“Hạ nhiệt” viễn thông di động
Quản lý thuê bao trả trước, kho số và giá cước là 3 vấn đề “nóng” của thị trường viễn thông di động trong thời điểm hiện nay. Và đó chính là lý do để Bộ Bưu chính - Viễn thông (BCVT) đưa ra các giải pháp “hạ nhiệt” cho cả ba vấn đề trên.
Từ quản lý thuê bao trả trước
Số lượng thuê bao của cả 6 nhà khai thác dịch vụ viễn thông di động tính đến thời điểm này đã là trên 28 triệu (cả thực và ảo), trong đó phần lớn là thuê bao trả trước. Chẳng hạn, VinaPhone có 6 triệu thuê bao thực, nhưng có tới 5 triệu thuê bao trả trước. Còn MobiFone, có 7 triệu thuê bao thực, trong đó thuê bao trả trước chiếm 70%. Trong khi đó, trước nay không hề có chuyện quản lý thuê bao trả trước. Vậy mới có chuyện quấy rối, nhắn tin lừa đảo, trộm cước viễn thông, thuê bao ảo...
Trước thực trạng này, Bộ BCVT quyết định sẽ quản lý thuê bao di động trả trước và quy định cụ thể về vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ BCVT Lê Nam Thắng, sẽ được ban hành trong tháng 7. Theo đó, các thuê bao trả trước phải đăng ký các thông tin tối thiểu như họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số CMND; số thuê bao... Thuê bao trả trước hoà mạng mới phải xuất trình CMND tại các điểm được DN ủy quyền. Còn các thuê bao đang sử dụng dịch vụ có thể xuất trình CMND tại các điểm giao dịch, hoặc nhắn tin SMS đến DN, hay vào cổng thông tin điện tử của DN để đăng ký.
Ông Thắng cho biết, DN sẽ có 2-3 tháng để chuẩn bị cả về mặt kỹ thuật, quy trình thủ tục đăng ký tại các đại lý. Như vậy, phải từ cuối quý III hoặc đầu quý IV/2007, việc quản lý thuê bao trả trước mới có hiệu lực chính thức. Sau 24 tháng, những thuê bao không đăng ký sẽ bị ngưng cung cấp dịch vụ.
Đến kho số
Không chỉ dừng lại ở quản lý thuê bao trả trước, Bộ BCVT cũng đã quyết định cấp thêm mã mạng mới cho các nhà khai thác dịch vụ viễn thông di động, nhằm đảm bảo cho các DN có đủ kho số để phát triển lâu dài. Theo lý giải của ông Thắng, lựa chọn phương án đa mã thay cho phương án kéo dài số thuê bao như kiến nghị của nhiều DN có ưu điểm là không bắt buộc người đang sử dụng dịch vụ di động phải đổi số của mình. Đồng thời, DN cũng không phải đánh số song song cả hai hệ thống thuê bao cũ và mới. Cũng theo ông Thắng, phương án đa mã đã được khá nhiều nước trên thế giới, như Australia, Thụy Điển, Trung Quốc, Malaysia... lựa chọn, khi tốc độ phát triển thuê bao di động tăng nhanh.
Các DN cũng hoàn toàn ủng hộ phương án này. Ông Hoàng Trung Hải, Giám đốc VinaPhone cho biết, lựa chọn phương án đa mã mạng vừa không làm ảnh hưởng đến các thuê bao di động đang hoạt động, mà các DN cũng có thời gian để chuẩn bị, thông báo cho các đối tác trên phạm vi toàn cầu và khách hàng.
Như vậy, cùng với 9 mã mạng hiện có là 091, 094 (VinaPhone); 090, 093 (MobiFone); 097, 098 (Viettel Telecom); 092 (HT Mobile); 095 (S-Fone) và 096 (EVN Telecom), trong thời gian tới, sẽ có thêm mã mạng mới bắt đầu bằng 01. Điều này cũng có nghĩa là sẽ tồn tại song song hai “hệ” thuê bao, một “hệ” gồm 10 chữ số như hiện nay và một “hệ” gồm 11 chữ số.
Và giá cước
Theo Quyết định 566/2007/QĐ-BBCVT của Bộ BCVT, Viettel Telecom đã chính thức có tên trong nhóm dịch vụ và DN viễn thông chiếm thị phần khống chế. Như vậy, cũng giống như VinaPhone và MobiFone, Viettel phải đăng ký giá cước với Bộ BCVT trước khi ban hành. Và mặc dù cuối tháng 6 vừa qua, Chính phủ đã cho phép các doanh nghiệp viễn thông được tự ấn định cước dịch vụ của mình, song các nhà cung cấp chiếm thị phần khống chế vẫn phải chịu sự quản lý của Bộ BCVT đối với vấn đề giá cước.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, DN chiếm thị phần khống chế vẫn có thể “lách luật” bằng việc đưa ra các gói cước “gây sốc”. Vì thế, thị trường viễn thông trong thời gian tới, có thể không có những đột biến lớn về giá cước, song sẽ có những gói cước hấp dẫn. Và đương nhiên, khách hàng sẽ là người được hưởng lợi.
ĐTCK
|