Xuất khẩu vào EU: “Đô” thắng “ơ-rô”
Vì sao các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn chưa mặn mà sử dụng đồng Euro trong xuất khẩu vào thị trường EU?
Kết quả một phần của cuộc điều tra nằm trong dự án xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU) do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện cho thấy số lượng doanh nghiệp sử dụng đồng Euro trong giao dịch thương mại với thị trường EU chưa đạt con số 30%, còn lại hơn 70% là giao dịch bằng đồng USD.
Theo đánh giá, tỷ lệ giao dịch bằng đồng Euro với đồng USD trong xuất khẩu vào EU nói trên hầu như vẫn ổn định so với một vài năm trước đây. Hiện EU là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn từ Việt Nam khi chiếm tới gần 20% tỷ trọng xuất khẩu hàng năm của Việt Nam.
Trao đổi với VnEconomy, ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế (CIEM), nhận định kết quả trên có 2 điểm đáng chú ý.
Điểm thứ nhất, trong môi trường tỷ giá đang biến động như hiện nay, có thể thấy kỹ thuật giữ giá, bảo vệ an toàn giá trị đồng tiền của nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, theo lời ông Võ Trí Thành.
Điểm thứ hai mà vị chuyên gia của CIEM đưa ra là nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của đồng Euro. Theo ông Võ Trí Thành, điều này có lẽ xuất phát từ thực tế rằng hiện đồng USD tuy đang “yếu”, song nền kinh tế vẫn có xu hướng giữ đồng USD như là một tỷ trọng lớn nhất trong dự trữ ngoại tệ. Nhiều doanh nghiệp có tâm lý chuộng USD hơn, và USD cũng được biết đến nhiều hơn trong giao dịch thương mại.
Qua kết quả trên, ông Thành cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam nên bắt đầu học tập những kỹ thuật giao dịch ngoại tệ để nhận được tối đa giá trị trong xuất khẩu. “Nhưng cũng không nên quá sốt ruột với việc doanh nghiệp còn ít sử dụng đồng Euro trong giao thương, vì các doanh nghiệp dần dần sẽ điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu thực tế”, ông Võ Trí Thành nói.
Bình luận về kết quả tỷ lệ giao dịch giữa đồng Euro và USD ở trên, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam chưa linh hoạt sử dụng tiền trong giao dịch thương mại.
“Theo tôi, nên chấp nhận một tỷ lệ cao hơn của đồng Euro, cũng như nên sử dụng nhiều hơn đồng Yên của Nhật Bản trong thanh toán. Điều này là cần thiết”, ông Doanh nói với VnEconomy.
Chuyên gia kinh tế này còn nhấn mạnh thêm, các doanh nghiệp nên tăng cường sử dụng đồng Euro vì đó là một đồng tiền ổn định.
“Nếu tăng sử dụng đồng Euro khi thực hiện giao thương với thị trường EU, doanh nghiệp sẽ ít gặp rủi ro về tỷ giá hơn”, bà Nguyễn Thị Nhiễu (Viện Nghiên cứu Thương mại - Bộ Thương mại), chia sẻ quan điểm trên.
Câu hỏi tại sao doanh nghiệp chưa sử dụng nhiều đồng Euro trong giao dịch thương mại với EU còn có một lời giải đáp khác từ nhóm nghiên cứu làm báo cáo. Đó có thể là do các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU hiện chủ yếu vẫn làm gia công, hay chỉ xuất khẩu tập trung vào một vài nước của EU mà nước đó lại không sử dụng đồng Euro, ví như Vương quốc Anh…
Thực tế cho thấy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU chủ yếu là da giầy, dệt may, thủy sản, nông sản, đồ gỗ gia dụng, cà phê. Trong các mặt hàng này thì dệt may và da giầy chiếm tỷ trọng lớn, trong khi đây là những mặt hàng doanh nghiệp trong nước chủ yếu làm gia công (trên 80%), nghĩa là không trực tiếp xuất khẩu sang thị trường EU.
Liên quan đến vấn đề này, một quan chức của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Thương mại) nhận định dù kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU tăng trưởng, song thực chất doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều thị trường tại EU, khi chủ yếu hàng hóa Việt Nam xuất sang đây là làm gia công và thông qua đối tác.
* Một số dánh giá chung về mức độ thuận lợi khi sử dụng đồng Euro trong giao dịch thương mại:
- Phương thức thanh toán thuận lợi, thống nhất giữa các nước EU
- Giảm thời gian giao dịch
- Giảm sự phụ thuộc vào đồng USD
- Giảm chi phí giao dịch, giảm chi phí chuyển đổi tiền tệ, và không lo xảy ra tình trạng khan hiếm Euro trong giao dịch...
TBKTVN
|