“Tận dụng” BTA: Chưa có chiến lược khôn ngoan
Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) đã thực hiện được 5 năm. Đây cũng là khoảng thời gian mà hai nước đã nỗ lực hết sức nhằm đưa những chính sách trong BTA vào thực tiễn kinh tế, tạo ra những thay đổi đột biến trong quan hệ kinh tế.
Báo cáo đánh giá tác động 5 năm triển khai BTA đối với thương mại, đầu tư và cơ cấu kinh tế của VN do Bộ KHĐT và Dự án Hỗ trợ kỹ thuật thực hiện BTA đã nhận định: 5 năm thực hiện BTA, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất, đồng thời cũng trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất của VN. Báo cáo cũng nhận định rằng sau 5 năm BTA, VN đã là một trong những thị trường xuất khẩu phát triển nhất của Mỹ.
Lợi cả đôi bên
Ông James Riedel - cố vấn kinh tế cao cấp, dự án Starr VN cho biết, ngay sau khi thực hiện BTA, hàng hóa xuất khẩu của VN sang Mỹ đã tăng đột biến. Ngay trong năm đầu tiên, năm 2002, hàng hóa xuất khẩu của VN sang Mỹ đã tăng 128%, năm 2003 đã tăng 90%... Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Mỹ cắt giảm thuế hàng loạt theo cam kết BTA. Từ năm 2003, tốc độ xuất khẩu đã giảm xuống và ổn định trên 20% vì có sự hạn chế quota dệt may. Tính chung 5 năm thực hiện BTA, xuất khẩu VN sang Mỹ đã tăng 8 lần. Mỹ đã vươn lên thành thị trường lớn nhất của xuất khẩu VN và chiếm hơn 20% tổng giá trị hàng xuất khẩu VN.
Bên cạnh đó, xuất khẩu của Mỹ sang VN đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua. Hàng hóa xuất khẩu Mỹ chủ yếu là phương tiện, máy móc, các sản phẩm chế tạo và thực phẩm sơ chế... Rõ ràng, Mỹ cũng được hưởng lợi từ sự phát triển của VN cũng như từ BTA.
Tuy nhiên, trên thực tế, cán cân thương mại song phương đã tạo ra những áp lực trong việc áp dụng các biện pháp "khắc phục" như các rào cản kỹ thuật, chống bán phá giá... như đã từng xảy ra với mặt hàng cá ba sa và hàng dệt may... Song theo các chuyên gia thuộc Dự án Star VN thì điều này không có gì khác thường mà là khá phổ biến trong việc xuất khẩu các mặt hàng chế tác sử dụng nhiều lao động của các nước chậm phát triển. Bằng những con số thực tế, báo cáo này cho thấy quy mô nền kinh tế VN còn quá nhỏ bé so với nền kinh tế Mỹ và hàng nhập khẩu VN vào Mỹ chỉ có thể tác động rất nhỏ tới nền kinh tế Mỹ trong tương lai. Vì thế, bà Phạm Chi Lan cho rằng, cần có một cái nhìn sòng phẳng hơn trong quan hệ hai nước sau BTA. Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh, sự phát triển xuất khẩu của VN có đóng góp của những DN FDI, trong đó có cả những DN Mỹ. Nếu tách riêng DN VN thì các con số đó sẽ là rất nhỏ. Vì thế, VN hoàn toàn không đáng bị áp dụng những chính sách như đối với các mặt hàng cá basa, tôm, dệt may và có thể là đồ gỗ trong tương lai.
Chưa như kỳ vọng
Theo báo cáo, BTA đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế VN theo hướng nền kinh tế định hướng xuất khẩu, chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu sang các mặt hàng sử dụng nhiều lao động... Dẫn chứng cho điều này, báo cáo chỉ ra rằng, sau khi thực hiện BTA, VN đã trở thành một nền kinh tế xuất khẩu mạnh hơn với tốc độ tăng trưởng mạnh và đều qua các năm. Tuy nhiên, theo TS Đặng Đức Đạm - Chuyên viên cao cấp - Văn phòng Chính phủ, bên cạnh thành quả thương mại, nhất là về sản lượng xuất khẩu rất đáng khích lệ thì sự chuyển biến về cơ cấu và chất lượng chưa thực sự rõ nét.
Ông James Riedel nhấn mạnh rằng các mặt hàng chế tác đã tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, TS Đặng Đức Đạm nhận định, đại bộ phận cái gọi là "chế tác xuất khẩu" sang Mỹ thực chất là hàng gia công dựa chủ yếu vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Ví dụ điển hình là mặt hàng dệt may. Mặt hàng này chiếm 50% giá trị hàng xuất khẩu VN sang Mỹ, song do có tới 90 - 95% nguyên phụ liệu nhập khẩu nên VN chỉ được hưởng 5 - 10%. Điều đó phần nào giải thích vì sao VN tăng mạnh xuất khẩu song cũng phải nhập khẩu với số lượng lớn.
Nhận định về lợi ích mà BTA mang lại cho nền kinh tế VN, PGS TS Trần Đình Thiên - Viện phó Viện Kinh tế VN nhận định: các mặt hàng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động của VN sang Mỹ tăng mạnh, 8 lần trong vòng 5 năm.
Mặc dù yếu tố sản lượng quan trọng nhưng điều chúng ta kỳ vọng không chỉ sử dụng những lợi thế tĩnh như lao động có nhiều và rẻ mà tạo ra những sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Đơn cử như doanh số XK hàng dệt may tăng nhưng những sản phẩm chất lượng cao chưa có. Ông Thiên thẳng thắn: "VN chưa có chiến lược khôn ngoan để tận dụng những cơ hội của BTA đem lại!".
Trước khi có Hiệp định BTA, VN không được hưởng quy chế tối huệ quốc, bị áp mức thuế cao hơn rất nhiều nước khác, chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm sơ chế sang Mỹ. Nhưng một năm khi có BTA, XK của VN sang Mỹ đã tăng 128%. Trong đó XK hàng chế tạo của VN tăng hơn 500% trong năm 2002; trong đó XK hàng may mặc tăng tới 1.769%, XK đồ gỗ tăng 499%, hàng hoá phục vụ du lịch tăng 5.433%, các hàng hoá chế tạo khác tăng 847%, giày dép tăng 70%. Trong khi cùng thời điểm, XK của VN ra các thị trường khác chỉ đạt mức tăng trung bình 10%. Đồng thời XK của hàng hoá Mỹ vào thị trường VN cũng tăng 26% trong cùng thời điểm này.
DĐDN
|