Thứ Tư, 11/07/2007 07:57

Cty mua bán điện: Không thể là doanh nghiệp cổ phần

Trước những tranh luận xung quanh đề án Cty CP Mua bán điện do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đưa ra, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ CN cùng các bộ, ngành liên quan vào cuộc. Báo DĐDN đã đăng tải nhiều bài của các chuyên gia, các nhà quản lý về vấn đề trên. Trước thềm cuộc họp do Bộ CN tổ chức về mô hình Cty mua bán điện với sự tham gia của đại diện các bộ ngành liên quan vào ngày 10/7/2007, Báo DĐDN đã phỏng vấn ông Thomas McInally - chuyên gia Tư vấn thiết kế thị trường điện Cty KEMA về mô hình của Cty đặc biệt này.

- Thưa ông, ngay khi EVN đưa ra mô hình Cty CP mua bán điện đã làm dấy lên nhiều tranh cãi. Với vai trò là chuyên gia tư vấn thiết kế thị trường điện VN, xin ông đưa ra bình luận về mô hình Cty này?

Tôi không tin rằng có thể thành lập Cty mua bán điện (Single Buyer - SB) dưới dạng Cty cổ phần với 3 lý do. Trước hết, Cty SB sẽ là Cty lỗ vốn và không ai mua cổ phiếu của một Cty không bao giờ tạo ra lợi nhuận cả. Thứ hai, SB cần có đảm bảo của Chính phủ cho các hợp đồng ký với các Cty phát điện và thứ ba SB sẽ mất hầu như tất cả các công việc kinh doanh mua bán điện khi đến giai đoạn thị trường cạnh tranh bán buôn. Phân tích chi tiết cụ thể như sau:

Thứ nhất, SB là cơ quan luôn luôn lỗ: SB sẽ là Cty dịch vụ có nhiệm vụ mua điện từ các Cty phát điện và thị trường điện và bán cho các Cty điện lực. SB sẽ ký hợp đồng với các Cty phát điện, trả tiền mua điện theo các hợp đồng này, và trả tiền mua điện cho bất kỳ lượng điện mua thêm cần thiết từ thị trường điện. SB rồi sẽ thu tiền điện từ các Cty điện lực đối với lượng điện các Cty điện lực mua.

Các Cty điện lực nhận tiền điện thanh toán từ khách hàng mua điện của Cty theo biểu giá điện bán lẻ được Chính phủ quy định. Biểu giá này không đảm bảo đủ doanh thu để bù đắp chi phí SB phải trả khi mua điện.

Vì vậy, SB sẽ chịu rủi ro do chênh lệch giữa doanh thu nhận được tùy thuộc vào biểu giá điện bán lẻ và chi phí mua điện theo hợp đồng và thị trường điện.

Để đảm bảo đủ cho SB quản lý được rủi ro lớn này, KEMA đã đề xuất cơ chế dùng doanh thu của các nhà máy điện sở hữu nhà nước (nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu) để đảm bảo cho SB đủ khả năng thanh toán cho lượng điện SB mua từ các nhà máy điện khác và từ thị trường điện.

Cơ chế này đảm bảo cân bằng doanh thu và chi phí của SB. Vì vậy, không thể dùng cơ chế này để bù giá tạo lợi nhuận giả tạo cho SB nếu SB được cổ phần hóa.

Thứ hai, SB cần có đảm bảo của Chính phủ cho các hợp đồng ký với các Cty phát điện.

SB sẽ thực hiện các hợp đồng hiện có với các Cty phát điện. Ở VN có một số Cty phát điện vốn nước ngoài ký hợp đồng mua bán điện PPA dài hạn theo cơ chế dự án BOT với EVN. Các hợp đồng này có bảo lãnh của Chính phủ và cần được chuyển sang tiếp tục thực hiện bởi SB. Sẽ là không bình thường nếu SB là Cty bán buôn hoạt động vì lợi nhuận và sẽ dẫn đến trường hợp dễ lạm dụng các bảo lãnh này.

Thứ ba, SB sẽ lỗ trong vòng 5 năm sau khi đưa thị trường vào hoạt động.

Khoảng 5 năm sau khi đưa thị trường phát điện cạnh tranh vào hoạt động, thị trường cạnh tranh bán buôn cũng sẽ được đưa vào hoạt động. Thị trường này cho phép các Cty có giấy phép bán buôn mua điện từ các Cty phát điện và thị trường điện để bán điện cho các Cty điện lực. Các Cty điện lực sẽ được cổ phần hóa và có thể có giấy phép bán buôn. Hầu hết các vai trò của SB sẽ biến mất khi thị trường này bắt đầu hoạt động. Vì vậy, lúc này SB sẽ thu nhỏ hoạt động rất nhanh. Thực tế SB sẽ thu nhỏ hoạt động nếu thị trường bán buôn đưa vào thành công. Điều này sẽ làm cho giá trị của SB sụt giảm nhanh chóng khi thị trường bán buôn đưa vào hoạt động. Các cổ đông của SB không chấp nhận điều này vì họ sẽ giảm đi giá trị cổ phiếu họ sở hữu.

- Nhận xét của ông về ý kiến của WB về mô hình Cty mua bán điện do EVN đề xuất? Một số ý kiến cho rằng WB không đồng ý với mô hình này do WB dựa trên quan điểm bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài?

Tôi đồng ý với WB. Ý kiến này củng cố lập luận của tôi là không nên có mô hình SB là Cty cổ phần.

- Vậy đâu là các biện pháp giảm rủi ro có tính khả thi cho Cty mua bán điện? Liệu mô hình thị trường điện chào giá theo chi phí đảm bảo cung ứng điện ở khu vực nông thôn, nơi mà chi phí cung ứng điện đang được bù giá? Cty mua bán điện sẽ mua điện từ các nhà máy điện BOT theo cơ chế nào, khi mà chi phí mua điện từ các nhà máy điện này là rất cao, thưa ông?

Tôi đã đề xuất cơ chế dùng lợi nhuận của các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu mà sẽ vẫn còn thuộc sở hữu nhà nước để quản lý rủi ro của Cty mua bán điện SB. Cơ chế này đã được dùng ở các thị trường điện khác trong quá trình quá độ chuyển tiếp sang cạnh tranh hoàn toàn trong phát điện và cung ứng.

Cả hai mô hình thị trường điện chào giá theo chi phí hay chào giá tự do đều không ảnh hưởng đến việc cung ứng điện ở khu vực nông thôn. Việc cung ứng điện thực tế là nghĩa vụ của các Cty điện lực phục vụ cho người dùng điện ở các khu vực này. Việc trợ giá được thực hiện dưới hình thức biểu giá điện thấp mà các Cty điện lực tính cho người dùng điện. Tôi đã đề xuất cơ chế các Cty điện lực chỉ trả cho SB dựa trên lượng tiền mà các Cty điện lực nhận từ doanh thu theo biểu giá điện bán lẻ (sau khi trừ chi phí). Rủi ro và nhu cầu trợ giá sẽ thuộc về SB. Cơ chế này giúp dễ dàng quản lý rủi ro và trợ giá vì chỉ thực hiện ở một chỗ và tôi đã đế xuất cơ chế này dùng doanh thu từ các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu như nêu ở đoạn trên.

Cty mua bán điện SB sẽ trả chi phí mua điện cho các nhà máy điện BOT vì Chính phủ đã bảo đảm cho Cty BOT. Các bảo lãnh hiện tại Chính phủ bảo lãnh cho chủ các nhà máy điện BOT qua EVN cần phải được chuyển qua cho SB. Một lần nữa, tôi đề nghị chi phí quá mức của SB khi mua điện giá cao so với lượng tiền thu được khi bán điện cho khách hàng với biểu giá Chính phủ quy định được thu hồi từ lợi nhuận của các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu.

- Các biện pháp nào để đảm bảo tính minh bạch trong việc huy động các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, thưa ông?

KEMA đã đề xuất hai biện pháp để đảm bảo tính minh bạch. Biện pháp thứ nhất là các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu cần được huy động theo thuật toán được công bố trước, công khai với mọi thành viên trên thị trường. Biện pháp thứ hai là tất cả các thông số đầu vào của thuật toán này và các lịch huy động do thuật toán tính toán được cần được công bố trước.

Kết hợp hai biện pháp này sẽ đảm bảo tính minh bạch của quá trình lập lịch huy động các nhà máy điện.

- Xin cảm ơn ông!

DĐDN

Các tin tức khác

>   Nhiều ý kiến khác nhau về việc lập công ty mua bán điện (10/07/2007)

>   OTC: Một số cổ phiếu ngân hàng tăng giá (10/07/2007)

>   Hướng đi mới trong cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (10/07/2007)

>   Kết quả đấu giá bán cổ phần của Cty Nhiệt điện Bà Rịa (10/07/2007)

>   Điều chỉnh IPO đối với doanh nghiệp nhà nước? (10/07/2007)

>   Dược phẩm Viễn Đông: Bảo hộ sở hữu công nghiệp để tự tin hội nhập (10/07/2007)

>   Cổ đông lớn nhất của Vincom công bố mua lại CP của bất cứ ai muốn bỏ cọc (10/07/2007)

>   Chiêu "ghìm" giá khi DN Nhà nước cổ phần hoá (09/07/2007)

>   Khánh thành giàn nén khí tăng áp lớn nhất Việt Nam (09/07/2007)

>   Vincom ngừng tham gia đấu thầu dự án Chợ Hôm - Đức Viên (09/07/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật