TP.HCM: 'Cái chết' của dự án trị giá 100 triệu USD
Dự án có tổng vốn vay nước ngoài 100 triệu USD, sau 7 năm thực thi với tiến độ... rùa đã “ngốn” hết khoảng 700 tỷ đồng, nhưng kết quả mang lại gần như bằng 0 này xem như đã “khai tử”.
7 năm chưa về đích
Tháng 12/1999, hiệp định vay của dự án cải thiện môi trường (CTMT) TPHCM đã được Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) ký kết với mục tiêu cải tạo cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao điều kiện sống cho người dân ở các quận 5,6,11, huyện Củ Chi ở TPHCM.
Theo thỏa thuận giữa hai bên, từ tháng 6/2000 ADB sẽ cho Việt Nam vay khoản vốn ưu đãi 70 triệu USD (lãi suất 1,5%/năm, thời hạn 32 năm với 8 năm ân hạn), TPHCM đối ứng 28,2 triệu USD và Chính phủ Na Uy sẽ viện trợ không hoàn lại 1,8 triệu USD để thực hiện.
Từ tháng 7/2000, dự án có tổng số vốn đầu tư lên đến 100 triệu USD này chính thức được triển khai. Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn tất vào ngày 31/12/2005.
Dự án CTMT có 3 cấu phần: Cải thiện hệ thống hạ tầng (hệ thống thoát nước lưu vực kênh Hàng Bàng, xây dựng công trình xử lý rác, thu gom, vận chuyển rác và lò hỏa táng); cải thiện môi trường (kiểm soát ô nhiễm công nghiệp, quan trắc chất lượng không khí, quy hoạch chất thải nguy hại cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam); Hỗ trợ thực hiện dự án. Phần quan trọng của dự án là xử lý môi trường kênh Hàng Bàng.
Theo như thạc sĩ Nguyễn Văn Phước (Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường, Giám đốc Ban quản lý dự án, thời điểm năm 2005) xác định với báo chí thì đó là việc cần làm ngay, bởi rạch Hàng Bàng có một vị trí quan trọng trong việc tiêu thoát nước ở khu vực các quận 5, 6, 11 rộng khoảng 430 ha.
Thế nhưng, hiện nay rạch đã bị lấn chiếm và bồi lắng gần hết. Việc tiêu thoát nước vì thế không thực hiện được, gây ngập úng nặng nề cho cả khu vực.
Thế nhưng tính đến thời điểm này, so với mốc thời gian ấn định phải hoàn tất thì dự án đã trễ gần 2 năm, với 4 đời Giám đốc Ban quản lý dự án, “ngốn” hết gần 700 tỷ đồng (chiếm 43% tổng số vốn) nhưng kết quả mang lại thì rất khiêm tốn.
Kết quả từ việc kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy đến bây giờ, hầu hết dự án thành phần vẫn còn loay hoay với việc tổ chức tư vấn, khảo sát thiết kế, đấu thầu, chọn nhà thầu... Đặc biệt do xử lý quá chậm nên một số dự án thành phần đã bị lạc hậu.
Cố gắng cứu nhưng đã muộn
Do dự án được thực hiện với tiến độ... rùa nên phía ADB buộc phải xem xét lại. Để cứu dự án, UBND TPHCM cùng các cơ quan chức năng đã liên tục có những cuộc làm việc và đưa ra lối thoát bằng cách cơ cấu lại dự án.
Giải pháp này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua (Công văn số 7359, ký ngày 8/2/2006) và sau đó là Thủ tướng Chính phủ cũng chấp thuận (Công văn số 498, ngày 29/3/2006) và điều chỉnh lại dự án CTMT (Công văn số 1282/TTg-CN).
Từ đây, Ban quản lý dự án CTMT đề nghị phía ADB gia hạn hiệp định vay đến năm 2010 với tổng mức đầu tư sau khi tái cấu trúc là 44,888 triệu USD (tương đương 720,448 tỷ đồng).
Tuy nhiên, cuộc họp vào tháng 4/2007 giữa Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín với đại diện ADB tại Việt Nam đã đi đến thống nhất không gia hạn khoản vay và ADB đã có văn thư gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tiến hành khóa sổ khoản vay và đề nghị UBND TPHCM thanh lý tất cả các khoản tạm ứng còn tồn tại.
Và UBND TPHCM đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ cho chấm dứt thực hiện dự án.
Giám đốc ADB Việt Nam Ayumi Konishi: Không thể làm sống lại dự án đã chết
Trao đổi với Tiền phong về dự án CTMT, ông Ayumi Konishi cho biết, ADB đồng ý cấp vốn (70% vốn đầu tư) cho dự án này vào năm 1999.
Song, đến tháng 6/2006, khi thời hạn giải ngân đã hết, nhưng khối lượng công việc đã thực hiện chỉ tương đương số tiền giải ngân là 5,39 triệu USD. Và vào thời điểm hết hạn giải ngân, không có bất cứ một công trình nào đang được thực hiện, không có hợp đồng nào đang được triển khai cũng không có quá trình đấu thầu nào đang diễn ra.
“Các bạn hình dung, khi cấp vốn cho một dự án thì cũng giống như việc cấp cho bạn một chiếc thẻ tín dụng có thời hạn. Sau thời hạn nhất định thì thẻ sẽ không sử dụng được nữa, mặc dù tiền bạn vẫn còn. Dự án này cũng vậy, nó đã hết thời hạn giải ngân chứ không phải ADB rút vốn đầu tư như nhiều người nhầm tưởng. Sau quá trình thảo luận chúng tôi đi đến quyết định không thể làm sống lại dự án mà thiết kế đã lỗi thời.
Tiền Phong
|