Tránh chỗ đông, dùng chỗ trống
Khi mới thành lập doanh nghiệp, mà mặt hàng kinh doanh đã có rất nhiều doanh nghiệp khác kinh doanh trước, thậm chí thị trường đã được phân chia, vấn đề đặt ra là làm thế nào để có được chỗ đứng trên thương trường? Đó là điều mà rất nhiều người mới bước vào thương trường băn khoăn. Câu chuyện dưới đây về bia Walsen là mộtgợi ý về cách bước vào thị trường để rồi thành danh.
Năm 1990, ở Bắc Kinh xuất hiện một nhãn hiệu bia mới: Walsen. Lúc này, cuộc chiến giữa các hãng bia ở Bắc Kinh đang vào hồi quyết liệt, thị trường bia gần như không còn chỗ để chen chân. Trước tình hình thực tế đó, Walsen chọn cho mình quyết sách: Chiếm lấy chỗ trống!
Đương nhiên chỗ trống ở đây chỉ có thể là vùng nông thôn nơi chưa có doanh nghiệp (DN) bia nào. Walsen đã chọn thị trường mà mình quyết chiếm là ở Tây Nam Bắc Kinh rồi từ đó lấn sang mấy huyện lân cận ở tỉnh Hà Bắc. Chỉ trong một năm toàn bộ khu vực nông thôn rộng lớn gần Bắc Kinh này đã thuộc về Walsen.
Tuy nhiên, Walsen không thể hài lòng với khu vực nông thôn được. Họ quyết tâm "tiến về đô thị". Muốn thế phải có danh tiếng đã. Tháng 5/1991, Walsen tham gia hội chợ đồ uống quốc tế lần thứ 3 ở Tokyo (Nhật Bản). Tại đây Walsen đã giành huy chương vàng sau khi vượt qua 200 sản phẩm cùng loại của 25 quốc gia tham dự. Đương nhiên, sự kiện này được giới truyền thông và các sứ quán biết đến. Sau khi đoạt HCV, Walsen đã tổ chức đón rước rầm rộ ở khách sạn lớn. Cuộc đón rước này có mời các sứ quán tham dự. Bia được đãi miễn phí cho quan khách. Danh tiếng của Walsen bắt đầu được lan truyền ở Bắc Kinh. Hàng loạt các sứ quán, trung tâm hội nghị quốc tế rồi khách sạn sang trọng đua nhau dùng bia Walsen. Walsen đã chiếm được thị trường Bắc Kinh và vẫn giữvững thị trường khu vực nông thôn. Từ đó 9 tỉnh lân cận đã lọt vào vòng khống chế của họ. Walsen còn mở rộng xuất khẩu ra quốc tế.
Từ bài học của Walsen có thể rút ra một điều: Hãy né tránh cuộc chiến với các hãng đã ra đời trước tại những thị trường mà họ đang chiếm ưu thế; tích cực tìm những thị trường còn bỏ ngỏ, còn để trống. Ở đó, không mất nhiều công sức tiền của cho việc cạnh tranh. Sau khi có "căn cứ địa" bảo đảm đủ định sản xuất thì mới kiếm cách phát triển rồi trở lại những thị trường lớn.
Hanoinet
|