Lập ngân hàng mới: Con đường không bằng phẳng
Các đầu mối muốn lập ngân hàng bắt đầu nộp hồ sơ, chuẩn bị cho một con đường mà phía trước chắc chắn sẽ không bằng phẳng.
Hiện hệ thống ngân hàng Việt Nam có 5 ngân hàng thương mại quốc doanh, 34 ngân hàng cổ phần, 5 ngân hàng liên doanh, 35 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và nếu tính đến cả những áp lực cạnh tranh liên quan còn có cả 9 công ty tài chính.
Nếu cộng thêm trên chục bộ hồ sơ xin lập mới đang gửi về Ngân hàng Nhà nước sẽ có một con số đủ để lo ngại cho áp lực cạnh tranh trong tương lai, đó là chưa cộng thêm khả năng những ngân hàng con nước ngoài sẽ chính thức nhập cuộc một cách sằng phẳng.
Nhưng, đó chỉ là khó khăn tính theo phép cộng số lượng. Trên thực tế có những khó khăn không dễ đong đếm.
Nói về định hướng phát triển của ngành ngân hàng, ông Kiều Hữu Dũng, Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) không khỏi lo ngại trước khả năng việc lập ngân hàng trở thành một phong trào, nhất là khi lĩnh vực này đang có lợi nhuận cao trong những năm gần đây.
Trong 6 tháng đầu năm nay, những con số lợi nhuận từ ACB, Sacombank, Techcombank, MB, Eximbank… công bố càng đốt nóng nhu cầu lập ngân hàng mới.
“Nhưng nên nhớ rằng để có được lợi nhuận hiện nay, vị thế hiện nay, nhiều ngân hàng đã từng phải trả giá rất đắt, từng điêu đứng và khốn khó bởi làm ngân hàng không dễ”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy nói.
Thị trường vẫn còn nhớ đến Vietcombank phải nhận về những thành viên không còn sức để sống; Eximbank hay VPBank có được thành công ngày hôm nay cũng từng phải mất nhiều năm điêu đứng, vượt khó; và cả những trường hợp đổ bể khiến cho chính sách nhà nước phải thay đổi căn bản…
Nhìn sang các nước trong khu vực như Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc…, gần 20 năm qua hầu như không cấp phép thành lập thêm các ngân hàng nội địa. Một nguyên nhân là trong các cuộc khủng hoảng tài chính, gốc rễ thường xuất phát từ các ngân hàng nội địa. Đó là xu hướng lập và lạm dụng công cụ ngân hàng cho mục đích riêng, điều cũng đã từng xẩy ra ở Việt Nam.
“Một số anh không có vốn để kinh doanh nghĩ ra cách lập ngân hàng để huy động vốn về tập trung cho dự án của mình, nhất là ở lĩnh vực bất động sản. Và khi đổ bể, hậu quả có những trường hợp đến nay vẫn chưa giải quyết xong”, Thống đốc Lê Đức Thúy cho biết.
Thấm nguyên nhân trên, tư tưởng lập ngân hàng để huy động và cho vay các dự án, doanh nghiệp trực thuộc đã bị loại bỏ ở Việt Nam. Ngoài ra, quy chế mới ban hành cũng ràng buộc thêm những điều kiện mới, khắt khe và an toàn hơn.
“Có thể có phong trào các tổng công ty, doanh nghiệp lập ngân hàng. Hiện các tổng công ty, doanh nghiệp đó hoạt động tốt, làm ăn hiệu quả thì không sao. Nhưng sau này anh làm ăn yếu kém, thua lỗ thì sao?”, ông Kiều Hữu Dũng đưa ra một lo ngại nữa.
Theo đó, về nguyên tắc, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước không cấm lập ngân hàng mới, nhưng việc xét duyệt và đưa ra các điều kiện sẽ phải chặt chẽ vì tính an toàn hệ thống và đặc thù kinh doanh có điều kiện. Và dễ thấy, phía sau các đề án lập mới hiện nay đều có bóng dáng của những tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Phía sau đề án Ngân hàng FPT không chỉ là Công ty FPT mà còn là VMS MobiFone, đặc biệt là Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); phía sau Ngân hàng Dầu khí là Tập đoàn Dầu khí; sau Ngân hàng Công nghiệp là Tập đoàn Dệt may…
Nhưng khi đảm bảo được tài chính, có chỗ dựa tin cậy, một khó khăn thực sự lớn hiện nay là nhân lực. Ngoài sự lo ngại có khả năng chắp vá để đủ điều kiện cấp phép, chính các ngân hàng thâm niên cũng lo ngại nhân tài của mình bị lôi kéo. Và theo nhận định của ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VPBank, chi phí nhân lực ngân hàng đang bị đẩy lên cao và sẽ rất cao.
VnEconomy
|