Thứ Ba, 10/07/2007 17:38

Đề xuất một số giải pháp để xem xét trong chỉ đạo thực hiện kế hoạch quý III năm 2007

1.   Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

(i) Tiến hành thường xuyên công tác tuyên truyền phòng, chống dịch cúm gia cầm để tránh tình trạng lơ là, chủ quan của người dân. Cần chú ý đến sự biến đổi về cơ chế lây nhiễm của chủng virus này đã tránh tình trạng lây nhiễm sang người.

(ii) Tổ chức lại sản xuất, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, đồng thời điều chỉnh cơ cấu một số mặt hàng nông, lâm sản xuất khẩu để tăng năng lực cạnh tranh cho nhóm mặt hàng này trên thị trường quốc tế.

2. Công nghiệp

(i) Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp, cần có những cơ chế hướng dẫn đầy đủ và cụ thể để các doanh nghiệp hiểu rõ về tiến trình hội nhập WTO cũng như những cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO.

(ii) Xây dựng một đội ngũ luật sư Việt Nam phải hiểu rõ luật pháp quốc tế, để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước chống lại những vụ kiện bán phá giá phi lí nhằm tạo điều kiện tốt để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, tránh những thiệt hại không đáng có.

(iii) Ổn định về giá trong thời gian nhất định đối với một số đầu vào quan trọng của sản xuất như điện, than, dầu để doanh nghiệp có thể chủ động sản xuất, tránh những biến động bất lợi.

3. Thương mại nội địa và dịch vụ

a. Về quản lý chất lượng hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng, lương thực thực phẩm

- Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường trong nước và xuất nhập khẩu để tạo tâm lý an tâm cho người tiêu dùng, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng thương mại nội địa cũng như xuất khẩu trong các quý tới.

- Xây dựng, ban hành, quán triệt và thống nhất thực hiện đối với các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá từ trung ương tới địa phương, với các nội dung cụ thể sau:

+ Quy chế kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá lưu thông trên thị trường;

+ Quy chế kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất, nhập khẩu cho các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng, trong đó quy định rõ nội dung, thủ tục kiểm tra, quyền và trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, quyền và nghĩa vụ của cơ sở được kiểm tra, xử lý vi phạm, các biểu mẫu về công tác kiểm tra và thống kê, báo cáo...

+ Xây dựng, ban hành và thống nhất áp dụng quy trình chung kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá lưu thông trên thị trường, các quy trình cụ thể cho từng nhóm, loại hàng hoá.

+ Tổ chức thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hoá theo kế hoạch, chuyên đề hoặc đột xuất, nhằm mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền lợi hợp pháp chính đáng của người tiêu dùng, đồng thời tạo môi trường cho các doanh nghiệp phát triển, cạnh tranh lành mạnh.        

- Tổ chức hướng dẫn thực hiện nghiêm chế độ thống kê, báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất và tổng hợp báo cáo kịp thời với các cơ quan cấp trên và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình, kết quả kiểm tra, về các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, các thông tin hướng dẫn bảo vệ quyền của người tiêu dùng...

b. Về các biện pháp thúc đẩy sự phát triển của các ngành dịch vụ

- Thúc đẩy mở rộng mạng lưới hoạt động thương mại - dịch vụ phong phú, đa dạng, toàn diện, tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ chủ yếu (như du lịch, bảo hiểm, vận tải hàng hóa và hành khách, tài chính, ngân hàng, bưu chính - viễn thông), phát triển dịch vụ mới có sức cạnh tranh cao; cải tiến phương thức nhằm đạt hiệu quả cao hơn như trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ vận tải...

- Ưu tiên các ngành dịch vụ mang tính "đột phá" - là những ngành có thể tạo ra những hiệu ứng cấp số nhân trong toàn bộ nền kinh tế và làm thay đổi căn bản cấu trúc cạnh tranh và các lựa chọn kinh tế sẵn có, trong đó có viễn thông, tài chính, vận tải hàng không, vận tải biển, xây dựng và du lịch.

- Tăng cường các hoạt động xúc tiến quảng bá, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng - những yếu tố quan trọng hàng đầu trong ngành dịch vụ nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng dịch vụ, thúc đẩy tăng trưởng.

4. Xuất, nhập khẩu

a. Về xuất khẩu

-   Tận dụng cơ hội và hạn chế những thách thức một cách triệt để, đặc biệt cần thực hiện đầy đủ các cam kết đa phương, song phương trong hoạt động xuất  khẩu.

-   Đối với những hàng xuất  khẩu phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, để tăng sức cạnh tranh, cần nhanh chóng chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đầu tư thích đáng cho khâu thiết kế mẫu mã và tiếp thị, tăng giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị sản phẩm.

Một số giải pháp đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là:

+ Đối với hàng dệt may: Đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may, nhưng không coi nhẹ thị trường trong nước. Ngoài thực hiện đơn hàng, cần phải chú ý đảm bảo số lượng lao động ổn định, tăng cường giám sát và quản lý giá xuất khẩu, hạn chế các lô hàng đơn giản và không đưa ra một mức giá quá thấp, tránh nguy cơ phải đối phó với những vụ kiện phá giá.

+ Đối với mặt hàng da giày: Để tăng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng da giày, cần hình thành chợ nguyên phụ liệu cho da giày để phục vụ tốt hoạt động sản xuất. Xem xét việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư, xây dựng và kinh doanh chợ nguyên phụ liệu cho da giày trong nước. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc xúc tiến tìm kiếm bạn hàng và ký kết hợp đồng xuất khẩu trực tiếp trên cơ sở tăng cường năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm và gia tăng tỷ lệ nguyên phụ liệu trong nước tự đáp ứng được; tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào Hoa Kỳ và các thị trường khác ngoài EU, đẩy mạnh khai thác những thị trường ngách, thị trường nhỏ nhưng chấp nhận mức giá cao và ưa thích các sản phẩm đặc thù.

+ Cà phê: Nâng cao giá trị xuất khẩu của mặt hàng cà phê, thông qua nâng cao chất lượng mặt hàng cà phê xuất khẩu. Trước mắt, cần tập trung vào khâu công nghệ sau thu hoạch theo đúng các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Từng bước nâng cao năng lực chế biến, tăng dần tỷ trọng xuất khẩu cà phê đã qua chế biến (như cà phê bột, cà phê hoà tan...). Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động giao dịch, xuất khẩu trên các sàn giao dịch quốc tế để tìm kiếm mức giá có lợi trong xuất khẩu cũng như nỗ lực xây dựng thương hiệu và xuất khẩu cà phê qua chế biến.

+ Gạo: Chú trọng đến việc cung cấp thông tin có giá trị và dự báo chính xác, kịp thời cho các doanh nghiệp để xuất khẩu vào những thời điểm có lợi về giá nhất. Tăng cường xuất khẩu gạo thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm an ninh lương thực, người sản xuất gạo và DN xuất khẩu gạo cùng có lợi... Hợp tác chặt chẽ với các quốc gia xuất khẩu gạo trên thị trường thế giới. Trong nước có biện pháp đầu tư xây dựng kho hàng, công nghệ chế biến bảo quản, giảm thất thoát sau thu hoạch, nhằm nâng chất lượng và giá gạo xuất khẩu.

+ Thủy sản: Để đẩy mạnh xuất khẩu, từ nay đến cuối năm, tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại theo kế hoạch, phối hợp với các cơ quan ngoại giao, thương mại hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn từ các rào cản thương mại, kỹ thuật trên các thị trường xuất khẩu thuỷ sản; đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, đặc biệt chú trọng vào thị trường Trung Quốc; tiếp tục hỗ trợ thông tin dự báo thị trường giữa các sản phẩm thuỷ sản cho doanh nghiệp; duy trì cơ cấu thị trường giữa các thị trường thuỷ sản; chấn chỉnh những hành vi ảnh hưởng uy tín của xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (như bơm chích tạp chất; các thủ thuật nhằm tăng khối lượng và kích cỡ; việc nhập khẩu nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ; tình trạng buông lỏng quản lý trong sử dụng lẫn mã số doanh nghiệp được cấp của cơ sở đủ điều kiện sản xuất chế biến xuất khẩu thuỷ sản). Tăng cường quản lý chất lượng trong suốt quá trình sản xuất, đảm bảo các yêu cầu của các nước NK, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng nội địa. Đầu tư đúng mức hơn trong việc xây dựng thương hiệu để bảo đảm sự thành công của sản phẩm thuỷ sản Việt Nam.

+ Thủ công mỹ nghệ: Tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực trên cơ sở nhu cầu thực tế; mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp trên cơ sở các thị trường mục tiêu được định hướng rõ ràng; đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng và cạnh tranh, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, quản lý đến xúc tiến thương mại; xây dựng và mở rộng thị trường trong khu vực và thế giới, nâng cao hình ảnh và tính cạnh tranh của ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

b. Về nhập khẩu

- Đảm bảo nhu cầu về máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước, nhất là phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.

- Theo dõi sát thông tin thị trường quốc tế kết hợp với đánh giá cầu trên thị trường trong nước để điều hành nhập khẩu kịp thời các mặt hàng cơ bản của nền kinh tế như phân bón, thép…

- Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tốc độ tăng trưởng nhập khẩu vào giá trị nhập siêu để có biện pháp điều hành, giảm thâm hụt cán cân thương mại hàng hoá trong những tháng tới.

5. Giải pháp bình ổn giá thị trường

- Đảm bảo mức tăng giá tiêu dùng phù hợp để duy trì sự ổn định của thị trường, thúc đẩy thương mại trong nước.

- Tăng cường các biện pháp quản lý giá, tránh việc đầu cơ, tích trữ đẩy giá lên, trước hết là các mặt hàng tiêu dùng, nhằm tạo sự ổn định cho thị trường nội địa, đảm bảo mức tăng trưởng thương mại nội địa trong các quý tới.

- Ổn định giá bán điện, than, đẩy mạnh các biện pháp quản lý và tiết kiệm chi phí đầu vào để hạ giá thành sản phẩm; kiểm soát chặt thị trường và các tầng nấc lưu thông hàng hóa để không xảy ra hiện tượng lợi dụng tăng giá các sản phẩm không hợp lý.

6. Giải pháp về thực hiện vốn đầu tư phát triển

a. Đẩy nhanh  tốc độ giải ngân

- Đổi mới cơ chế quản lý vốn đầu tư phù hợp với cơ chế thị trường.

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các công trình, dự án đầu tư;

- Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện phân bổ, giao kế hoạch vốn và thanh toán vốn đúng thời hạn quy định, quá thời hạn đó thì cắt hoặc chuyển cho đơn vị khác (Từ năm ngân sách 2006, Bộ Tài chính đã kiên quyết hơn trong việc xử lý các trường hợp phân bổ vốn chậm và thanh toán kéo dài sang năm sau).

- Tăng cường sự phối hợp triển khai giữa các bộ, ngành và các địa phương trong các hoạt động có liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư (như giải phóng mặt bằng, khai thác nguyên vật liệu, công bố mặt bằng giá, v.v...).

- Tăng cường biện pháp nhằm nâng cao khả năng tuyển chọn nhà thầu có năng lực đáp ứng yêu cầu trong điều kiện mới; đảm bảo năng lực của nhà thầu và kiểm soát chặt chẽ tiến độ thi công, không để tình trạng găm công trình.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, không những trong khâu thiết kế và ban hành các văn bản pháp quy, mà còn trong mọi thời điểm của quá trình thực hiện dự án (nhất là trong các khâu chuẩn bị đầu tư, xử lý vướng mắc trong quá trình đầu tư, nghiệm thu thanh toán...).

b. Tiếp tục tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

- Rà soát việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhằm xử lý hiệu quả số hồ sơ dự án đang đề nghị cấp phép.

- Hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật phục vụ cho việc xây dựng thể chế thị trường hoàn chỉnh và thực hiện các cam kết quốc tế, nhất là những cam kết khi gia nhập WTO. 

- Xây dựng, ban hành danh mục các điều kiện quy định liên quan đến lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là đối với hoạt động phân phối.

- Tăng cường công tác “hậu kiểm” để đẩy mạnh vốn thực hiện.

- Nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt lưu tâm tới sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế cũng đang dẫn tới nguy cơ quá tải của hệ thống giao thông, cảng biển, thông tin viễn thông và cấp thoát nước.

- Coi trọng vấn đề đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực bậc cao, để đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia

Các tin tức khác

>   Thu hút vốn đầu tư nước ngoài : Vẫn chưa tạo được cú "huých" (10/07/2007)

>   Giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm (10/07/2007)

>   JICA hỗ trợ Việt Nam xúc tiến đầu tư nước ngoài (10/07/2007)

>   VN là địa chỉ hấp dẫn với nhà đầu tư Nhật Bản (10/07/2007)

>   Khách sạn tăng giá phòng, công ty lữ hành lao đao (10/07/2007)

>   TP.HCM: 'Cái chết' của dự án trị giá 100 triệu USD (10/07/2007)

>   Giảm năng lực cạnh tranh vì tiêu hao năng lượng lớn (10/07/2007)

>   Hàn Quốc dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam (10/07/2007)

>   Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua mạng (10/07/2007)

>   Xúc tiến xuất khẩu hàng dệt gia dụng vào Châu Âu (10/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật