Giá cả leo thang, người tiêu dùng gồng mình
Trong tháng 6, tất cả 9 nhóm mặt hàng trên thị trường đều tăng giá, trừ nhóm mặt hàng đồ uống và thuốc lá, thống kê của Sở Thương mại Tp.HCM cho thấy.
Các nhóm mặt hàng tăng giá nói trên bao gồm văn hoá, vật liệu xây dựng, hàng may mặc, thuốc, dịch vụ y tế, hàng ăn uống, giao thông, bưu chính... Đặc biệt nhóm hàng hoá thiết yếu hàng ngày như thực phẩm, lương thực lại càng có mức biến động về giá mạnh.
Cũng theo thống kê của Sở Thương mại Tp.HCM, mức tăng giá cả của các mặt hàng lương thực tăng 1,62% và thực phẩm là 1,7%. Với xu hướng hiện nay, giá cả hàng hoá trên thị trường còn tiếp tục tăng mạnh, trong đó ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc sống người dân là giá cả của những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu hàng ngày.
Với nguồn thu nhập không thay đổi, giá cả hàng hoá tăng nên mức chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày mỗi nhiều hơn.
Nếu nói về áp lực của việc hàng hoá tăng giá thì không chỉ thời gian mới đây mà ngay từ những tháng đầu năm, tình hình giá cả trên thị trường đã có sự biến động.
Các chuyên gia kinh tế lí giải rằng thực phẩm là nhóm hàng có giá cả phải chịu nhiều yếu tố tác động nhất. Ngoài ảnh hưởng bởi giá cả, nguyên liệu đầu vào còn bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh hoành hành trên đàn gia súc gia cầm trên cả nước. Dịch lở mồm long lóng trên đàn heo, trâu bò vẫn chưa dứt.
Gần đây, dịch cúm gia cầm đã tái phát trở lại. Dịch bệnh cộng với chi phí chăn nuôi đẩy lên cao đã làm giảm lượng đầu đàn heo, bò do người chăn nuôi giảm quy mô chăn nuôi.
Nguồn cung giảm nhưng nhu cầu tiêu thụ của thị trường lại không giảm. Thời gian qua, đối với thị trường các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thịt heo là mặt hàng liên tục bị đẩy giá lên cao.
Cũng chịu sự ảnh hưởng của giá cả nguồn vật tư trên thị trường, các mặt hàng rau xanh cũng tăng giá đáng kể. Dạo này, các bà nội chợ đều than vãn rằng mặc dù rau không tăng giá là bao nhưng bó rau ngày càng nhỏ đi.
Giải thích cho tình trạng này, anh Hoàng chuyên bán rau tại chợ Hàng Xanh phân bua: "Do giá rau tăng hơn trước nhưng tăng giá lên thì người đi chợ không thể mua nổi với mức 1 ngày đi chợ chỉ tiền rau không đã lên tới 10.000 đồng. Vì vậy, nhà vườn phải rút bớt rau lại để giữ nguyên giá bán".
Theo khảo sát tình hình thị trường của Sở Tài chính Tp.HCM, trong những ngày đầu tháng 7, lượng hàng hoá cả về rau củ, thịt tươi sống về các chợ đầu mối có chiều hướng giảm số lượng. Nguồn cung giảm nên giá cả cũng bị ảnh hưởng, giá vào chợ của các loại rau củ xanh cũng đã cao hơn từ 500 -1.000 đồng/kg so với thời gian trước đó.
Không chỉ riêng các loại hàng hoá thực phẩm tươi sống có sự biến động về giá mà giá các loại hàng hoá khác cũng đã được điều chỉnh tăng vọt. So với thời gian đầu tháng 6, mặt hàng dầu ăn của các nhãn hiệu đã tăng lên 2.000 - 3.000 đồng/lít, tương đương với mức tăng từ 10-15%.
Sữa là mặt hàng có lượng nhu cầu rất lớn vì thế giá cũng không ngừng được điều chỉnh. Lần điều chỉnh giá của các sản phẩm sữa gần đây nhất là trong tháng 6 với tỉ lệ tăng từ 10-15%.
Giá cả biến động liên tục đã tạo sức ép cho tất cả người dân, từ người tiêu dùng đến người kinh doanh. Chi phí đầu tư mỗi ngày một tăng thêm.
Chưa bao giờ, người dân lại phải đối mặt với cơn lốc tăng giá khốc liệt như hiện nay. Từ đầu tháng 6 đến nay, hàng hoá trên thị trường bắt đầu bước vào đợt tăng giá đồng loạt.
Theo như nhận xét của các nhà kinh doanh, thì việc các nhà sản xuất nâng giá sản phẩm bán lên do sức ép của giá cả của nguồn nguyên liệu đầu vào. Các loại vật tư như xăng dầu, chất đốt đều tăng cao nên hầu hết các chi phí như vận chuyển, sản xuất cũng bị đẩy lên cao hơn trước đây rất nhiều.
Bên cạnh đó, hàng hoá tăng giá bán là theo lộ trình chung về điều chỉnh giá của thị trường. Do đó, giá cả hàng hoá trên thị trường đã biến động không ngừng.
Theo dự báo của các chuyên gia, với tình hình thị trường biến động liên tục như hiện nay thì trong những tháng tới giá cả hàng hoá sẽ còn tiếp tục tăng nữa.
VnEconomy
|