Thứ Tư, 11/07/2007 23:47

ĐBSCL: Ồ ạt đào ao nuôi cá tra

Đó là một trong những vấn đề được tập trung thảo luận tại hội nghị 6 tháng đầu năm 2007 do Bộ Thuỷ Sản tổ chức ngày 9.7 ở An Giang. Theo nhiều đại biểu, hiện cơn sốt đào ao nuôi cá tra của người dân nhiều tỉnh ĐBSCL đã lên cao độ kéo theo nhiều hệ lụy: Giá cả thất thường, ô nhiễm môi trường, người nuôi cá sử dụng các chế phẩm không được phép...

Địa phương than trời

Hiện giá cá thương phẩm là 14.000 - 15.500đ/kg, có thời điểm  vọt lên trên 17.000 đồng/kg. Sức hấp dẫn từ con cá tra dễ nuôi, lợi nhuận cao đã làm bùng phát phong trào người người, nhà nhà đào ao nuôi cá tra. Từ đầu năm đến nay tại 4 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long người dân đã tự phát đào ao nuôi cá với diện tích gần 1.000 ha. Tình trạng này không chỉ  gây ô nhiễm môi trường mà còn phá vỡ quy hoạch tại các địa phương vừa nêu.

Các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long đã quyết liệt ngăn cản nhưng cũng chẳng “hạ nhiệt” nổi. Ông Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định cơn sốt tự phát này đã đến mức không quản lý được. Xung đột đã xảy ra giữa người dân và nhà nước về chuyện thuê đất bãi bồi, giữa người nuôi cá và người làm nông nghiệp do nguồn nước ô nhiễm. Theo ông Hoan, Bộ Thuỷ Sản nên sớm vào cuộc quy hoạch vùng nuôi, chậm ngày nào thì sông Tiền, sông Hậu càng “chết chừng đó” vì theo ông Hoan, hai con sông này đã tới ngưỡng chịu đựng rồi.

Ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội thủy sản An Giang nhận định: Tình trạng người dân ham lời nên tự phát đầu tư nuôi cá khiến địa phương lúng túng không đối phó kịp. Công suất của các nhà máy chế biến hiện cũng đã vượt nguồn nguyên liệu tới 1,5 lần. Ông Danh kiến nghị Bộ Thủy sản cần sớm điều chỉnh, quy hoạch vùng nuôi cá phổ biến cho người  dân biết.

Công khai đơn vị, cá nhân sử dụng chế phẩm nuôi cá gây hại

Ông Ngô Phước Hậu, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) thì cảnh báo việc giá cá tăng như hiện nay không phải chuyển biến tốt, mà là do thiếu nguồn nguyên liệu, thiếu con giống. Ông Hậu lưu ý tình trạng đã phát hiện trong một số cá thu mua được có chất Malachite Green, lọai hoá chất giúp tăng trọng cá, nếu để lọt lọai cá này vào những lô hàng xuất khẩu thì “chỉ có nước chết”.

Nhiều đại biểu kiến nghị  ngành chức năng phải hướng dẫn người nuôi nên sử dụng chế phẩm nào, bởi đây là chuyện sống còn của ngành thuỷ sản; nên công khai  các đơn vị, cá nhân vi phạm sử dụng chế phẩm nuôi cá gây hại sức khoẻ.

Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Thủy sản sớm ban hành tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho cá tra nuôi ao vì hiện chỉ có tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho cá tra, ba sa nuôi trong bè. Cần nhất phải sớm có quy hoạch phát triển sản xuất cá tra, cá ba sa tại các tỉnh ĐBSCL, làm cơ sở xây dựng qui hoạch của mỗi tỉnh và thực hiện việc bình ổn giá.

Bộ Thủy sản cần hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL thiết lập hệ thống cảnh báo môi trường và dịch bệnh; tăng cường công tác đào tạo và tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn và tăng cường ngân sách đầu tư thoả đáng cho nhu cầu đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ làm công tác khuyến ngư; hỗ trợ cho các địa phương về mặt kỹ thuật trong công tác huấn luyện, đào tạo nghề cho ngư dân.

Theo Bộ Thủy sản, sản lượng cá ba sa, cá tra năm 2005 là 375.500 tấn, sang năm 2006 đã nhảy vọt lên 825.000 tấn. Diện tích thả nuôi trong 6 tháng đầu năm 2007 là 3.642 ha, trong đó An Giang có 1.160 ha, Cần Thơ 1.067 ha, Đồng Tháp 1.080 ha... Số lượng nhà máy chế biến tại ĐBSCL là 49, tổng công suất chế biến trên 570.000 tấn/ năm.

Thanhnien

Các tin tức khác

>   Hàng nghìn khách bị chậm chuyến bay mỗi ngày (11/07/2007)

>   VN, Inđônêxia xúc tiến lập ủy ban xuất khẩu hạt tiêu (11/07/2007)

>   Việt Nam-Campuchia đẩy mạnh hợp tác công nghiệp (11/07/2007)

>   Chuyển vụ doanh nghiệp nhập khẩu ôtô sang công an (11/07/2007)

>   “Hạ nhiệt” viễn thông di động (11/07/2007)

>   DN điện tử gặp khó khăn từ việc áp mã hàng của Hải quan (11/07/2007)

>   TP.HCM: Các nhà sản xuất nước tương phải áp dụng quy trình mới (11/07/2007)

>   Triển vọng hợp tác ngành cao su Việt Nam-Malaysia (11/07/2007)

>   Xuất khẩu vào EU: “Đô” thắng “ơ-rô” (11/07/2007)

>   Cảng Đà Nẵng mở rộng thị trường sang phía Tây (11/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật