Thứ Sáu, 20/07/2007 17:41

Không chỉ cần một chế tài cụ thể

Rất kỳ vọng, song lại chưa thực sự tin tưởng vào tính khả thi của cơ chế bồi thường nhà nước, tại cuộc thảo luận về việc xây dựng Luật Bồi thường nhà nước, nhiều đại diện doanh nghiệp (DN) cho rằng, các vấn đề thực tiễn và lý thuyết, đặc biệt là lợi ích của các bên, cần tìm được sự cân bằng hợp lý với thực tế của Việt Nam, để đảm bảo không có thêm bộ luật chỉ tốt đẹp trên giấy.

Sự lo ngại của các DN trong vấn đề được coi là đặc biệt nhạy cảm và thực sự hấp dẫn về quyền lợi đối với các DN, không phải là quá sớm. Bởi lẽ, từ năm 1997, Chính phủ đã có Nghị định 47/1997/NĐ-CP về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Song, cho tới nay, có nghĩa là 10 năm sau khi văn bản này có hiệu lực, vẫn chưa có vụ việc nào được thực hiện theo các quy định của Nghị định. Thậm chí, theo bà Dương Thanh Mai, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), những cuộc điều tra cho thấy, có những công chức không hề biết gì về trách nhiệm bồi thường của mình theo quy định của Nghị định 47/CP. “Người dân cũng không thể vận dụng Nghị định 47/CP để bảo vệ quyền lợi của mình khi bị công chức gây thiệt hại, vì các quy định của Nghị định này chưa rõ ràng”, bà Mai nhận xét.

Hơn nữa, trong kết quả khảo sát của Bộ Tư pháp về tình hình gây thiệt hại trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, các đối tượng có liên quan đánh giá rất khác nhau. 55,4% cán bộ cơ quan hành chính cho rằng, thiệt hại do cơ quan nhà nước gây ra cho cá nhân là có nhưng không nhiều; chỉ có khoảng 9,1% cho rằng, thiệt hại “đáng báo động”. Trong khi đó, có tới 59% luật sư cho rằng, thiệt hại xảy ra rất đáng bức xúc; mức độ báo động được 27% luật sư tham gia khảo sát khẳng định. Nếu cuộc khảo sát này được thực hiện với DN, thì có lẽ mức độ báo động sẽ được ghi nhận ở những tỷ lệ cao hơn, khi mà các DN thường phải chịu thiệt thòi hơn trong trường hợp bị các công chức, cơ quan nhà nước gây thiệt hại.

Thực ra, lo ngại lớn nhất của giới DN về các quy định liên quan đến bồi thường nhà nước chính là sự thiếu rõ ràng, minh bạch trong quy trình và trong việc xác định các hành vi vi phạm. Ông Hoàng Văn Láng, Giám đốc Công ty cổ phần Vacvina (Bắc Giang) cho rằng, rất khó buộc các cơ quan nhà nước, các công chức thừa nhận mình làm sai. “Doanh nghiệp của chúng tôi đang bị ách tắc chỉ vì các quyết định áp đặt chủ quan của chính quyền địa phương, mà không hề giải thích tại sao, về việc chúng tôi không được tiếp tục triển khai dự án trồng cây gió bầu, trong khi các thủ tục về đăng ký đầu tư, cũng như việc ký kết hợp đồng trồng cây với người dân đã và đang được thực hiện. Thậm chí, văn bản liên quan của UBND tỉnh Bắc Giang còn trích dẫn sai cả quy định của pháp luật. Mọi việc đã rất rõ ràng, song họ vẫn không thừa nhận là sai, vẫn tìm ra bằng được những vi phạm của DN để lấn át”, ông Láng kêu ca.

Ông cho rằng, tính khả thi của các quy định liên quan đến bồi thường nhà nước không chỉ là cơ chế, chế tài rõ ràng, mà quan trọng là sự kiên quyết trong thực hiện. “Chúng tôi sẽ không bỏ qua vụ việc này, dù không chắc kết quả thế nào, khi mà chính các cán bộ toà án của địa phương đã nói rằng, nhiều sức ép lắm”, ông Láng cho biết thêm.

Được biết, Ban soạn thảo đang hướng theo phương án: sẽ đưa ra các tiêu chí để xác định thế nào là hành vi được bồi thường nhà nước, thay vì liệt kê các hành vi của một số văn bản pháp luật có liên quan. Cách làm này sẽ phủ lên mọi hành vi của giới công chức, các cơ quan nhà nước và với bất cứ hành vi gây thiệt hại nào hội tụ các tiêu chí, như của cán bộ công chức; có thiệt hại cho DN, người dân; trong khi thi hành công vụ..., người bị hại sẽ có quyền yêu cầu nhà nước đền bù.

Đối với công chức, trách nhiệm hoàn trả cũng được tính đến, song sẽ chỉ thực hiện với lỗi cố ý. “Với các lỗi sơ ý, Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm bồi thường. Công chức sẽ không phải hoàn trả, song sẽ chịu các mức kỹ luật theo các quy định về công chức”, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết.

Dự kiến, dự thảo Luật Bồi thường nhà nước sẽ được hoàn thành và đưa ra lấy ý kiến trong cuối năm nay.

ĐTCK

Các tin tức khác

>   DN TP.HCM nắm bắt cơ hội đầu tư vào Lào (20/07/2007)

>   49% vốn nước ngoài được thành lập như DN trong nước (20/07/2007)

>   Nhập khẩu – kinh doanh dược phẩm: Siêu lợi nhuận (20/07/2007)

>   Giải trình về việc tăng giá thép (20/07/2007)

>   ASEAN Fund sẽ đầu tư vào BĐS VN (20/07/2007)

>   Thành lập Ủy ban Hỗn hợp kinh tế và thương mại Việt Nam - Anh (20/07/2007)

>   Doanh nghiệp phản hồi vụ thực phẩm vào Mỹ bị từ chối (20/07/2007)

>   VDC - Nhà cung cấp dịch vụ Internet tốt nhất (20/07/2007)

>   Quản lý thị trường sữa: “Khó” hay “né”? (20/07/2007)

>   Việt Nam gần “đội sổ” về cạnh tranh công nghệ thông tin (20/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật