Siết chặt điều kiện xuất khẩu thuỷ sản sang Nhật Bản
Chỉ những DN đạt tiêu chuẩn VSATTP của Bộ Thuỷ sản mới được phép xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. DN này phải thực hiện kiểm tra chứng nhận Nhà nước về dư lượng, hoá chất kháng sinh cấm đối với 100% lô hàng giáp xác, nhuyễn thể chân đầu.
Đây là nội dung Quyết định 06/2007QĐ-BTS, do Thứ trưởng Thuỷ sản Lương Lê Phương vừa ký ban hành, về việc áp dụng những biện pháp cấp bách kiểm soát dư lượng hoá chất, kháng sinh cấm trong thuỷ sản xuất khẩu vào Nhật Bản.
Sau thời điểm quyết định này có hiệu lực (từ 26/7/2007), DN thuộc các trường hợp sau đây sẽ không được phép xuất khẩu các lô hàng giáp xác (tôm, cua, ghẹ... ) và nhuyễn thể chân đầu (mực, bạch tuộc... ) vào Nhật Bản: DN đã có trên 2 lô hàng bị cảnh báo kháng sinh cấm, có thêm lô hàng bị cảnh báo; DN đã có từ 1-2 lô hàng bị Nhật Bản cảnh báo kháng sinh cấm, có thêm 2 lô hàng bị cảnh báo.
Đồng thời, DN trước đây chưa bị cảnh báo, có thêm 3 lô hàng bị Nhật Bản cảnh báo nhiễm dư lượng kháng sinh cấm.
Bộ Thuỷ sản thông báo, DN chỉ được phép xuất khẩu trở lại lô hàng giáp xác, nhuyễn thể chân đầu sang Nhật sau khi có báo cáo đúng nguyên nhân, thiết lập biện pháp khắc phục có hiệu quả và được Cục Quản lý Chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thuỷ sản (Nafiqaved) công nhận. Các DN chỉ có thể được miễn kiểm tra chứng nhận bắt buộc khi có liên tiếp 10 lô hàng giáp xác và nhuyễn thể chân đầu không bị cảnh báo.
Quyết định này cũng yêu cầu các DN thuỷ sản cần "mạnh tay" hơn với nguyên liệu nhập khẩu. Khi đó, bắt buộc DN phải kiểm tra 100% thuỷ sản nhập khẩu về để chế biến; đồng thời, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu trong lô hàng thành phẩm khi xuất khẩu.
Lãnh đạo Bộ Thuỷ sản cũng lệnh cho Nafiqaved khẩn trương xây dựng, trình Bộ ban hành quy định về chế độ giám sát, kiểm tra Nhà nước về điều kiện sản xuất, giám sát lấy mẫu kiểm tra lô hàng đối với những DN có truyền thống về chất lượng và có đủ khả năng tự thực hiện kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP, tự kiểm tra chứng nhận lô hàng đảm bảo.
Quyết định mới nhất về kiểm soát chất lượng thuỷ sản vào Nhật được Bộ Thuỷ sản ban hành khi có báo động đỏ từ thị trường này, nhất là sau bức thư cảnh báo của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. Bộ đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về chất lượng thuỷ sản và họp với các DN để có các biện pháp xử lý kiên quyết, nếu không muốn mất thị trường Nhật.
VNN
|