiệu quả trong số các ngân hàng của Việt Nam thời gian tới.

HSBC vừa được bình chọn là ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam, ông có nghĩ rằng một ngày nào đó Techcombank sẽ phải cạnh tranh với chính những ngân hàng con của HSBC tại Việt Nam?

Theo tôi, đó là điều không thể tránh khỏi. Bản thân một ngân hàng khi tham gia vào thị trường thì phải xác định cạnh tranh với tất cả các đối tác còn lại.

Trong chiến lược phát triển của mình, Techcombank và HSBC có những thoả thuận nguyên tắc. Với mức tham gia 15% thì không đủ cho HSBC hoạt động hợp tác riêng với Techcombank. Việc HSBC có các hệ thống riêng của mình có thể gây tranh cãi nhất định trong việc phối hợp các chiến lược và thành lập ngân hàng con.

Tuy nhiên, chúng tôi luôn xác định Techcombank là một thực thể độc lập với HSBC và thực hiện những chiến lược hoàn toàn khác với HSBC. Tôi cho rằng Techcombank có những ưu thế riêng của mình và chúng tôi cũng không phụ thuộc vào sự phát triển mạnh hay không mạnh của HSBC.

Chúng tôi xác định rõ Techcombank là một thực thể trên thị trường Việt Nam và có định hướng, chiến lược, khách hàng cũng như sản phẩm riêng của mình.

Sự hợp tác là rất quan trọng. Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực chuyên biệt như phát triển các dịch vụ, tài chính, thị trường vốn, ngân hàng đầu tư, có thể Techcombank sẽ có những cam kết chặt chẽ hơn để tránh sự mâu thuẫn về mặt quyền lợi như đối với trường hợp các ngân hàng thương mại.

Việc tăng tỷ lệ cổ phần sở hữu của HSBC nằm trong kế hoạch tăng vốn điều lệ của Techcombank lên 2.700 tỷ đồng. Hiện nay giữa hai đối tác đã có thoả thuận nguyên tắc là sẽ tăng tỷ lệ cổ phần sở hữu của HSBC lên 20%, nhưng chưa có ký kết gì. Chúng tôi sẽ tăng lên 20% nếu được Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ cho phép. Dự kiến cuối năm nay, Techcombank sẽ báo cáo với Ngân hàng Nhà nước để đề nghị xin cho tăng lên 20%.

VNE

Các tin tức khác

>   ECB sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất (19/07/2007)

>   USD mất giá, chỉ số Dow Jones liên tục tạo kỷ lục mới (19/07/2007)

>   Đồng euro đang tăng giá nhanh trước dự đoán ECB có thể tăng lãi suất (19/07/2007)

>   Giá vàng lại tăng cao (19/07/2007)

>   Vay tiền mua nhà: Không chịu nổi lãi suất (19/07/2007)

>   Thuế suất giá trị gia tăng của cà phê (19/07/2007)

>   Đẩy mạnh chống rửa tiền tại Việt Nam (18/07/2007)

>   Thôi chức phó giám đốc ngân hàng vì hoàn cảnh khó khăn (18/07/2007)

>   Citibank hỗ trợ phát triển tài chính vi mô tại Việt Nam (18/07/2007)

>   Có thể vay tín chấp lên đến 200 triệu đồng (18/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật