Thứ Ba, 10/07/2007 07:25

Phát triển ào ạt cá tra, ba sa ở ĐBSCL : Cá và người tranh giành… nước sạch!

Phát biểu tại hội nghị bàn giải pháp sản xuất, tiêu thụ và an toàn vệ sinh thủy sản được tổ chức hôm qua (9-7) tại An Giang, ông Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nói một câu khiến cả hội trường sửng sốt: “Cá và người đang tranh giành… nước sạch!”.

Diện tích tăng nhanh, ô nhiễm tràn lan!

Ông Lê Minh Hoan thừa nhận: “Hiện Đồng Tháp rất băn khoăn về tính bền vững của con cá tra, ba sa. 6 tháng đầu năm 2007, nông dân đã nuôi trên 1.080 ha cá tra, sản lượng khoảng 83.000 tấn. Diện tích nuôi mới và nuôi tự phát không ngừng tăng. Nhiều khu đất bãi bồi đã xảy ra sự xung đột giữa người nuôi với nhau. Đặc biệt, nguồn nước là một bức thiết”.

Khảo sát thực tế nhiều khu vực nuôi cá ở Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long… tình trạng ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động. Nơi nào nuôi cá là có mùi hôi nồng nặc từ thức ăn, phế phẩm, thuốc… khiến nguồn nước dơ bẩn không sử dụng được. Tại xã Thới Thuận (Thốt Nốt, Cần Thơ), hàng loạt hộ “kêu trời” vì nguồn nước ô nhiễm. Ông Võ Văn Đệ, đại gia nuôi cá ở Thới Thuận, thừa nhận: “Chỉ một con kênh, mọi thứ đều tuôn hết xuống đó không ô nhiễm mới là chuyện lạ? Chỉ cần vài hộ đưa chất thải từ đáy ao và nguồn nước có hóa chất ra sông thì cả xóm hết mong xài nước?”.

Ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc Sở Thủy sản An Giang, đặt vấn đề: “Tại sao đến nay, Bộ Thủy sản và các ngành liên quan không khảo sát cụ thể 2 dòng sông Tiền và sông Hậu, xem khả năng cho phép nuôi thế nào. Song song đó, hỗ trợ ĐBSCL hệ thống cảnh báo môi trường dịch bệnh”. Trong lúc quản lý nhà nước tỏ ra lúng túng thì diện tích nuôi cá không ngừng gia tăng tràn lan ở nhiều nơi.

Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ Thủy sản) đưa ra con số giật mình: Năm 1999, sản lượng cá tra, ba sa chỉ khoảng 86.700 tấn, đến năm 2006 vọt lên trên 825.000 tấn và dự kiến năm nay đạt 1 triệu tấn. Tốc độ phát triển chóng mặt trên đã phá vỡ mọi quy hoạch của Bộ Thủy sản và các địa phương về cá tra, ba sa. Có điều, diện tích càng tăng thì môi trường càng xấu, tỷ lệ hao hụt càng cao (từ 10%-15%, nay tăng lên trên 30%).

Liên kết để phát triển bền vững!

Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc lo ngại: “Tình trạng dư lượng kháng sinh đang thật sự cản ngại đối với xuất khẩu thủy sản của VN. Ngăn chặn việc này là nhiệm vụ hàng đầu, cần làm gấp”. Ông Ngọc than phiền: Việc mua bán cá tra, ba sa đang diễn ra “tùm lum”, nhiều nơi có kháng sinh không quản lý được?

Đặc biệt, có nơi người nuôi cố gắng giảm giá thành đã lạm dụng những chất có dư lượng kháng sinh, điều này không thể chấp nhận được. Ngoài ra, có một số doanh nghiệp làm ăn gian dối, lén lút xuất khẩu sản phẩm thủy sản không đạt, gây ảnh hưởng uy tín ngành thủy sản. Ông Ngô Phước Hậu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, bức xúc: “Có thể tìm ra những đối tượng sử dụng kháng sinh như sau: Người làm giống dùng kháng sinh để cho cá khỏe, dễ bán. Cơ sở chế biến thức ăn muốn cho cá tăng trọng nhanh nên họ đưa chất kháng sinh vào; trong khi người nuôi cũng dùng để tăng trọng và tiết kiệm. Thương lái vì lợi nhuận nên bất chấp thủ đoạn và cuối cùng là nhà máy khi thiếu nguyên liệu cũng chấp nhận mua?

Đáng lưu ý, những nhà máy nhỏ sơ chế, làm phi lê gia công… không qua hàng rào kiểm soát nên họ thường sử dụng kháng sinh để kiếm lời. Khi bị phát hiện họ bỏ chạy, không ai nắm được? Giải quyết việc này, cần có giải pháp đồng bộ và đề ra tiêu chuẩn cấm kháng sinh”.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục phó Cục Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thủy sản, nói: “Thủy sản VN đã nhiều phen lao đao về dư lượng kháng sinh, tới đây danh mục cấm sẽ dài thêm gây khó khăn cho việc xuất khẩu”. Theo Bộ Thủy sản, tới đây ngoài việc kiểm tra chặt chẽ các lô hàng, thì các doanh nghiệp (DN) vi phạm sẽ bị cấm xuất khẩu 3-6 tháng để kiểm tra lại nhà máy. Bộ kêu gọi cả cộng đồng từ DN, người dân đến chính quyền… cùng vào cuộc liên kết, phối hợp với tinh thần trách nhiệm cao mới mong ngăn được.

Ông Lê Minh Hoan đưa giải pháp: “Đồng Tháp dự định quản lý chất lượng và môi trường bằng cách khống chế diện tích. Theo đó, ai muốn nuôi cá tra phải có ít nhất 2 ha trở lên, bởi như vậy mới xử lý được môi trường. Những hộ ít đất thì phải liên kết lại và đăng ký hẳn hoi. Nếu làm được vậy, tình hình sẽ cải thiện”.

SGGP

Các tin tức khác

>   Khu kinh tế Dung Quất thu hút 119 dự án đầu tư hơn 5,3 tỷ USD (10/07/2007)

>   Cty Toàn Mỹ bị thiệt hại nặng do vụ Bồn nước inox cũng gây ung thư (10/07/2007)

>   10 khách sạn hàng đầu của VN (10/07/2007)

>   10,2 triệu đồng/tấn thép cây (10/07/2007)

>   Bò sữa lại lên hương! (10/07/2007)

>   Doanh nghiệp Hồng Công tranh thủ đầu tư vào VN (10/07/2007)

>   Hãng điện thoại Anh quan tâm đến thị trường VN (10/07/2007)

>   Đà Nẵng: Xuất khẩu thuỷ sản giảm mạnh (09/07/2007)

>   Triển khai thăm dò dầu khí tại ĐBSCL (09/07/2007)

>   Ngày đầu tiên cắt khí, thiếu 400MW điện (09/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật