Thứ Tư, 11/07/2007 06:42

Tàu siêu tốc VN bao giờ khởi hành?

Lãnh đạo hai nước Việt - Nhật đã có thỏa thuận về đường sắt cao tốc, đường bộ Bắc - Nam. Đầu tháng bảy, tại Tokyo, chúng tôi đã có cuộc gặp với ông Shuji Eghuchi giám đốc Vụ Hợp tác quốc tế về đường sắt ở Bộ Giao thông - đất đai Nhật Bản, đặt câu hỏi bao giờ những con tàu siêu cao tốc sẽ đón khách ở VN.

* Nhật đã tham gia xây dựng tàu cao tốc tại Đài Loan. Dự án BOT được khởi thảo vào những năm đầu của thập kỷ 1990, hơn 15 năm sau, đến đầu năm 2007 người dân ở đây mới đi lại bằng tàu siêu cao tốc. Liệu với VN, khi nào hành khách mới bước lên tàu Shinkansen?

- Ông Shuji Eghuchi: Câu trả lời phần chính thuộc về phía VN. Ngay từ mùa xuân năm nay, những chuyên gia hàng đầu của chúng tôi đã đến VN. Nếu không có gì thay đổi thì mùa thu năm nay, Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ cùng VN khảo sát tiến hành xây dựng tổng sơ đồ phát triển toàn bộ hệ thống giao thông VN.

Khi có được những bài toán chi li, rõ ưu thế của tất cả hệ thống đường bộ, đường sông, hàng không thì đường sắt và nhu cầu đường cao tốc sẽ rõ. Các thứ tự ưu tiên, theo đó cung đường kinh tế nhất sẽ được chọn lựa. Ở Nhật, tàu cao tốc xuất hiện từ năm 1964, những đường tàu nối thẳng vào trung tâm Tokyo thì đến năm 1991 mới hoàn thành, vì đoạn này phải qua nhiều khu dân cư, khó xây và chi phí quá cao.

* Tăng tốc độ giao thông là tăng tốc phát triển. Không thể dừng lại quá lâu với những đoàn tàu con rùa hiện nay. Thế nhưng tàu nhanh đến trước nhu cầu và năng lực chịu đựng của nền kinh tế, khả năng quản trị của con người thì giá của phát triển sẽ quá cao...

- Chúng tôi có những kinh nghiệm về bài học thứ tự ưu tiên về những công trình đang phát huy tác dụng và ưu thế của nó không chỉ ở Nhật. Thông tin tham khảo có thừa cho người đến sau.

Với tư cách là đối tác của một dự án tầm quốc gia, chúng tôi cũng mong đợi thời điểm Quốc hội các bạn thông qua luật về “hoàn thiện đường sắt” - một căn cứ pháp lý để thực hiện tàu siêu cao tốc ở VN. Tất nhiên với luật đó, các nhà đầu tư sẽ xác định được chủ sở hữu, chủ thể điều hành và cơ chế vận hành. Lúc đó giá của phát triển là bao nhiêu sẽ có đáp số.

* Tại Bảo tàng đường sắt của các bạn có câu chuyện: “Hayakawa Tokuji sinh năm 1881, năm 1914 ông du học ở Anh và nhận ra sự cần thiết của tàu điện ngầm. Về nước, ông sáng lập công ty cổ phần kinh doanh đường sắt với sự tham gia của những người cùng chí hướng. Năm 1927, chuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Nhật kéo còi rời ga Ueno đi Asakusa. Tàu chỉ qua hai ga và vượt một đoạn đường chỉ có 2.200m”.

Ngày nay không chỉ Tokyo, người dân của tám thành phố khác như Osaka, Kyoto, Kobe, Nagoya, Yokohama, Sendai, Sapporo... đều được thụ hưởng metro. Nhưng gần một thế kỷ trước con tàu đã khởi động như là sản phẩm của sáng kiến cá nhân và sức mạnh của công ty cổ phần.

- Đầu tư hạ tầng giao thông chi phí hàng ngàn tỉ yen, cần đến sự tham dự và chia sẻ từ nhiều nguồn lực. Ngày nay Tổng công ty đường sắt Nhật Bản (JR) chia làm sáu công ty, thì ba công ty làm chủ ở ba vùng phát triển nhất - Tokei, JR Miền Đông và JR Miền Tây - tất cả đều không có phần vốn của nhà nước. Tất nhiên trước đó đã có phần vốn ngân sách có giá trị như bà đỡ, đầu tư kích hoạt mở đường.

Các dự án tương lai cũng vậy, ở những cung đường mới đi lên cực bắc hay xa hơn về phía nam, vốn ngân sách của nhà nước sẽ đầu tư mở đường, sau đó các công ty thuê và đưa tàu vào khai thác. Tất nhiên, các dự án cao tốc đều có hiệu quả nên cổ phiếu của các công ty này thường thu hút các nhà đầu tư. Ngày nay VN cũng có khả năng huy động vốn đầu tư cả trong và ngoài nước, của cá nhân và các pháp nhân, trực tiếp và gián tiếp qua các quĩ đầu tư...

* Theo ông, đâu là ưu thế về công nghệ và kỹ thuật của tàu siêu cao tốc Shinkansen?

- So sánh với các sản phẩm của châu Âu như TGV thì Shinkansen cùng thế hệ xét về tốc độ (trên dưới 300km/giờ). Thế nhưng, về công nghệ thì TGV thiết kế máy lớn, đoàn tàu có hai động cơ ở toa đầu và toa cuối kết hợp giữa kéo và đẩy cả đoàn tàu, còn Shinkansen phân tán động cơ. Ví dụ con tàu 16 toa thì 1 và 16 không có động cơ, các toa còn lại bố trí xen kẽ toa có toa không. Theo thí nghiệm với thế hệ N700 mới nhất vừa đưa vào sử dụng hôm 1-7, tàu có thể đạt tốc độ 400km/giờ. Nhưng xét về mặt môi trường và chi phí Shinkansen tiết kiệm và thân thiện hơn, động cơ nhỏ, chất liệu toa tàu hẳn phải khác và tiếng ồn dễ chịu hơn.

Ngày 1-7 vừa qua, từ Tokyo tàu cao tốc Shinkansen thế hệ mới N700 đã rời ga Shinagawa. Vẫn tốc độ 270km/giờ, nhưng với một hệ thống an toàn mới tàu không cần giảm tốc vẫn giữ được cân bằng khi phải uốn lượn để vượt qua những đoạn đường cong. Từ Tokyo về Osaka đường dài 556km có đến 43 đoạn tàu phải uốn lượn, không giảm tốc, con tàu mang tên Nozomi thứ tám này chỉ chạy trong vòng 151 phút, rút ngắn được 5 phút.

Nếu chỉ dùng tàu hiện có như N700 thì với các cung đường từ 1.000km trở lại, như Sài Gòn - Nha Trang - Đà Nẵng, tàu siêu tốc cạnh tranh với nhiều ưu thế hơn máy bay, giá vé chỉ bằng 2/3, mỗi chuyến chỉ chậm trễ 6 giây, đặc biệt là sự an toàn tuyệt đối (từ ngày có tàu siêu cao tốc đến nay Shinkansen chưa hề gặp tai nạn) và sự thân thiện đối với môi trường.

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Các biện pháp giảm nhiệt thị trường chứng khoán của Trung Quốc đã có hiệu quả (10/07/2007)

>   Tập đoàn Areva tìm kiếm cơ hội đầu tư vào VN (10/07/2007)

>   Ngành cao su Việt Nam-Malaixia tăng cường hợp tác (10/07/2007)

>   Lâm Đồng xuất khẩu 27 triệu cành hoa các loại (10/07/2007)

>   Vinashin khởi công Nhà máy xi măng ở Hà Nam (10/07/2007)

>   Vốn đầu tư nước ngoài vào Hưng Yên tăng mạnh (10/07/2007)

>   VN là điểm đến đầu tư hàng đầu về công nghệ thông tin (10/07/2007)

>   "Thiếu hương" cho thương hiệu (10/07/2007)

>   Thiết kế thành công hệ thống cảnh báo môi trường (10/07/2007)

>   Việt Nam: Điểm đầu tư sản xuất hấp dẫn nhất (10/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật