Thứ Sáu, 20/07/2007 10:18

“Huy động vốn cần chú trọng trong nước”

Phỏng vấn ông Phạm Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính).

Thưa ông, việc Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), rõ ràng đã tạo ra những thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam phát hành trái phiếu?

Hiện nay cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam huy động vốn ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế là rất rộng mở. Nhưng điều quan tâm nhất mà tôi muốn lưu ý các doanh nghiệp là trước hết chúng ta chú trọng đến thị trường trong nước.

Hiện nay Chính phủ đã có Nghị định 52 cho phép tất cả các doanh nghiệp đều có thể huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Chỉ trong vòng 6 tháng sau khi Nghị định 52 ra đời, các doanh nghiệp đã huy động được khoảng gần 6.000 tỷ đồng trong đó có những doanh nghiệp như Tập đoàn Điện lực Việt Nam huy động được 5.000 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp và Tàu thuỷ huy động được 800 tỷ đồng, Tổng công ty Sông Đà huy động được 260 tỷ đồng.

Đến nay, một số ngân hàng thương mại cũng đang dự kiến sẽ phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 thông qua huy động trái phiếu trên thị trường trong nước. Như vậy, tính từ đầu năm 2006 đến nay, các doanh nghiệp đã huy động được trên 8.000 tỷ đồng để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng của họ.

Để phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài, theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn gì?

Khó khăn lớn nhất là các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể chứng minh được với các nhà đầu tư nước ngoài về năng lực cũng như hiệu quả kinh doanh. Chỉ có thông qua việc đánh giá hệ số tín nhiệm của các công ty đánh giá hệ số tín nhiệm nước ngoài thì người ta mới yên tâm bỏ vốn đầu tư.

Như tôi đã nói, chúng ta phải nghĩ cả hai chiều, trước hết là nhu cầu của chúng ta nhưng mặt khác chúng ta phải chứng minh với nhà đầu tư là chúng ta sử dụng vốn đó có hiệu quả và có khả năng trả được nợ vay.

Ông có thể phân tích cụ thể hơn, các doanh nghiệp của chúng ta chứng minh với các nhà đầu tư nước ngoài như thế nào?

Các doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh như thông qua cải tiến máy móc thiết bị, nâng cao năng lực tài chính, rồi có những phương án sản xuất kinh doanh đáp ứng các yêu cầu của thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của thị trường cả trong nước và trên thế giới.

Vấn đề cơ bản nữa mà chúng ta cần phải chứng minh với nhà đầu tư là tình hình tài chính minh bạch, để nhà đầu tư yên tâm là đồng vốn của họ phải được sử dụng một cách có hiệu quả.

Thưa ông, nhưng hiện nay, chỉ có các công ty lớn, các tổng công ty lớn tham gia phát hành trái phiếu. Làm thế nào để kênh huy động vốn này có trở nên thông dụng hơn?

Kênh thông dụng nhất mà hiện nay Chính phủ đang cho phép là Nghị định 52, cho phép tất cả các doanh nghiệp đều có thể huy động vốn trên thị trường.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, chúng ta mới chỉ quan tâm đến một chiều là làm sao để doanh nghiệp có thể huy động vốn nhưng chưa quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.

Nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay cũng mới chỉ quan tâm đến các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, những doanh nghiệp có vấn đề tài chính công khai, minh bạch. Có như vậy họ mới dám bỏ vốn ra để đầu tư.

Vì vậy, các doanh nghiệp khác trong giai đoạn hiện nay cần cố gắng nâng cao năng lực của mình thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao báo cáo kết quả tài chính để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vốn thông qua hình thức mua trái phiếu của mình.

Công tác cổ phần hoá có vai trò thế nào trong việc phát triển thị trường vốn nước ta?

Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã tổng kết 3 năm việc thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và sau đó Thủ tướng cũng đã ban hành một chỉ thị yêu cầu các ngành, các địa phương đẩy mạnh cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước.

Tác dụng của cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đã có nhiều người nói. Yêu cầu lớn nhất của công tác cổ phần hoá là thay đổi cung cách quản lý, nâng cao quản trị doanh nghiệp, sử dụng hiệu quả đồng vốn trong sản xuất kinh doanh.

Ngoài nghị định 52 ra thì chúng ta có những cơ chế chính sách gì để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu?

Chính sách lớn nhất mà Nhà nước đã ban hành là Luật chứng khoán, Bộ Tài chính đang ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1/1/2007.

Đó là về chính sách, còn về thị trường thì chúng tôi khuyến cáo các doanh nghiệp lựa chọn nhiều hình thức để phát hành trái phiếu. Hình thức thứ nhất là bảo lãnh phát hành, hình thức thứ hai là đấu thầu thông qua thị trường, hình thức thứ 3 là phát hành thông qua đại lý, hình thức thứ tư là bán lẻ trực tiếp.

Về mặt thị trường, hiện nay chúng ta đã có hai trung tâm giao dịch chứng khoán đặt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Sacombank và Sacomreal trở thành đối tác đầu tư mới của Hữu Liên Á Châu (20/07/2007)

>   Lập ngân hàng mới: Con đường không bằng phẳng (20/07/2007)

>   “Không phụ thuộc vào HSBC” (19/07/2007)

>   ECB sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất (19/07/2007)

>   USD mất giá, chỉ số Dow Jones liên tục tạo kỷ lục mới (19/07/2007)

>   Đồng euro đang tăng giá nhanh trước dự đoán ECB có thể tăng lãi suất (19/07/2007)

>   Giá vàng lại tăng cao (19/07/2007)

>   Vay tiền mua nhà: Không chịu nổi lãi suất (19/07/2007)

>   Thuế suất giá trị gia tăng của cà phê (19/07/2007)

>   Đẩy mạnh chống rửa tiền tại Việt Nam (18/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật