Thu hút vốn đầu tư nước ngoài : Vẫn chưa tạo được cú "huých"
Trong 6 tháng đầu năm 2007, cả nước đã thu hút thêm hơn 5,2 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, công tác thu hút nguồn vốn FDI vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đón bắt làn sóng đầu tư mới.
Nguồn vốn FDI tiếp tục tăng trưởng
Ông Phan Hữu Thắng- Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, trong tháng 6/2007, cả nước có 203 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 556 triệu USD, đưa tổng số dự án cấp trong 6 tháng đầu năm 2007 là 575 dự án với tổng vốn đầu tư 4,3 tỉ USD. Bên cạnh đó, trong tháng 6/2007 có 58 lượt dự án bổ sung với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 293 triệu USD, đưa tổng số lượt dự án tăng vốn trong 6 tháng đầu năm 2007 lên 199 lượt dự án, có tổng vốn tăng thêm là 870 triệu USD.
Vốn đầu tư FDI đăng ký trong 6 tháng tiếp tục tập trung trong lĩnh vực công nghiệp (đạt 2.459,4 triệu USD), chiếm 56,5%, nhưng cơ cấu đầu tư đã có sự chuyển dịch tích cực sang lĩnh vực dịch vụ: 6 tháng đầu năm 2007 đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ có tỷ lệ 43,2%, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2006 là 22,6%. Một số ngành nghề dịch vụ đang thu hút sự chú ý của các nhà ĐTNN như xây dựng các khu vui chơi, nghỉ dưỡng sức, sản xuất phần mềm, dịch vụ tư vấn-tài chính… Tổng vốn đầu tư đăng ký lĩnh vực dịch vụ (đạt 1.781,6 triệu USD), chiếm 43,2%; số còn lại thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư.
Trong 6 tháng đầu năm 2007, Singapore đứng đầu trong 36 nhà đầu tư có mặt tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 890 triệu USD, chiếm 20,4% tổng vốn đăng ký; Hàn Quốc đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 733,3 triệu USD, chiếm 16,8%; Ấn Độ đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký 527,3 triệu USD, chiếm 12,1%.
Bà Rịa - Vũng Tàu dẫn đầu về thu hút vốn FDI (đạt 724,6 triệu USD), chiếm 16,6% tổng vốn đầu tư đăng ký; Thừa Thiên Huế đứng thứ hai, chiếm 12,7% và Bình Dương đứng thứ ba, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Số dự án quy mô tương đối lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư đã tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Quy mô vốn đầu tư trung bình cho một dự án đạt 7,5 triệu USD/dự án, cao hơn so với bình quân của cùng kỳ năm trước (6,7 triệu USD/dự án).
Mặc dù kết quả thu hút và sử dụng nguồn vốn ĐTNN trong 6 tháng đầu năm tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng so với cơ hội và mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đất nước giai đoạn 2006-2010 thì thu hút vốn FDI 6 tháng đầu năm vẫn chưa chớp được thời cơ nhằm tạo đà phát triển.
Cần tạo “cú huých” trong thu hút nguồn vốn FDI
Cùng với việc thực hiện các cam kết WTO một cách đầy đủ, quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam đang được cộng đồng DN quốc tế đánh giá cao (đứng sau Trung Quốc và Thái Lan), thể hiện qua kết quả điều tra thường niên của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) mới công bố trong quý I/2007. Việt Nam đang trở thành điểm hấp dẫn đầu tư ở châu Á. Các tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đã bắt đầu làn sóng đầu tư mới tại Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn nhiều bất cập trong thu hút vốn FDI. Cụ thể, hầu hết các lĩnh vực đầu tư có điều kiện chưa có văn bản quy định cụ thể làm căn cứ để thẩm tra, cấp GCNĐT, điều này gây lúng túng cho cơ quan quản lý đầu tư cũng như nhà đầu tư khi quyết định đầu tư. Trình tự, thủ tục chấm dứt dự án, thanh lý, giải thể và thu hồi GCNĐT không rõ ràng. Thiếu hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng điều kiện cho DN có nhà ĐTNN nắm giữ dưới 49% vốn điều lệ, vì vậy, cơ quan quản lý đầu tư địa phương không có căn cứ để hướng dẫn nhà đầu tư… Ngoài ra, một số trở ngại ảnh hưởng tới hoạt động ĐTNN như cơ sở hạ tầng còn yếu kém, công nghiệp phụ trợ còn hạn chế, chi phí đầu vào tăng (giá nguyên, vật liệu tăng, giá nhân công…); việc giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện điện, điện tử; vẫn còn vướng mắc về thủ tục pháp lý và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ...
Ông Thắng khẳng định, trong thời gian tới, nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh. Tính đến cuối tháng 6/2007, chỉ riêng 40 dự án quy mô lớn từ các nhà đầu tư tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Trung Đông… đang trong quá trình thương thảo, chuẩn bị đầu tư tại một số địa phương đã có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 35 tỉ USD. Tuy nhiên, để đón bắt được làn sóng đầu tư mới này, chúng ta cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và triển khai có hiệu quả các luật mới như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, sửa đổi Luật Thuế, Luật Ngân hàng, Bảo hiểm, Sở hữu Trí tuệ, Hải quan… Thực hiện rà soát các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường để thực hiện theo đúng lộ trình. Tập trung hoàn thiện cơ chế «một cửa » ở các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư và quản lý đầu tư. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực giao thông, cảng biển, dịch vụ viễn thông, cung cấp điện nước. Tăng cường công tác đào tạo, nhất là đào tạo nghề nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu lao động kỹ thuật cao của nhà đầu tư. Chuyển mạnh sang hình thức vận động đầu tư theo dự án và đối tác trọng điểm. Tích cực tiếp cận và vận động các công ty, tập đoàn lớn có thực lực về tài chính và kỹ thuật đầu tư vào Việt Nam. Tăng cường tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư tại Việt Nam cũng như tại một số địa bàn trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu...
Theo Thương mại
|