Thứ Sáu, 20/07/2007 14:12

Giải trình về việc tăng giá thép

Hiệp hội Thép Việt Nam đã có giải trình gửi Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) về việc thép liên tục tăng giá trong thời gian qua. Theo đó, giá thép tăng là do giá phôi nhập khẩu tăng mạnh. Tuy nhiên, số liệu của Hải quan lại rất khác so với những gì doanh nghiệp đã thông báo cho Hiệp hội.

Trước đó, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) có công văn số 9258/BTC-QLG đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam gửi báo cáo tình hình sản xuất và kinh doanh thép xây dựng 6 tháng đầu năm 2007 và dự kiến thực hiện trong năm 2007 để có cơ sở bình ổn giá thép trong thời gian tới.

Cục Quản lý giá yêu cầu các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Thép báo cáo chi tiết chi phí sản xuất phôi thép, chi phí sản xuất thép xây dựng từ nguồn phôi nhập khẩu và phôi tự sản xuất của năm 2006 và 6 tháng đầu năm 2007; giá nhập khẩu phôi thép, thép phế từ đầu năm 2007 đến nay; giá bán thép xây dựng, bao gồm giá bán buôn tại nhà máy, giá bán tại các chi nhánh, đại lý, giá bán của các đơn vị lưu thông và giá bán lẻ...

Sở dĩ có đề nghị này là do trên thực tế giá thép tăng rất mạnh trong hơn hai tháng qua (tăng thêm gần 2 triệu đồng/tấn) so với mức giá cuối năm ngoái.

Ngày 20/7/2007 Hiệp hội Thép Việt Nam đã có công văn số 55/2007 HHTVN trả lời Cục Quản lý giá. Theo đó Hiệp hội Thép hiện có 21 công ty sản xuất thép thành viên, chiếm trên 80% sản lượng thép xây dựng. Công suất lắp đặt trên 6 triệu tấn, trong khi đó dự kiến năm 2007 chỉ tiêu thụ 4 triệu tấn. Cung vượt cầu quá xa dẫn đến cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp để giành thị phần nên không thể có độc quyền tăng giá bất hợp lý.

Hiệp hội Thép theo dõi giá bán ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hàng tháng, nếu thấy bất bình thường thì mới có ý kiến trực tiếp hoặc tổ chức thảo luận để đảm bảo tính hợp lý trong sản xuất, tiêu thụ và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Hiệp hội không có quyền can thiệp vào giá bán của các công ty mà do thị trường tự điều tiết, doanh nghiệp tự định giá bán, người tiêu dùng lựa chọn khi mua. Hiệp hội Thép cũng theo dõi sát sao số lượng và giá nhập khẩu nguyên liệu và thép thành phẩm mỗi tháng 2 kỳ. Nếu phát hiện những điều bất thường thì có ý kiến với các thành viên và các cơ quan quản lý.

Hiệp hội Thép cũng cho biết, căn cứ vào số liệu thống kê nhập khẩu thì giá phôi thép bình quân năm 2006 là 389 USD/tấn và tháng 6/2007 là 513 USD/tấn. Giá phôi chênh lệch 124 USD/tấn tương đương với 2 triệu đồng/tấn nên giá thép hiện nay tăng so với cuối năm 2006 khoảng 2 triệu đồng/tấn có nguyên nhân chính là do giá phôi nhập khẩu tăng, ngoài ra là giá điện, xăng dầu, than, vận tải cũng tăng nên tác động đến giá thành thép.

Có một số ý kiến cho rằng khi nhập được phôi giá thấp thì phải bán thép giá thấp, ngay cả khi giá phôi nhập đã tăng cao. Nếu làm theo cách tư duy này là trái với quy luật kinh tế thị trường, các nhà sản xuất sẽ không đảm bảo tái sản xuất và nếu kéo dài tình trạng này sẽ dẫn tới phá sản.

Việc tính toán giá thành của thép căn cứ vào giá phôi nhập khẩu bình quân chỉ có tính chất tham khảo vì thực tế nhiều công ty mua cao hơn giá bình quân. Ví dụ theo thống kê của Hải quan, giá phôi thép bình quân trong tháng 6/2007 là 513 USD/tấn nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp đã nhập với giá cao hơn như Tổng Công ty Thép nhập gần 1.000 tấn với giá 527 USD/tấn, Công ty thép Vinakyoei nhập với giá 528 USD/tấn, Thép Việt Hàn 534 USD/tấn...

Ngay cả khi lấy giá phôi bình quân là 513 USD/tấn thì giá thành thép tại nhà máy là 513USD cộng với 25,6USD thuế nhập khẩu; 10USD tiền vận tải, kho bãi; 50USD chi phí gia công; 29,93USD thuế VAT đã ra 628,58 USD/tấn (tương đương với 10.132.7709 đồng) tại xưởng, giá này chưa kể lãi ngân hàng, chi phí cho hệ thống đại lý, vì vậy giá bán thép tăng là có lý do xác thực.

Tuy nhiên, trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Tiến Thoả - Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết các doanh nghiệp cứ nói giá phôi thép  nhập khẩu của họ cao như trong tháng 6/2007 là 513 USD/tấn, nhưng theo số liệu của Hải quan thì các doanh nghiệp thép nhập khẩu phôi thép khai báo giá nhập tháng 1/2007 là 427 USD/tấn, tháng 2 là 434 USD/tấn, tháng 3 là 445 USD/tấn, tháng 4 là 468 USD/tấn, tháng 5 là 470 USD/tấn và tháng 6 là 480 USD/tấn.

Thép là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá vì vậy khi giá thép biến động phải được báo cáo. Chưa nói gì tới bất hợp lý ở đây cả, chúng tôi chỉ đề nghị các doanh nghiệp báo cáo để có thêm những thông tin xem xét khách quan và làm cơ sở bình ổn giá thép trong thời gian tới, ông Thoả cho biết.

VNN

Các tin tức khác

>   ASEAN Fund sẽ đầu tư vào BĐS VN (20/07/2007)

>   Thành lập Ủy ban Hỗn hợp kinh tế và thương mại Việt Nam - Anh (20/07/2007)

>   Doanh nghiệp phản hồi vụ thực phẩm vào Mỹ bị từ chối (20/07/2007)

>   VDC - Nhà cung cấp dịch vụ Internet tốt nhất (20/07/2007)

>   Quản lý thị trường sữa: “Khó” hay “né”? (20/07/2007)

>   Việt Nam gần “đội sổ” về cạnh tranh công nghệ thông tin (20/07/2007)

>   Mới có 5 doanh nghiệp sử dụng chứng nhận xuất xứ C/O mẫu D (20/07/2007)

>   Thành lập Hội hữu nghị Việt Nam-Venezuela (20/07/2007)

>   “Tận dụng” BTA: Chưa có chiến lược khôn ngoan (20/07/2007)

>   2.900 tỷ đồng xây dựng cảng quốc tế Vân Phong (20/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật