Chính phủ sẽ kìm chế giá leo thang
Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm tăng cao nhất so với cùng kỳ 5 năm gần đây, nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu phấn đấu của cả năm là 8,5%. Chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng cao hơn cùng kỳ năm trước 4%.
Báo cáo Quốc hội chiều nay, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 7,87%, trong đó sản xuất công nghiệp tăng cao, giá trị sản xuất tăng 16,9 %, giá trị gia tăng tăng gần 10%. Tuy nhiên, một số sản phẩm công nghiệp có giá trị sản xuất lớn, có khả năng đóng góp nhiều vào tăng trưởng chung của nền kinh tế lại tăng trưởng thấp hơn tốc độ tăng của toàn ngành, thậm chí giảm so với cùng kỳ, như dầu thô giảm 1 triệu tấn, mức tăng trưởng ngành điện, khí đốt thiên nhiên, xi măng chưa theo kịp nhu cầu xã hội và sản xuất kinh doanh.
Báo cáo Chính phủ bày tỏ lo ngại khi khối lượng thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư đạt thấp so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nhập siêu tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ, bằng 21,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng tới 5,2%, cao hơn cùng kỳ năm trước 4%. Mặc dù khẳng định chỉ số giá tiêu dùng vẫn trong tầm kiểm soát, song Chính phủ cũng bày to lo ngại bởi thị trường tiềm ẩn nhiều yếu tố gây biến động bất thường.
Về mặt xã hội, Chính phủ thừa nhận tình hình tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm đang gia tăng, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân; tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng công dân tập trung đông người khiếu kiện tại Hà Nội và TP HCM đặt ra yêu cầu cần có biện pháp tập trung chỉ đạo giải quyết.
Giữ cho tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng
Nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2007, Chính phủ đã đề ra 7 nhóm giải pháp. Cụ thể, Chính phủ sẽ theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, chủ động bình ổn giá khi có biến động bất thường do cân đối cung - cầu một số mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống như: xăng dầu, lương thực, phân bón, sắt thép, xi măng, thuốc chữa bệnh.
Chính phủ sẽ tăng cường kiểm soát việc chuyển từ độc quyền giá nhà nước sang độc quyền giá doanh nghiệp, không để doanh nghiệp lợi dụng độc quyền để tăng giá hoặc tạo ra sức ép về cung - cầu nhằm đầu cơ, tăng giá. Chính phủ cũng tăng cường kiểm soát sự dịch chuyển của vốn tiền tệ giữa các thị trường tín dụng và thị trường chứng khoán; thực hiện chính sách tỷ giá phù hợp, có lợi cho xuất khẩu cũng như ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam.
Về tình hình xã hội, Chính phủ cam kết xóa đói giảm nghèo vững chắc; chủ động phòng chống dịch bệnh trong nông nghiệp và phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; tăng cường kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ đạo, đảm bảo an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn liền với phòng, chống tham nhũng...
Riêng về tình hình tai nạn giao thông, Phó thủ tướng nhìn nhận các quy định pháp luật và các giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông đã tương đối đầy đủ, vấn đề là phải tạo được quyết tâm chính trị cao và ý thức chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông. "Một mặt, Chính phủ đang đề cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, mặt khác xin đề nghị các đại biểu trên cương vị công tác, tổ chức giám sát và vận động toàn dân chấp pháp luật, tạo chuyển biến tích cực ngay trong những tháng cuối năm 2007", ông Hùng đề nghị.
Giám sát chương trình hành động của nhân sự cấp cao
Trước đó, QH đã nghe Tổng thư ký Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc VN Huỳnh Đảm đọc báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri cả nước. So với các nhiệm kỳ trước, bản báo cáo này khá ngắn gọn, tập trung vào 3 vấn đề chính.
Thứ nhất, cử tri đánh giá đa số đại biểu QH khóa 11 đã không phụ lòng tin của dân, thực hiện tốt nhiệm vụ. Nhưng còn không ít người hạn chế trong việc tham gia hoạt động của QH, chưa gắn bó với dân. Cử tri yêu cầu các đại biểu QH khóa 12 cần thực hiện chương trình hành động và lời hứa đã trình bày với dân trong các cuộc tiếp xúc bầu cử, cần gửi bản chương trình hành động đến Ủy ban Thường vụ QH và nơi ứng cử để nhân dân giám sát.
Ngay kỳ họp này, mỗi đại biểu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn những người xứng đáng vào nhân sự cấp cao.
Thứ hai, cử tri mong muốn QH khóa 12 cần xây dựng luật theo hướng cụ thể, đồng bộ, khắc phục tình trạng luật không đi vào cuộc sống. Việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước phải đúng ý Đảng, hợp lòng dân, tránh những quyết định không sát thực tế, gây lãng phí.
Thứ ba: cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân cần nâng cao hiệu quả giám sát tối cao, quan tâm tới công tác phòng chống tham nhũng, chống lãng phí trong các lĩnh vực quản lý đất đai, cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ bản. "Hoạt động chất vấn và trả lời cần có trọng tâm, trọng điểm. Người được QH bầu và phê chuẩn cần có chương trình hành động gửi đến Thường vụ QH, và Mặt trận tổ quốc giám sát. Cần bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ với chức danh đối với QH bầu và phê chuẩn", Tổng thư ký Huỳnh Đảm dẫn lời của cử tri.
VNE
|