Nâng cao tính cộng đồng cho doanh nghiệp Việt Nam
Việt Nam hiện có trên 150.000 doanh nghiệp (DN), khoảng 2 triệu hộ kinh doanh cá thể, song đa số họ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung, tính cộng đồng còn rất rời rạc và ở mức thấp. Tuy nhiên, "xu hướng thành lập các hiệp hội DN đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam, đó chính là một trong những hình thức gắn kết các DN vào cùng một cộng đồng", ông Darrel Cartwright, Chủ tịch Hiệp hội DN Canada tại Việt Nam bày tỏ như vậy trong cuộc gặp gỡ gần đây với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
- Theo ông, thế nào được gọi là cộng đồng DN?
+ Đó là sự liên kết hợp tác của các DN trong quá trình hoạt động kinh doanh để phát triển theo nguyên tắc cùng có lợi. Tính cộng đồng chỉ phát huy cao độ khi những người tham gia cùng một cộng đồng có chung một mục đích và nếu không đoàn kết hợp tác thì mục đích của từng người sẽ bị kẻ khác cướp mất.
- Vậy ông đánh giá như thế nào về tính cộng đồng các DN Việt Nam trong thời gian qua?
+ Các DN Việt Nam có vẻ vẫn còn mang nặng tính tiểu nông, mạnh ai nấy làm, miễn là tối đa hoá lợi nhuận trước mắt của mình. Ðiều này làm yếu đi sức cạnh tranh của từng DN và nếu nhìn rộng hơn thì làm yếu đi năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế.
- Yếu tố nào gây ảnh hưởng đến quá trình liên kết của các DN Việt Nam?
+ Bắt nguồn từ tập quán kinh doanh của người Việt là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Ngoài ra, phải kể đến là yếu tố thể chế. Vẫn còn có sự phân biệt giữa các DN tư nhân, ngoài quốc doanh với quốc doanh... Trong đó, DN Nhà nước thường được ưu tiên hơn. Sự "cưng chiều" này đôi khi khiến DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau rất khó tìm được tiếng nói chung và tất yếu sự hợp tác trở nên rời rạc.
- Sự ra đời của Hiệp hội DN Canada (Cancham) tại Việt Nam liệu có phải nhằm mục tiêu phát huy tính cộng đồng các DN?
+ Đúng. Hiện nay, liên kết kinh tế đã trở thành tất yếu trong quan hệ kinh tế, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà đã nới rộng ra toàn cầu. Do đó, liên kết kinh tế giữa các DN ngày càng trở nên cấp thiết bởi nó tạo nên sức mạnh không chỉ cho từng DN mà còn của tổng thể nền kinh tế. Cancham ra đời năm 1994 cũng nhằm mục đích thắt chặt tính cộng đồng giữa các DN Việt Nam với nhau cũng như DN hai quốc gia.
- Ông có thể cho biết quyền lợi mà các DN Việt Nam được hưởng khi tham gia vào Cancham?
+ Hiện, Cancham đã thu hút sự tham gia của hàng trăm DN đến từ Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, DN nào cũng có thể trở thành thành viên của Cancham và được hưởng hàng loạt quyền lợi như thiết lập các mối quan hệ và nắm bắt các động cơ, động lực trong lĩnh vực kinh tế. Tham dự các buổi hội thảo có chất lượng hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh. Mở rộng và quảng bá mạng lưới kinh doanh qua hệ thống truyền thông Cancham...
- Không riêng Cancham mà các hiệp hội DN khác cần làm gì để nâng cao tính cộng đồng?
+ Chia sẻ kinh nghiệm về quan hệ cộng đồng theo quan điểm của châu Mỹ. Đó là, hiệp hội phải có kế hoạch kinh doanh trước hàng năm, có ngân sách để hoạt động, có các bộ chuyên trách và cả chuyên gia tư vấn. Đặc biệt, hiệp hội cần nâng cao tính định hướng lâu dài.
- Theo ông, trong bối cảnh hội nhập, "cạnh tranh" và "hợp tác", yếu tố nào "nặng" hơn?
+ Đối với mọi DN, mục tiêu quan trọng nhất là không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, thành công trong cuộc chiến này không có nghĩa là ta phải thắng bằng cách loại trừ đối thủ, mà nên tạo thế các bên cùng thắng. Do vậy, "cạnh tranh" và "hợp tác" nên đặt song hành trong chiến lược và hoạt động của mỗi DN và trong quan hệ với các đối tác nước ngoài.
Hanoinet
|