Thứ Sáu, 20/07/2007 16:24

Nhập khẩu – kinh doanh dược phẩm: Siêu lợi nhuận

 Xuất phát từ đề nghị của UBND quận 8, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo Thanh tra và Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm-mỹ phẩm tiến hành phân loại thuốc Paracetamol chích có nhiều mẫu bao bì nghi giả đã được phát hiện và niêm phong trước đó tại Công ty TNHH Dược phẩm Vĩnh Tường Phát. Từ đây, thêm nhiều kết quả bất ngờ đã được hé lộ.

Tự in vỏ, nhãn ống thuốc

Tại Công ty Vĩnh Tường Phát (số 28 đường 266 phường 6 quận 8), loại Paracetamol chích của nhà sản xuất Ciron ở lô E4313 có 150 hộp trên nhãn ống thuốc có dấu xóa đường dùng IV (ký hiệu thuốc tiêm tĩnh mạch). Ở loại Paracetamol chích của nhà sản xuất Lachmi có 5.800 hộp trên nhãn ống thuốc cũng có dấu xóa đường dùng IV. Ngoài ra, trên vỏ hộp không in số đăng ký, không dán nhãn phụ nhập khẩu.

Khi đoàn thanh tra kiểm tra ngẫu nhiên mỗi lô vài hộp thuốc, nhìn cảm quang bằng mắt thường phát hiện một số ống thuốc trong một hộp đã biến màu sậm hơn.

Từ những thông tin trên, Sở Y tế TPHCM đã điều tra và xác minh nguồn gốc về thuốc Paracetamol chích được nhập khẩu như thế nào từ nhiều doanh nghiệp, hiệu thuốc trên địa bàn TPHCM. Đặc biệt, tại nhà thuốc ở BV đa khoa Sài Gòn, Thanh tra Sở Y tế phát hiện có bán Paracetamol chích mua tại Công ty Vĩnh Tường Phát, có dấu xóa đường dùng trên vỏ hộp và nhãn ống thuốc. Từ đây, cơ quan chức năng có thêm cơ sở kết luận Công ty Vĩnh Tường Phát đã vi phạm nghiêm trọng khi tự xóa đường dùng IV trên vỏ hộp thuốc, nhãn ống thuốc và tự in bao bì vỏ hộp, nhãn ống thuốc, không báo cáo và xin phép Cục Quản lý dược Việt Nam.

Lãi 928%!

Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, CTCP Dược và Thiết bị y tế Đà Nẵng nhập khẩu Paracetamol chích với 2 loại khác nhau. Giá của nhà sản xuất Ciron là 19.237 đồng/hộp. Giá của Lachmi là 10.048,5 đồng/hộp. Tuy nhiên, khi Sở Y tế kiểm tra giá bán trên các hóa đơn xuất nhập của các công ty, đã phát hiện cả một vòng tròn luẩn quẩn về đường đi của thuốc.

Đầu tiên, chi nhánh của CTCP Dược và Thiết bị y tế Đà Nẵng tại TPHCM xuất bán 2 loại thuốc trên cho CTCP Dược phẩm và Dịch vụ y tế Khánh Hội với giá lần lượt: 21.524 đồng/hộp và 20.580 đồng/hộp. Sau đó, Công ty Khánh Hội xuất bán cho Hiệu thuốc số 38 CTCP Dược phẩm quận 10 cũng 2 loại trên với giá 44.999,85 đồng/hộp và 43.500,45 đồng/hộp. Tiếp tục, Hiệu thuốc số 38 - Công ty CPDP quận 10 xuất bán cho Công ty TNHH Dược phẩm Vĩnh Tường Phát với 3 loại giá: 86.999,85 đồng/hộp; 87.000,9 đồng/hộp và 89.999,7 đồng/hộp (thuốc nhập về có 2 loại giá nhưng các công ty xuất bán trên hóa đơn chỉ ghi 1 loại giá và không thể hiện được số lô và thuốc của nhà sản xuất nào trên hóa đơn).

Song song đó, Chi nhánh CTCP Dược TW-Mediplantex cũng mua lại thuốc của 4 đơn vị gồm: Công ty CPDP & DVYT Khánh Hội,  Hiệu thuốc số 38 CTCP Dược phẩm quận 10, Hiệu thuốc 43 CTCP Dược phẩm quận và Công ty TNHH DP Trung Nghĩa ở Hà Nội, với giá từ 41.904 đồng đến 53.858 /hộp.

Sau đó, Mediplantex xuất bán toàn bộ cho Công ty Vĩnh Tường Phát với 2 loại giá: 83.800 đồng/hộp và 86.000 đồng/hộp. Từ đây, Công ty Vĩnh Tường Phát đã xuất bán cho nhiều bệnh viện, cơ sở điều trị, đơn vị kinh doanh đang hoạt động trên địa bàn TPHCM và các tỉnh. Trong đó, tại nhà thuốc BV Sài Gòn, Thanh tra Sở Y tế phát hiện giá bán có thuế VAT là 94.281 đồng/hộp; tại nhà thuốc BV Hoàn Mỹ giá bán có thuế VAT là 92.190 đồng/hộp.

Như vậy, khi nhập khẩu, thuốc Paracetamol chích có giá chỉ khoảng 10.000 đến 19.237 đồng/hộp, thế nhưng sau khi qua quá trình mua bán lòng vòng giữa các công ty, đến lúc đưa vào các bệnh viện, cơ sở kinh doanh, đã được đẩy lên 92.190-94.281 đồng/hộp. Cụ thể, tỷ lệ lãi so với giá nhập khẩu đối với hàng của Ciron là 485% và của Lachmi là… 928%! Hậu quả của việc mua bán thuốc lòng vòng này là người bệnh phải gánh chịu. Hầu hết người bệnh đều không biết gì về con đường đi ngoằn nghèo của thuốc và giá của nó được “bơm” cao ngút trời như thế nào.

Nhiều mẫu thuốc Paracetamol không đạt

Qua kiểm nghiệm mẫu thuốc Paracetamol  của nhà sản xuất Lachmi (do Đoàn kiểm tra liên ngành quận 8 gửi) tại Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM-Bộ Y tế: Kết quả có 4/4 mẫu thử đạt về định tính, định lượng nhưng không đạt chỉ tiêu tính chất. Thuốc có chỉ định dùng IV/IM nhưng trên toa chỉ dùng IM (ký hiệu tiêm bắp).

Tương tự, kết quả kiểm nghiệm mẫu Paracetamol do Ciron sản xuất, 1 mẫu thử (lô E 44313) đạt về định tính, định lượng nhưng không đạt chỉ tiêu tính chất. Cụ thể, 20/30 ống không cùng lô, nhãn bị bôi xóa. Ý kiến của Đoàn kiểm tra liên ngành quận 8: 1.155 hộp của lô E 44313 không thể lưu thông trên thị trường vì không đạt tiêu chuẩn.

SGGP

Các tin tức khác

>   Giải trình về việc tăng giá thép (20/07/2007)

>   ASEAN Fund sẽ đầu tư vào BĐS VN (20/07/2007)

>   Thành lập Ủy ban Hỗn hợp kinh tế và thương mại Việt Nam - Anh (20/07/2007)

>   Doanh nghiệp phản hồi vụ thực phẩm vào Mỹ bị từ chối (20/07/2007)

>   VDC - Nhà cung cấp dịch vụ Internet tốt nhất (20/07/2007)

>   Quản lý thị trường sữa: “Khó” hay “né”? (20/07/2007)

>   Việt Nam gần “đội sổ” về cạnh tranh công nghệ thông tin (20/07/2007)

>   Mới có 5 doanh nghiệp sử dụng chứng nhận xuất xứ C/O mẫu D (20/07/2007)

>   Thành lập Hội hữu nghị Việt Nam-Venezuela (20/07/2007)

>   “Tận dụng” BTA: Chưa có chiến lược khôn ngoan (20/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật